Sunday, April 12, 2015

Mớm cung, dụ cung, bức cung, nhục hình là vì... thành tích?



(GDVN) - Bức cung nhục hình sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy và nguy hiểm nhất là gây mất niềm tin của nhân dân vào hệ thống hành pháp.

Theo báo cáo kết quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”, trên thực tế còn xảy ra một số trường hợp bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân của người bị tình nghi thực hiện tội phạm và dễ dẫn đến oan, sai.
Đáng lưu ý thời gian gần đây đã xảy ra 3 vụ dùng nhục hình gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết người, gây bức xúc trong dư luận như các vụ:
Vụ thứ nhất, 5 Công an ở Tuy Hòa (Phú Yên) nhục hình dẫn đến cái chết của Ngô Thanh Kiều.


5 bị cáo từng là sĩ quan công an tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), bị khởi tố trong vụ làm chết Ngô Thanh Kiều. ảnh: LDO.

Vụ thứ hai, Điều tra viên (Công an Sóc Trăng) đã dùng nhục hình ép bị can Trần Văn Đở và 6 bị can khác phải khai theo ý chí của mình là đồng phạm trong vụ giết người, cướp tài sản dẫn đến việc khởi tố, bắt giam oan 7 người.
Vụ thứ ba, Điều tra viên (Bắc Giang) nhục hình nghiêm trọng đối với bị can Nguyễn Thị Nguyệt Nga.
Cả ba vụ nhục hình trên đều được khởi tố, điều tra xử lý hình sự.
Tại phiên làm việc trước đó của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an thẳng thắn cho biết, trên thực tế trong công tác điều tra có xảy ra bức cung nhục hình, nhất là đối với cơ quan điều tra cấp huyện. Thí dụ như vụ Ngô Thanh Kiều tại Tuy Hòa (Phú Yên) đã xảy ra nhục hình, đã phải xử lý cán bộ tư pháp.
“Qua xảy ra những việc này, Bộ Công an đều kiểm tra, xử lý rất nghiêm minh nhằm chống bức cung, nhục hình”, Tướng Vương khẳng định.
Tại sao xảy ra chuyện oan sai trong công tác điều tra? Thượng tướng Lê Quý Vương lý giải: “Cơ bản trong công tác này chủ yếu chưa tập trung vào chứng minh sự thật khách quan, chủ yếu coi trọng lời khai, tức là trọng cung hơn trọng chứng cứ, mà nguyên tắc là phải trọng cứ hơn, không dễ tin vào lời khai”.
Nguyên nhân về mặt chủ quan của cán bộ điều tra, Tượng tướng Lê Quý Vương nhận định, cơ bản là do năng lực, phẩm chất, đặc biệt đó là trách nhiệm trong công tác điều tra, không tuân thủ theo đúng quy trình điều tra.
“Thời gian vừa qua có một vài việc do có tư tưởng thành tích, nôn nóng nên dẫn đến sai phạm. Thí dụ vụ Ngô Thanh Kiều thì đối tượng này có một tiền án và tài liệu trinh sát đã chứng minh Ngô Thanh Kiều có tham gia trộm cắp cùng các đối tượng khác.
Cơ quan điều tra đã bắt giữ được 2 đối tượng khác và khai ra Ngô Thanh Kiều. Khi tìm ra Ngô Thanh Kiều lẽ ra chỉ cần làm một số động tác: Xem xét đánh giá, ra lệnh bắt khẩn cấp; quyết định ra lệnh tạm giữ; kiểm tra thương tích, sức khỏe; lấy lời khai; báo cho Viện kiểm sát ra lệnh bắt. Nhưng do anh em nôn nóng, đối tượng ngoan cố không khai nên dẫn đến nhục hình”, Tướng Vương cho biết.


Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an. ảnh: Ngọc Quang.

Còn theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về oan sai cho thấy, các hành vi bức cung, dùng nhục hình thường diễn ra ngay sau khi tạm giữ hoặc khi lấy lời khai đối tượng mà không nhận tội. Việc tố giác bức cung, nhục hình và việc điều tra chứng minh việc bức cung, dùng nhục hình thường gặp khó khăn do hành vi phạm tội xảy ra tại địa điểm, bối cảnh đặc biệt, khép kín.
Nhiều trường hợp khi ra tòa bị cáo mới khai bị bức cung, nhục hình hoặc khi người bị tạm giữ chết và có tố cáo gay gắt thì mới được phát hiện.
Nhìn chung, việc giải quyết các đơn tố cáo về bức cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra còn chậm, ảnh hưởng quyền con người, quyền công dân. Việc xử lý đối với cán bộ vi phạm pháp luật có biểu hiện nương nhẹ, kể cả một số trường hợp xử lý hình sự thì kết quả xét xử cũng thiếu nghiêm minh, chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra.
Nguyên nhân của các trường hợp mớm cung, dụ cung, bức cung, dùng nhục hình chủ yếu là do tư tưởng nóng vội, bệnh thành tích và nhất là do yếu kém về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ điều tra. Tại các địa phương xảy ra một số vụ nhục hình có phần trách nhiệm của Viện kiểm sát trong kiểm sát điều tra ngay từ khi bắt, tạm giữ.
Theo phản ánh của một số đoàn luật sư, việc tham gia tố tụng sớm của Luật sư sẽ hạn chế bức cung, nhục hình, nhưng nhiều nơi luật sư còn gặp khó khăn khi gặp, hỏi người bị tạm giữ, tạm giam.
Bức cung, nhục hình dẫn tới oan sai vẫn luôn là một vấn đề mà ngành công an kiên quyết đấu tranh loại bỏ.
Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13, Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Trần Đại Quang khẳng định, nghiêm cấm việc mớm cung, ép cung, bức cung, nhục hình. Nếu vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh... Chúng tôi đã thường xuyên chỉ đạo kiểm tra phát hiện và khắc phục xử lý kịp thời những biểu hiện sai sót, vi phạm. Chính vì thế những sai sót, vi phạm trong hoạt động điều tra đã giảm rõ rệt, tuy nhiên cá biệt vẫn còn xảy ra ở một số đơn vị địa phương, thậm chí còn án oan sai gây bức xúc cho dư luận".
Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, những vụ án oan sai trên thực tế đã xảy ra, dẫu ít nhưng cũng có 5 việc cần phải làm:
Thứ nhất phải kịp thời minh oan cho người bị oan;
Thứ hai là tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ án, tìm ra thủ phạm;
Thứ ba là triển khai trách nhiệm bồi thường theo quy định của luật;
Thứ tư là xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra oan sai, sai đến đâu xử tới đó;
Thứ năm là tổ chức rút kinh nghiệm, đánh giá nguyên nhân, ban hành các kiến nghị để khắc phục, nếu luật yếu thì sửa luật, nếu cán bộ yếu hoặc quá trình điều hành chỉ đạo có sai sót ở đâu thì xử lý ở đấy.

No comments:

Post a Comment