Sunday, April 12, 2015

Vì sao VN bổ túc điều 'nhạy cảm' vào dự thảo Bộ Luật Hình Sự?

Theo Người Việt-04-12-2015 2:02:49 PM
Phạm Chí Dũng

“Người nào cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình và các quyền tự do, dân chủ khác của công dân, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù 3 tháng đến 2 năm. Nếu phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây hậu quả nghiêm trọng, thì có thể bị phạt tù đến 7 năm.”

Nội dung trên bất ngờ phát lộ trong bản dự thảo Bộ Luật Hình Sự sửa đổi - được Bộ Tư Pháp giải trình về trước Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội vào ngày cuối cùng của tháng 3, 2015.

Ngay lập tức, nữ đồng nghiệp của tôi đang làm cho một hãng thông tấn quốc tế gọi điện về: “Thật khó tin là nhà nước Việt Nam lại lấy dây tự buộc chân mình! Có phải mơ hay không vậy?”

Quả thực, lần đầu tiên những cơ quan hành pháp và lập pháp Việt Nam bày tỏ “lòng thành tâm” đột ngột đến bất thường khi cố gắng làm cho khái niệm “nhà nước pháp quyền” đỡ mù mờ hơn, cho dù những quyền cơ bản của người dân về tự do ngôn luận, tự do biểu tình, tự do báo chí đều đã được Hiến Pháp Việt Nam hiến định từ năm 1992.

Luật hóa các cam kết về nhân quyền

Những người theo sát các diễn biến vi phạm nhân quyền ở Việt Nam như nữ đồng nghiệp của tôi thậm chí còn kinh ngạc “Hay là ‘họ’ định giở trò gì khác nữa?”

Nếu thời gian trôi ngược từ năm 2012 trở về trước, hẳn không thiếu “trò” của chính quyền Việt Nam mị dân và mị cả quốc tế.

Nhưng lại có một câu trả lời khiến sự ngạc nhiên trở nên đáng tự tin hơn: Luật hóa các cam kết về nhân quyền.

Không gian nhà tù ở Việt Nam vẫn nguyên trạng co thít, nhưng những lỗ tò vò bắt đầu sáng nắng hơn. Từ năm 2013 đến nay, “luật hóa các cam kết về nhân quyền” là một trong những yêu sách quyết liệt của chính phủ, Quốc Hội Hoa Kỳ và các nước Tây Âu đối với nhà nước Việt Nam trên bàn đàm phán về tiến trình dân chủ hóa tại quốc gia “luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người.”

Phong cách lãnh đạo “nói nhiều làm ít” hoặc “chỉ nói không làm” ở Việt Nam đã vun đúc cho giới chính trị quốc tế một thâm niên dày dặn kinh nghiệm đối phó. Cho dù Việt Nam được tưởng thưởng bằng một cái ghế hầu như nghiễm nhiên tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 11, 2013, điều đó không có nghĩa là chính thể này sẽ êm ái mãi mãi trên nhung lụa. Một thành viên nhân quyền cần và phải tự biết tiến hóa ở mức độ tối thiểu về trách nhiệm và cung cách hành xử của chế độ đối với dân chúng.

Kỳ họp Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên dành cho phái đoàn Việt Nam đã diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ vào tháng 2, 2014 với hơn 200 câu hỏi và yêu cầu của gần 100 quốc gia đối với Việt Nam. Hầu hết những chủ đề bị vi phạm trầm trọng như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do đi lại, tiếp cận thông tin, tự do biểu tình, công đoàn độc lập, xã hội dân sự đã được nêu ra và truy buộc.

Tuy thế, chỉ đến gần cuối năm 2014, lần đầu tiên giới lãnh đạo Quốc Hội Việt Nam mới hé lộ ý định “giao lưu và hợp tác với nghị viện Châu Âu và Quốc Hội Hoa Kỳ.” Nhân vật đứng ra bày tỏ ý tưởng tốt đẹp đó là Nguyễn Sinh Hùng. Hành động này cũng diễn ra trong bối cảnh mà báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo - ông Heiner Bielefeldt - vừa kết thúc chuyến khảo sát Việt Nam để từ đó kết luận “vấn đề nghiêm trọng”, và tuyên bố “phạm vi của quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng vẫn còn rất hạn chế và không an toàn” tại Việt Nam.

Ai là người “cải cách”?

Cách nào đó, có thể xem Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng - người thuộc “bộ tứ” trong Bộ Chính Trị - là chính khách “ghi điểm” với phương Tây về một chút cải cách luật pháp, cho dù còn hàng mớ điều mơ hồ trong Bộ Luật Hình Sự như Điều 79 (lật đổ chính quyền), Điều 88 (tuyên truyền chống nhà nước), Điều 258 (lợi dụng các quyền dân chủ) cần được thẳng tay loại bỏ.

