Nguyễn Thảo- Tuyết Mai-13:00 ngày 27 tháng 04 năm 2015
TP - Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, vùng đất của những ngọn thác hùng vĩ như một bức tranh sơn thủy... Nhưng biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên đang làm cho các cảnh quan ở các điểm du lịch trở nên hoang tàn, xơ xác. Các công ty du lịch chỉ hoạt động cầm chừng bên những đoạn sông suối khô cạn.
Voi đi bộ trên sông
Sông khô, cây chết
Chúng tôi lên đường trong cái nắng bỏng rát của mùa khô Tây Nguyên đến Khu du lịch Buôn Đôn, một vùng đất nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng có một không hai ở Đông Nam Á, nơi được mệnh danh thiên đường của du lịch. Nơi đây hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, những dòng sông thơ mộng uốn lượn cùng với những cánh rừng bạt ngàn.
Nhưng dòng Sêrêpốk hùng vĩ nước chảy cuồn cuộn nay đã biến mất, đập vào mắt chúng tôi là một dòng sông cạn, không dấu ấn, lởm chởm những tảng đá trơ trọi nằm phơi mình giữa cái nắng gay gắt. Cái cảm giác thú vị của những du khách được cưỡi voi vượt sông Sêrêpốk để đến với vườn quốc gia Yok Đôn, được lắc lư nghiêng ngả trên chiếc cầu treo dài trên 100 m trên dòng sông dữ với tiếng nước cuồn cuộn chảy qua nghe như tiếng sấm rền, nay còn đâu. Những rặng si già vượt qua dòng sông nay trơ gốc lộ rõ bộ rễ như hàng trăm cánh tay lực điền đang bấu víu lấy đất đá. Ốc đảo Ây Nô với bãi tắm tiên giờ chỉ còn là những dòng chảy nhỏ xíu.
Từ khi Nhà máy thủy điện Sêrêpốk 4A đi vào hoạt động, cắt ngang dòng chảy sông Sêrêpốk làm khô cạn gần 20km đoạn sông chảy qua các xã Ea Wer, Ea Huar và Krông Ana, huyện Buôn Đôn làm ảnh hưởng đến khu du lịch sinh thái, nguồn lợi thủy sản tại điểm du lịch Buôn Đôn. Một du khách cho biết, trước đây, khi khách đến đây sẽ được tận hưởng cảm giác phiêu lưu mạo hiểm khi được cưỡi voi vượt qua con sông hùng vĩ này.“Đã 2 năm từ khi dòng sông bị ngăn dòng, du khách đã không còn hứng thú khi đến đây. Công ty lâm vào cảnh khốn đốn, chỉ hoạt động cầm chừng. Công ty cũng dần chuyển sang làm du lịch văn hóa tín ngưỡng”.Chị Nguyễn Lê Thanh Thảo
Khi bơi qua sông, nước ngập đến tận cổ voi nhưng giờ đây voi không còn phải lội nước nữa mà phải đi trên những nền đá lổm chổm. Theo anh Nguyễn Quang Dũng (42 tuổi, làm nghề chụp hình tại Khu du lịch Buôn Đôn), trước đây, không khí mát mẻ dễ chịu, khung cảnh đẹp, tôi tư vấn cho khách chụp hình thì họ còn có hứng thú. Bây giờ, trời thì nắng, cây cối chết khô ai còn muốn chụp nữa.
Ông Nguyễn Đức, Trưởng Trung tâm du lịch Buôn Đôn chia sẻ: Làm du lịch cầu treo mà không có nước thì coi như bỏ. Đã gần 2 năm nay, các sông suối chảy qua khu du lịch gần như khô cạn. Lượng khách du lịch đến đây tham quan giảm rõ rệt so với các năm trước bởi thời tiết ở đây quá nắng, nhiều cảnh quan tự nhiên đã bị phá hủy.
Dân khốn đốn trăm bề
Đầu năm 2014, trung tâm đã có tờ trình gửi đến các cơ quan chức năng về việc khảo sát thực tế nguồn nước chảy qua khu du lịch. Thủ tướng Chính phủ cũng có quyết định về quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sêrêpốk. Thế nhưng, thủy điện vẫn không đảm bảo được nguồn nước xả.
