Dân than mặc dân!
Chiều 31.3, chúng tôi chứng kiến 3 xe tải cùng nhiều công nhân đang hì hục đào đất cát cho lên xe. Cách mép sông Vu Gia chừng 40m, khoảng 1/3 diện tích khu vực này đã bị bóc mặt, hàng ngàn mét khối đất bị lấy đi. Chủ doanh nghiệp (DN) được huyện Đại Lộc “bật đèn xanh” cho tận thu đất cát bán là ông Đặng Văn Mịch (em trai ông Đặng Văn Lộc - Phó Chủ tịch xã Đại Nghĩa).
Người dân tiếp xúc chúng tôi đều bất bình trước việc làm này. Ông Doãn Tường nói thẳng: “Họ đào đất để bán chứ không phải cải tạo đất. Bờ sông này thường xuyên bị xói lở sao lại đào đi. Cải tạo là làm cho khu vực này bằng khu vực kia để người dân sản xuất chứ đâu phải đào nơi này sâu hơn nơi kia. Chúng tôi không thống nhất nhưng xã, huyện vẫn làm”.
Theo ông Phan Văn Ha - Trưởng thôn Mỹ Thuận, nơi này đào bao nhiêu cũng cát. Lấy hết lớp trên, tầng dưới càng không sản xuất được. Từ 6 năm trước, ông Ha thay mặt gần 30 hộ dân ký hợp đồng thuê đất sản xuất (đất 5%) 2 năm 1 lần với xã Đại Nghĩa với tổng diện tích hơn 190.000m2. Trồng dưa, bí… một thời gian ngắn, thấy không hiệu quả, họ vay vốn ngân hàng mở trang trại nuôi bò. “Trang trại bò hiện có trên dưới 150 con. Thu nhập từ bò cao gấp 10 lần so với sản xuất nông nghiệp. Chính quyền không ủng hộ việc này, mà lại nghĩ ra việc cải tạo đất” - ông Ha nói.
Mở lạch “rước”… lũ!
Ông Đặng Văn Lộc - Phó Chủ tịch xã - khẳng định: “Việc cải tạo đất là hợp lý. Khu vực đó đất bồi nên cằn cỗi, người dân không thể sản xuất được, cần bóc lớp mặt để trả lại tầng đất trồng trọt cho họ”. Trong khi đó, người dân khẳng định, bãi bờ này nguyên thủy như vậy và bị xói lở thêm chứ không bồi.
Thuận theo “sáng kiến” của xã, tháng 3.2013, huyện Đại Lộc phê duyệt dự án cải tạo đất bồi cát, mở rộng đất sản xuất, đất màu tại đây. Diện tích cải tạo hơn 3ha, khối lượng đào hơn 37.000m3, thời gian thực hiện từ 4.2013 - 5.2014.
DN chỉ được “bóc lớp đất bồi cát trên bề mặt trung bình 1m”, nhưng hiện trường, có nơi bị đào sâu đến hơn 2m. Nôi dung phê duyệt cũng “trái khoáy”, đào bãi bờ sông, nhưng giúp “hạn chế xói mòn vào mùa mưa lũ”? Tháng 5.2014, huyện Đại Lộc tiếp tục gia hạn cho DN thời gian cải tạo đến tháng 5.2015.
Suốt quá trình thực hiện, bị dân phản ứng dữ dội, DN không dám đào vào vị trí trang trại bò. Và dù thời gian gia hạn sắp hết nhưng còn hơn 1ha đất chưa được “cải tạo”. “Cách đây 3 năm, chính xã vận động chúng tôi trồng tre chắn lũ phía trên khu vực đang tận thu đất cát khoảng 500m, nhưng không hiểu sao lại cho đào bới bãi bờ phía dưới” - ông Ha nói.
Trước thực tế hiển nhiên như vậy, ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng NNPTNT huyện Đại Lộc - vẫn có thể nói: “Khu vực cải tạo nếu có biến động dòng chảy thì do quy luật tự nhiên thôi, có tạo lạch hay không thì không nói trước được (!?)”.
Lời ông quả lạ và chắc nó không phải ngẫu nhiên trùng hợp với việc lãnh đạo xã Đại Nghĩa “tự chọn” DN là người nhà của mình dù không đủ năng lực cải tạo, mà chỉ “chú tâm” đào đất cát bán san nền. Vì vậy, người dân có quyền đặt câu hỏi: “Mục đích cải tạo có thực sự vì cơm áo của họ hay vì tư lợi của một ai đó?”.