Thậm chí với động tác bổ sung những điều khoản chế tài đối với hành vi cản trở nhân quyền vào dự thảo Bộ Luật Hình Sự lần này, ông Nguyễn Sinh Hùng còn có vẻ muốn “qua mặt” cả Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng - vốn được một số trí thức sốt ruột cải tổ xem là chính khách có đầu óc “cải cách” nhất.

Câu chuyện khá mới là vào trung tuần tháng 3, 2015, chính phủ của nhân vật từng ra trước Quốc Hội vào năm 2011 đề nghị cần có Luật Biểu Tình vừa dứt khoát đề nghị lùi việc trình luật này ra Quốc Hội đến cuối năm 2016, thay vì được hứa hẹn sẽ thông qua vào năm 2015. Không những thế, chính phủ còn đề nghị hoãn luôn cả Luật Lập Hội - một văn bản mà tính từ Hiến Pháp năm 1992 đến nay đã có “độ trễ” quá trống vắng liêm sỉ: 23 năm.

Nhưng với một động thái khá lạ lùng, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội đã phản bác đề nghị của chính phủ về hành động trì hoãn chây ì trên. Một số quan chức quốc hội còn cho rằng ngay trước mắt phải có Luật Lập Hội.

Dường như tư duy của Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng đang biến chuyển theo từng quý chứ không còn nằm ở giai đoạn cuối 2013 - với Luật Đất Đai được thông qua mà không có bất kỳ một tiến hóa nào cho quyền sở hữu của người dân.

Bằng chứng gần gũi nhất là ngay sau Hội Nghị Đại Hội Đồng Liên Minh Nghị Viện Thế Giới- IPU 132 được tổ chức ở Hà Nội vào cuối tháng 3, 2015, trong đó vai trò của chủ tịch Quốc Hội Việt Nam dĩ nhiên được mọi con mắt dồn vào, Uy Ban Thường Vụ Quốc Hội đã phát ý kiến về dự án Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (sửa đổi), trong đó có nội dung cụ thể của việc luật hóa một số biện pháp điều tra đặc biệt liên quan đến câu hỏi luôn nhức nhối của dân “Ai được đọc trộm thư, nghe lén điện thoại?”

Quan điểm của Uy Ban Tư Pháp của Quốc Hội là một số nội dung dự thảo quy định “chưa chặt chẽ.”

Những tin tức ban đầu trên báo chí cho biết dự thảo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự sửa đổi còn dành hẳn một chương (Chương 19) quy định về biện pháp điều tra đặc biệt.

Chi tiết ấn tượng nhất là tại cuộc họp này, ngay cả một viên chức cao cấp của Bộ Công An - Thượng Tướng Thứ Trưởng Lê Quý Vương - cũng phải thừa nhận: “Biện pháp điều tra đặc biệt tôi cũng chưa biết nó là biện pháp gì. Có biện pháp điều tra tố tụng và biện pháp trinh sát điều tra của lực lượng công an (là bí mật). Xu hướng là luật hóa nhưng rất khó.”

Và ở một chiều kích khá trái ngược, ông Nguyễn Sinh Hùng cho rằng về nguyên tắc, gọi là đặc biệt hay bí mật, áp dụng khi trinh sát hay điều tra, thu thập chứng cứ hay tiến hành tố tụng mà xâm phạm đến quyền con người đều phải quy định trong luật.

“Có thể việc tổ chức nghe lén, quay lén không quy định chi tiết trong luật nhưng trường hợp nào được áp dụng, áp dụng biện pháp gì, ai có thẩm quyền cho phép áp dụng thì phải ghi cụ thể, phải quy định rõ ràng là việc áp dụng phải được VKS phê chuẩn” - Chủ Tịch Hùng tạm kết luận.

Không còn “song mã”

Sau câu chuyện pháp lý đầy nhạy cảm trên và sau chuyến công du Hoa Kỳ được xem là khá thành công của viên tướng Bộ Trưởng Công An Trần Đại Quang, trong khi chuyến đi Úc của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng có vẻ không đạt kết quả khả quan nào, bầu không khí tranh giành ảnh hưởng quốc tế và dĩ nhiên cho cuộc vận động “toàn đảng, toàn dân tiến tới Đại Hội Đảng 12” xem ra đang và sẽ “đa nguyên” hơn, cùng gay go hơn rất nhiều so với hình ảnh “song mã” trước đây.

No comments:

Post a Comment