Đến Khu du lịch Bản Đôn (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn), ngắm dòng thác bảy nhánh cùng với những nét hoang sơ huyền thoại của làng đảo này. Dòng thác này đã thu hút du khách bằng dòng chảy quanh năm hiền hòa, yên ả. Đến đây, du khách sẽ được dạo mát trên cầu tre, luồn lách qua các gốc si, rễ si già đan xen chằng chịt, và nghe tiếng thác nước chảy róc rách, trong veo, mát mẻ dưới chân mình.
Lòng sông trở thành nền đá
Trước mắt chúng tôi bây giờ là khung cảnh hoang tàn, lâu lâu những cơn gió mùa khô làm cho cảnh quan nơi đây trở nên xơ xác, dòng thác đẹp như tranh bây giờ chỉ còn là những tảng đá, đất khô khốc, những làn khí nóng hắt thẳng vào mặt. Lượng nước chảy vào rất ít, chỉ có một nhánh sông có nước nhưng cũng chẳng đáng là bao, 6 nhánh còn lại đã hoàn toàn khô cạn.
Những rặng si trăm tuổi nằm dưới thác đã bắt đầu chết khô. Vào thời điểm này, những năm trước, trên cầu treo tấp nập người qua lại để ngắm dòng sông, ngắm thác nước giờ vắng hoe, không một bóng người. Hằng ngày, nhân viên khu du lịch phải dòng ống tưới cho các rặng si già sắp chết khát.
“Đã 2 năm từ khi dòng sông bị ngăn dòng, du khách đã không còn hứng thú khi đến đây. Công ty lâm vào cảnh khốn đốn, chỉ hoạt động cầm chừng. Công ty cũng dần chuyển sang làm du lịch văn hóa tín ngưỡng nhưng cũng chẳng khấm khá hơn, thậm chí phải xoay đủ kiểu để đảm bảo công việc cho nhân viên”, chị Nguyễn Lê Thanh Thảo - Quản lý Khu du lịch sinh thái Bản Đôn tâm sự.
Việc xả nước ở các công trình thủy điện trên địa bàn trong mùa khô hạn hiện vẫn chưa đảm bảo dòng chảy ổn định để chống hạn ở vùng hạ du, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của đồng bào các dân tộc sống dọc dòng sông. Cuộc sống mưu sinh của những người dân huyện Buôn Đôn gắn liền với con sông Sêrêpốk.
Con sông này cung cấp nước ăn, nước tưới và mang tới cho họ những đặc sản sông nước. Khi sông Sêrêpốk khô cạn khiến dân khốn khổ trăm bề. Hàng trăm hộ dân dọc bờ sông đang sống trong cảnh “nhịn nước”. Người dân đành lòng bỏ đi nhiều diện tích lúa vì không có nước tưới, còn hàng chục giếng khoan cũng hết nước vì sông cạn làm mực nước ngầm giảm mạnh.
Ông Y- Thương Kdoh (62 tuổi, trú tại Buôn Trí A, xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn) cho biết, mấy năm nay, người dân phải sống trong tình trạng thiếu nước trầm trọng. “Riêng năm nay, gia đình tôi đã khoan giếng 2 lần, tốn gần 20 triệu đồng nhưng vẫn không có nước để dùng. Nếu có thì cũng chỉ có thể sinh hoạt chứ không thể nấu vì nước bị nhiễm vôi nặng” - ông Y - Thương Kdoh nói.
Nỗi niềm chung
Đến hồ Lắk, có lẽ khung cảnh nơi đây sẽ khiến du khách cảm thấy buồn hơn bao giờ hết. Là một trong những hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, nối với sông Krông Ana, rộng khoảng 500ha, nằm ở độ cao hơn 500m so với mặt nước biển. Nơi đây đang là điểm du lịch sinh thái độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước. Với vẻ đẹp tự nhiên thơ mộng của núi và rừng bao quanh hồ Lắk tạo nên một vẻ đẹp hoang dại khó lẫn.
Thế nhưng, mới đây thăm lại, chúng tôi không khỏi giật mình thảng thốt khi cảnh hồ thơ mộng nay không còn, mặt hồ có diện tích lớn là vậy nhưng nay hồ đã trơ cạn, chỉ còn ít nước trong lòng hồ.
Cùng chung cảnh ngộ là các thác nước như: Đray Nur, Đray Sáp, Đ’ray Nao, thác Thủy Tiên,... được xem là những hình ảnh biểu tượng cho vẻ đẹp hoang sơ nơi đại ngàn Tây Nguyên. Những dòng thác chảy dài hàng chục kilômét giờ chỉ là những đoạn nhỏ cắt khúc.
No comments:
Post a Comment