Friday, June 19, 2015

Chiến tranh Nhân dân có hiệu lực trên biển?

Mao (bìa trái) và Chu Đức (thứ nhì từ phải sang) từng nêu ra học thuyết Chiến tranh Nhân dân
Bước sang thế kỷ 21, học thuyết Chiến tranh Nhân dân xây dựng trên lý thuyết của Mao Trạch Đông và nguyên soái Chu Đức vẫn tiếp tục được đề cao trên báo Quân đội Nhân dân ở Việt Nam, tuy rất ít phân tích và trống vắng kiểm định.
Trong bản đăng ngày 23/12/2012, sau khi đánh giá "chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không là tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh", Đại tướng Phó Quân ủy Trung ương kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh viết:
“Lực lượng và thế trận của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, trên hết và hơn hết biểu hiện cho ý chí ngoan cường, dũng cảm, trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam, của nghệ thuật quân sự Việt Nam độc đáo, thể hiện trong phương châm chiến lược lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn và thắng địch bằng Mưu, Kế, Thế, Thời.”
Đại tướng Thanh không giải thích thế nào là Mưu, Kế, Thế, Thời và chừng như phương châm “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn” chỉ là khẩu ngữ viết cho tranh cổ động.
Trên thực tế chiến trường, Quân đội Nhân dân thường xuyên có khả năng mở đồng loạt nhiều mặt trận từ Quảng Trị lên Pleiku, xuống An Lộc vào Tây Ninh cùng một lúc, tức đông quân và lấy lớn đánh lớn.
Ngay trong chiến tranh Việt-Pháp, Quân đội Nhân dân luôn dụng nhiều đánh ít.
Trận Đông Khê tháng 9 năm 1950, Tổng bộ Việt Minh dùng hai trung đoàn chủ lực 174 và 209 đánh hai đại đội Lê dương của tiểu đoàn 2 trung đoàn 3 Lê dương [II/3e REI] dưới quyền đại úy Allioux có cấp số 250 binh sĩ.
null
Trận Điện Biên Phủ - hình dựng lại sau cuộc chiến
Chưa tính đến trung đoàn Sông Lô 209 của Lê Trọng Tấn, chỉ riêng trung đoàn 174 Cao-Bắc-Lạng đã đông gấp 20 lần quân Pháp.
Trong hồi ký Người lính già Đặng Văn Việt, Chiến sĩ Đường số 4 Anh hùng, Nxb Trẻ 2003, cựu trung tá Đặng Văn Việt “hùm xám đường biên giới”, là trung đoàn trưởng trung đoàn 174 trong trận này, ở trang 149 ghi rõ:
“Thế và lực giữa ta và địch đã thay đổi. Để đẩy mạnh cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Bộ Tổng Tư lệnh và Trung ương Đảng cho thành lập hai trung đoàn mạnh – hai đơn vị chủ lực mạnh đầu tiên của của quân đội ta: E174 – E209. E174: Lập nên bởi các lực lượng tinh nhuệ của ba trung đoàn địa phương ba tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn. Quân số lên đến 5.500 (gần một lữ) gồm 6 tiểu đoàn: 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo binh (6 khẩu pháo 75 ly), 1 tiểu đoàn cao xạ (12 khẩu 12,7 ly), 1 đại đội trợ chiến (6 cối 81 ly, 6 súng không giật 75 ly), 1 đại đội trinh sát, 1 đại đội công binh, 1 đại đội thông tin liên lạc, 1 đại đội cảnh vệ. Chỉ huy: Đặng Văn Việt – trung đoàn trưởng, Chu Huy Mân – chính ủy.”
Trận đồi Him Lam (đồi Béatrice) chiều 13 tháng 3-1954, hai trung đoàn 209 và 141 tràn ngập tiểu đoàn 3 của Bán Lữ đoàn 13 Lê dương [III/13e DBLE] dưới quyền thiếu tá Paul Pégot có quân số 450 binh sĩ. Không ngẫu nhiên phương Tây luôn nhìn huyền thoại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp song hành với chiến thuật biển người.
Đại tá Pierre Rocolle trong luận án Vì sao Điện Biên Phủ [Pourquoi Dien Bien Phu, Nxb Flammarion,1968] mô tả chiến thuật này:
“Theo những tiêu chuẩn của chiến thuật Việt Minh, tấn công một cứ điểm, cần tập trung nỗ lực trên một trận địa thật thâu hẹp (vào chừng vài trăm thước) hầu đánh thủng hệ thống phòng thủ tại một điểm.
null
Tác giả hỏi 'Chiến tranh Nhân dân' của Việt Nam làm được gì trước hàng không mẫu hạm Liêu Ninh?
Tất nhiên cần lượng lớn súng cối và đại bác bộ binh đối diện khu vực tấn công, đồng thời tập trung các đơn vị được chỉ định xung phong đông từ 10 đến 20 lần quân trú phòng trong một hành lang hẹp trên địa thế chọn lựa.
Thực hiện đầu tiên một xé rào rồi nới rộng dần bằng cách tung những làn sóng tiến công tiếp theo cho đến khi trọn chu vi phòng thủ đối phương bị tràn ngập.” (trang 348)
Như thế, phương châm chiến lược “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn” của “nghệ thuật quân sự Việt Nam độc đáo” mà đại tướng Phùng Quang Thanh ca ngợi, ít tính khả tín.
Càng thêm khó hiểu khi đại tướng nhấn mạnh: tạo thế trận liên hoàn của “chiến tranh nhân dân đất đối không, đất đối biển”.
Hôm nay trước uy hiếp của Hải quân Trung Quốc, dân Việt không khỏi băn khoăn làm cách nào dân miền Trung cách Trường Sa 248 hải lý có thể lấy đất ruộng đương đầu với hạm đội thủy chiến Trung Hoa, đặc biệt đương đầu với hàng không mẫu hạm Liêu Ninh mà chắc chắn Trường Sa sẽ là mục tiêu oanh kích?
Chiến tranh Nhân dân, từng là học thuyết quân sự chánh thức trong quá khứ, cáo chung trên Biển Đông.
null
Ngư dân Việt Nam thường phải ra các vùng cá bị Trung Quốc tuần tra
Ngay cả trong quá khứ, học thuyết này mang những giới hạn, vì ẩn vào dân khi yếu, dùng tai mắt dân quan sát, lấy thóc dân nuôi binh và dùng sức dân vận chuyển… không giúp ích cho một đạo quân tác chiến độc lập tách rời dân chúng.
Như khi hành quân ngoại biên, Quân đội Nhân dân không bình định được Campuchia trong 10 năm chiếm đóng, chính vì dân xứ Khmer không theo. Trên mặt biển, các hải đoàn Việt Nam hoàn toàn cô độc trước hải lực hùng hậu của Trung Hoa.
Cập nhật học thuyết chiến tranh của quân đội trở nên cấp thiết.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả Trần Vũ, đã đăng trên trang Tiền Vệ. Các đề xuất các ý tưởng, giải pháp quân sự mới mẻ hoặc muốn thảo luận nghiêm túc về chủ đề này, xin gửi về Diễn đàn BBC ở địa chỉ: vietnamese@bbc.co.uk. Xin đọc thêm bài tiếng Anh về học thuyết quân sự 'Chiến tranh Nhân dân' (renmin zhanzheng) của Mao Trạch Đông tại đây, và bài phê phán tác giả Trần Vũ trên báoNhân Dân tại đây.

No comments:

Post a Comment