Monday, April 27, 2015

Tuần hành vì cây xanh: người dân đã biết thực hiện quyền của mình

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-04-27   
Một nhóm chị em phụ nữ mặc những chiếc áo dài tham gia tuần hành vì cây xanh
Một nhóm chị em phụ nữ mặc áo dài tham gia tuần hành vì cây xanh ngày 26 tháng 4, 2015 tại Hà Nội- Photo JB nguyễn Hữu vinh

Trong lần tuần hành vì cây xanh lần thứ tư, người dân Hà Nội đã bị chính quyền ngăn cản, bắt lên xe chở về công an với cáo buộc gây mất trật tự công cộng. Người điễu hành đã bất hợp tác và tỏ ra không hề sợ hãi trước việc bắt người trái phép này.

Quyền hạn người dân

Tại Hà Nội, vụ chặt bỏ 6.700 cây xanh, trực tiếp gây nguy hại cho môi trường, tàn phá lá phổi của thủ đô đã bị người dân chống đối từ 1 tháng qua nhà nước vẫn có thái độ úp mở, không công khai tên tuổi những người đứng phía sau vụ chặt cây và quan trọng hơn nữa trong tuần lễ vừa qua hàng chục cây xà cừ quý bị gọt vỏ, băm nát nhằm khiến cây tự chết đã làm sự bực xúc tăng lên một cung bậc mới và sáng ngày Chúa Nhật 26 tháng 4, hàng trăm người lại tiếp tục tuần hành lên tiếng yêu cầu UBND Hà Nội phải có biện pháp rõ ràng về ấn đề này.

Như biết trước cuộc diễu hành sẽ tiếp tục, UBND quận Hoàn Kiếm đã đi trước một bước ra thông tư ngăn cấm người dân không được tập trung gây rối khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm và nói là sẽ có biện pháp đối với ai vi phạm pháp luật.

Thế nhưng sáng sớm Chúa nhật 26 tháng 4, hàng trăm người vẫn tập trung diễu hành và chính quyền đã thực hành lời cảnh báo của mình, đem dân phòng, công an và an ninh thường phục đến hiện trường bắt hơn 20 người về công an Long Biên, lấy lời khai của họ và sau đó trả tự do cho tất cả mọi người cùng ngày.

Những người chưa kinh nghiệm va chạm, nhất là những khuôn mặt mới xuất hiện, những bạn trẻ chưa kinh nghiệm nhiều thì họ đe dọa, trấn áp...Còn đối với những người đã quen rồi thì họ chả làm gì được họ chuyển sang đấu lý mà thực ra đấu lý thì lúc nào công an cũng thua vì họ không có lý lẽ gì cả-Nhà báo Đoan Trang

Trên khía cạnh pháp lý người dân tỏ ra đã hiểu được quyền hạn của mình. Quyền biểu đạt và tự do phát biểu của người dân trong hiến pháp Việt Nam vẫn hiện hữu mặc dù nhiều lúc chính quyền đã diễn giải chúng theo cách riêng của họ. Người dân ngày nay qua hệ thống thông tin toàn cầu cùng với sự giải thích của các luật gia khắp nơi đã hiểu biết nhiều hơn quyền hạn của họ với thái độ không sợ hãi như trước đây mặc dù nhà nước vẫn không thôi sử dụng bạo lực qua lực lượng dân phòng.

Nhà báo Đoan Trang bị bắt chung với 21 người khác vào sáng 26 vừa qua là cho biết:

-Công an thì họ đối xử mỗi người một cách. Những người chưa kinh nghiệm va chạm, nhất là những khuôn mặt mới xuất hiện, những bạn trẻ chưa kinh nghiệm nhiều thì họ đe dọa, trấn áp, họ khoét vào những chuyện làm như vi phạm luật, sai phạm đối với nhà nước sẽ bị cảnh cáo hay bị phạt hành chính, tóm lại là những danh từ đao to búa lớn để hăm dọa. Còn đối với những người đã quen rồi thì họ chả làm gì được họ chuyển sang đấu lý mà thực ra đấu lý thì lúc nào công an cũng thua vì họ không có lý lẽ gì cả.


