Hào Độ
Theo RFA-2015-04-27
Bộ đội Bắc Việt với số vũ khí chiếm được từ quân lực VNCH hôm 13/4/1975 tại Biên Hòa. AFP photo
Vào những ngày cuối tháng năm 1975, tỉnh nhỏ quê tôi ở miền Tây, được thông báo tập trung tất cả sĩ quan quân đội và viên chức Việt Nam Cộng Hòa đi "học tập cải tạo". Thời gian học tập là một tháng, mỗi người phải mang theo sáu ngàn đồng tiền ăn.
Chúng tôi được đưa vào tập trung trong khu vực trại gia binh của một đơn vị thuộc sư đoàn 9 bộ binh để lại. Chúng tôi bị đặt dưới quyền điều khiển của những người mặc đồng phục màu xanh của " bộ đội " mà chúng tôi được hướng dẫn phải gọi là " cán bộ ". Thời gian một tháng chậm chạp trôi qua.
Một buổi sáng "cán bộ" tập họp chúng tôi và thông báo " Vì thời gian học tập quá ít, các anh chưa cải tạo đủ, nên ở trên ra lệnh các anh phải tiếp tục học tập thêm 3 tháng. Từ nay các anh không cần lo việc ăn uống, đảng và nhà nước lo phần ẩm thực hằng ngày cho các anh".
Sau ba tháng, lời thông báo của họ có thêm một lập luận trẻ con mà chúng tôi khi nghe ai cũng phải cắn răng nuốt hận: " Vì tình hình bên ngoài chưa ổn định, lòng thù hận của dân chúng đối với các anh còn sôi sục, để bảo vệ an toàn cho các anh, ở trên quyết định giữ các anh ở lại trong trại cải tạo 3 năm. Các anh phải tiếp tục học tập và lao động tốt, thật thà khai báo mọi tội lỗi với nhân dân, đảng và cách mạng sẽ xem xét, khi tình hình ổn định sẽ tha cho các anh về sum họp gia đình ". Từ đó chúng tôi không còn trông ngóng nữa, ai cũng yên tâm với số phận bị giam cầm trong nhiều năm sắp tới. Chỉ còn một niềm tin là cầu xin có một phép lạ mà thôi !
Một năm sau, chúng tôi được vận chuyển bằng đường sông trên những chiếc "ghe bầu" đi từ thị xã vào giửa vùng Đồng Tháp Mười mênh mông. Tại đây họ dựng lên một trại tù mới có tên là " trại cải tạo Động Cát ". Giữa Đồng Tháp Mười mênh mông có một gò cát thiên nhiên nổi lên. Họ bắt chúng tôi đào cát đấp nền nhà, cưa tràm làm cột nhà, chẻ tre làm nẹp dừng vách, chầm lá lợp nhà, rồi đóng cọc sắt ấp chiến lược, căng dây chì gai làm rào chung quanh để giam mình trong trại tù ấy !
Bấy giờ là mùa khô, họ bắt chúng tôi đi đào những con kinh nhỏ, nối từ một con kinh lớn dẩn nước đi sâu vào giữa đồng, được gọi là những con " kinh xã phèn ".
Khi mùa mưa đến, dù không ai trong chúng tôi biết gì về nông nghiệp, nhưng chúng tôi phải làm tất cả mọi công việc của một nhà nông. Từ việc làm cỏ ruộng, cày bừa, cho đến việc ngâm lúa giống, xạ lúa, bón phân, cắt lúa, rồi gặt, đập, và phơi lúa, đều do lực lượng tù cải tạo chúng tôi đảm trách.
Chúng tôi làm ra rất nhiều lúa, nhưng họ đưa đi đâu không biết, chúng tôi thì vẫn hằng ngày ăn bo bo hay bột mì thay cơm !
Một buổi sáng đẹp trời họ tập họp chúng tôi và cho biết là sẽ di chuyển đi học tập cải tạo ở một nơi khác ! Ghe chạy vòng vèo trong các con rạch mà tôi chưa từng biết, hồi lâu thì đến một khu trại tù đang có lố nhố hằng trăm tù nhân bên trong nhìn ra. Họ chuyển chúng tôi qua trại tù do công an cai quản, có tên là " trại cải tạo Láng Biển ".
Trại tù nầy giam giữ tất cả các thành phần tội phạm xã hội, nay họ giam chung chúng tôi vào đây.
Cũng một buổi sáng nắng đẹp yên bình, họ tập họp chúng tôi và thông báo: " Vì các anh cải tạo chưa tốt, nên sẽ có một số các anh phải tiếp tục đi học tập ở một nơi khác. Ai được gọi tên thì bước sang tập họp riêng bên phải, ai không được gọi tên thì vẫn đứng yên tại chỗ không được chộn rộn".
Sau đó họ ra lệnh các anh em vừa được gọi tên nhanh chóng vào trại mang hết tất cả đồ đạc cá nhân trở ra tập họp lại. Khi chúng tôi tập họp xong thì họ ra lệnh cho số người không được gọi tên khi nãy nhanh chóng quay trở vào trại và ở yên tại chỗ nằm của mình. Hai nhóm chúng tôi bị cắt đứt liên hệ, không thể nào gặp gỡ, nhắn gửi hay từ giã nhau.
Bây giờ họ tuyên bố: "các anh là những người phải đi học tập thêm, thời gian còn tùy theo sự tiến bộ của từng người. Các anh chỉ được mang theo quần áo, chăn màn, và thức ăn mà thôi, còn các vật dụng khác để lại tại chỗ".