Cũng những chiếc áo dài ôn hòa đó bị hàng chục công an, an ninh lôi kéo, xô đẩy rôi ném lên xe bắt vào đồn công an

Không làm điều gì sai thì không có gì phải sợ

Người đi diễu hành đã có phương pháp mới, một nhóm chị em phụ nữ mặc những chiếc áo dài trang nhã, cười rất tươi trước vẻ hung hăng của dân phòng và lực lượng đàn áp. Hình ảnh về thái độ bất tuân dân sự một cách sáng tạo của họ tràn ngập mạng xã hội và hiệu ứng bất ngờ. Trong sáng hôm ấy, có một gia đình đi diễu hành đến 4 người và bị bắt chung với nhau. Chị Nguyễn Thị Thúy người mẹ và là bà của các cháu cho biết:

-Ngày hôm nay bà con, mọi người cùng bốn mẹ con em nữa bị đánh đập, bắt vào đồn nói chung họ chẳng lấy được gì cả vì chúng em nói với họ là chúng em không phạm luật gì hết cho nên không ký, không lăn tay hay nhận tội. Chúng em dứt khoát không ký không lăn tay vì chúng em không có tội.

Em cũng nói với họ rằng các anh mới là người phạm luật, bắt bớ đánh đập và khiêng ném chúng tôi lên ô tô. Chúng tôi đi biều tình ôn hòa không vi phạm luật pháp tôi không có tội nên không ký không lăn tay. Thái độ của họ rất là khó chịu họ khủng bố tinh thần với con cái em nhưng chúng em vẫn một mực là không ký và lăn tay.

Khi mà bọn em bị bắt thì ở ngoài cũng có một số anh em dân chủ đòi người khi từng người được thả mà có người chưa ra thì lại tiếp tục hô đòi người.

Con chị Thúy là Lê Thanh Hương kể lại:

-Mẹ cháu và cả chị cháu và em gái cháu nữa tất cả là bốn mẹ con bị bắt. Cháu không hợp tác với họ và cháu không ký. Khi cháu không ký thì họ bảo rằng nếu không ký thì họ sẽ kéo dài thời gian cháu không gặp được con cháu. Cháu mới hỏi rằng tôi không phạm tội, tôi không làm mất trật tự đường phố, tôi không sai thì làm sao ký? nó bảo em chỉ cần ký thế thôi rồi nó cho ra gặp con của cháu.

Thông thường khi công an bắt người đều cáo buộc người bị bắt bất hợp tác với họ nhưng trong lần này thì công an phải nhờ người làm chứng cho họ là người bị bắt đã không nói theo lời yêu cầu của công an.

Trường hợp xảy ra với anh Trương Dũng khá đặc biệt khi công an yêu cầu lấy lời khai, anh đã kê khai toàn bộ những việc làm nhỏ nhất từ đánh răng, rửa mặt vệ sinh vào buổi sáng cho tới khi ra bờ hồ gặp ai, làm gì anh đều kể từng chi tiết đến nỗi công an không thể chịu đựng hơn nữa. Anh Trương Dũng kể lại điều mà anh cho là bất tuân dân sự của mình:

-Trước đây khi họ bắt tôi thì tôi hoàn toàn bất hợp tác nhưng ngày hôm nay thì tôi hợp tác với họ! Họ lấy lời khai của tôi thì tôi kể từ đầu đến đuôi:

“Hôm nay tôi dậy từ sáng sớm, sau đó tầm 9 giờ tôi ở nhà ra, tôi mặc quần áo, sau đó tôi đi đến phố Hàng Bông. Đền phố Tôn Đức Thắng thì tôi rẽ vào tôi mua một gói xôi 10 nghìn tôi ăn hơn 10 phút sau đo tôi ngồi hàng nước chè cũng độ 15 phút, kế đó tôi đến phố Lương Văn Can và Hàng Gai thì tôi nhìn thấy một xe ô tô của cảnh sát lúc ấy là đèn đỏ tất cả mọi người dân đều ngừng lại nhưng xe cảnh sát không biết của phường nào thì họ vượt đèn đỏ. Khi ra đến bờ hồ thì tôi nhìn thấy một loạt chị em phụ nữ mặc áo dài người thì mặc áo trắng quần đen, người thì mặc áo hồng quần xanh. Có người đi guốc cao có người đi dép lê có người son phấn có người không….” đại khái là tôi cứ nói miên man như vậy cuối cùng họ không chịu nỗi nữa họ bất hợp tác làm việc với tôi, đấy là hành động bất tuân dân sự.

Người được thả ra sau cùng là bà Trần Thị Hài, một đảng viên bỏ đảng và cũng là dân oan từ Bình Dương ra Hà Nội tham gia diễu hành cho biết lập trường của bà:

-Cho dù tôi đi đấu tranh đi biều tình hay đi diễu hành ôn hòa nhưng tôi có thể bị bắt bất kỳ lúc nào. Việt Nam sẽ bỏ tù tôi bất kỳ lúc nào nhưng khi đã đi đấu tranh rồi thì tôi chấp nhận tất cả. Không có cái gì có thể ngăn bước được tôi. Tôi đi đấu tranh bày tỏ công lý và quyền con người cho đồng bào Việt Nam.

"Khi chúng ta không làm điều gì sai cả thì người ta không sợ. Rất nhiều người nghe tới công an là người ta sợ và cứ nghĩ công an đến với mình có nghĩa là ta có lỗi chứ không bao giờ tự hỏi có lỗi là lỗi chỗ nào? anh phải nêu điều nào khoản nào của luật pháp"-Blogger Phương Bích

Từ nhiều năm nay người dân tranh đấu đã có một phát kiến mới là mỗi khi có người bị bắt một cách mờ ám hay trái pháp luật thì họ kêu gọi nhau tới trước cơ quan giam giữ đòi thả người. Ban đầu họ gặp rất nhiều phiền phức nhưng lâu dần qua kinh nghiệm thực tiễn những lần đòi người xảy ra càng nhiều và hiệu quả trông thấy càng lớn. Công an không còn tự tiện giam giữ người trái phép trong các lần biểu tình như trước.

Những người đi đòi người không ngại thời tiết giờ giấc kêu cho bằng được thả người mới chịu về nhà. Nói về việc này Blogger Phương Bích một trong 50 người đến công an Long Biên sáng Chúa Nhật 26 tháng 4 để đòi người cho biết:

-Hôm qua chúng tôi có khoảng 50 người . Khi chúng ta không làm điều gì sai cả thì người ta không sợ. Rất nhiều người nghe tới công an là người ta sợ và cứ nghĩ công an đến với mình có nghĩa là ta có lỗi chứ không bao giờ tự hỏi có lỗi là lỗi chỗ nào? anh phải nêu điều nào khoản nào của luật pháp. Thế cho nên khi chúng tôi thấy những người diễu hành phản đối chặt cây lại bị bắt, mà họ bị bắt thì đương nhiên chúng tôi phải đi đòi. Chúng tôi muốn biểu dương tinh thần của họ nếu ta không làm gì sai thì không phải sợ.

Nhà cầm quyền rất sợ tinh thần đoàn kết của người dân và sự không sợ hãi của người dân vì mị dân thì mới có lợi cho nhà cầm quyền độc tài này cho nên khi chúng tôi làm điều đó thì chúng tôi không sợ.

Khi 50 người chúng tôi rời khỏi đồn công an tôi quay lại thì tôi nhìn thấy những người công an đứng lặng lẽ ở cửa đồn nhìn theo thì tôi thấy chắc chắn trong lòng họ có những suy nghĩ không biết tại sao những kẻ mà họ cho là phạm tội là phản động tại sao họ lại không sợ? Và họ chắc chắn sẽ có một sự ghen tỵ vì đối với đồng đội của họ cũng không bao giờ có được điều đó.

Tất cả những diễn tiến vừa xảy ra cho thấy người dân đã biết tự bảo vệ mình và tinh thần thông hiểu luật pháp của họ đã cao lên trước thói quen áp đảo người dân bằng cách diễn giải luật pháp một cách sai trái của chính quyền các cấp.

Người dân tham gia diễu hành vì cây xanh hiểu rõ rằng không ai có quyền tàn phá môi trường và vì vậy bảo vệ môi trường là hành động hợp pháp. Nếu chính quyền ngăn cản thì phần lỗi chắc chắn nằm về phía họ, những người mang danh thi hành và bảo vệ pháp luật.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/peop-knw-to-perform-th-rig-04272015052349.html/04272015-peop-knw-to-perform-th-rig.mp3

No comments:

Post a Comment