Họ ra lệnh chúng tôi từng người một đi thẳng ra cổng trại dưới sự hướng dẫn của 2 công an có võ trang. Phía trước cổng trại là một con kinh, dưới kinh đã có một đoàn ghe có mui đậu sẳn từ bao giờ. Công an ra lệnh từng người bước xuống ghe, mỗi ghe có 1 công an đứng canh trước mủi, và 1 công an đứng sau lái, cả hai mang súng AK 47 trong tư thế tác chiến. Sau khi tất cả đã ngồi yên, 2 công an bước xuống, một người mang theo một đống còng số 8, một người dõng dạc ra lệnh: "Khi đi đường tất cả phải im lặng, ngồi yên, không được đi tới đi lui, và tất cả đều phải còng tay lại ".
Nói xong hai công an bước vào trong ghe và lấy từng cái còng móc vào 2 cổ tay của 2 người ngồi cạnh nhau. Như vậy là chúng tôi bị dính chùm nhau bởi cườm tay trái của người nầy với cườm tay phải của người kia. Các cửa sổ hay mành sáo của hai bên hông ghe đều đã được kéo xuống. Sau hai tiếng lách cách nạp đạn khô khan vang lên từ 2 cây súng AK để thị uy, ghe được nổ máy. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi làm tôi phải rùng mình. Họ còng chúng tôi như thế nầy, nếu xảy ra trường hợp ghe bị chìm thì làm sao mà lội đây ? Nếu có tai nạn chắc ăn là sẽ chết chìm !
Tôi nghe có tiếng xì xào : " Sao chạy lòng vòng đi đâu mà lâu quá vậy ? "; " Có thể họ đưa mình ra sông lớn xuống tàu đi ra Bắc "; " Hay là họ đưa mình ra đổ xuống biển ?".
Tiếng máy nổ chậm dần, ghe từ từ cặp vào bờ một con rạch nhỏ. Công an dõng dạc từ trên bờ: "Tất cả các anh đi lên từng cặp theo sự hướng dẫn của cán bộ ".
Từng cặp chúng tôi vẫn còn đang bị dính chùm, chậm chạp khó khăn bước lên bờ rạch, một cánh tay còn tự do thì đeo cái giỏ đệm hay cái túi vải tài sản của mình. Dọc theo con đường đá đã có một hàng xe đò đậu sẳn. Bên kia đường sừng sửng 1 ngôi chợ nhỏ trống vắng có hàng chữ "chợ Rạch Ruộng ".
Rất đông công an bồng súng đứng dài theo hai bên đường từ đầu dãy xe cho đến cuối để ngăn cản các người dân hiếu kỳ đang tụ tập đứng nhìn. Công an cầm dùi cui, chỉ cho chúng tôi từng cặp từng cặp bước lên chiếc xe thứ nhất, khi xe đầy thì cặp tù kế tiếp bước lên chiếc xe thứ hai. Dân chúng hai bên đường tập họp đứng nhìn chúng tôi càng lúc càng đông hơn. Có vài cụ già, nhưng phần đông là các bà các chị, và các em nhỏ. Trong nhiều ánh mắt soi mói ấy tôi bắt gặp những tình cảm khác nhau của người dân địa phương, hầu hết là thương hại ...
Tôi và anh bạn đồng hành phải loay hoay tìm tư thế ngồi sao cho tay phải của tôi thuận chiều đưa ra phía sau một chút để nối liền với cánh tay trái của anh mà không bị vặn vẹo đau đớn bởi cái còng số 8. Chúng tôi phải chịu đựng như thế suốt đoạn đường của chuyến đi. Cửa trước và cửa sau xe cũng có 2 công an trấn giữ. Các tấm sáo cửa sổ xe đò cũng được sập xuống kín mít. Một nhóm chúng tôi may mắn ngồi gần một khung cửa đã bể nát, không có kính che mà tấm sáo cũng đã mất hết hơn phân nửa.
Mọi người chúng tôi đều giật mình vì từ bên ngoài có một vật được tung lên lọt ngay vào cái cửa sổ trống. Một gói thuốc lá màu trắng chữ đen rơi vào sàn xe, công an chạy tới chộp lấy gói thuốc lá. Tôi nhìn ra ngoài, một em bé trai trạc chừng 12 tuổi, tay ôm cái hộp cây nhỏ chứa đầy các bao thuốc lá, đang cố chạy đi để khỏi bị bắt !
Lại một bất ngờ thứ hai. Tôi ngồi ngay hàng ghế phía sau nên nhìn thấy rất rõ. Một vật màu đen to hơn cái gói thuốc là ban nảy, được tung vào xe. Lần nầy vật ấy rơi xuống và nằm ngay trên đùi của anh bạn ngồi hàng ghế phía trước. Dĩ nhiên anh em chúng tôi ngồi yên, không ai có một cử động nào cả.
Công an cũng ùa ngay đến tịch thu xâu bánh ú. Bên kia đường, một người phụ nữ trung niên, đầu đội một cái thúng chất đầy bánh ú, đang cố sức rảo bước thật nhanh về phía dãy nhà phía trước. Trên xe chỉ có anh lơ xe là người duy nhất được đi lui đi tới để thu xếp các túi vải và các giỏ đệm của chúng tôi. Có tiếng hỏi nho nhỏ sau lưng : " Anh ơi, biết đi đâu không vậy anh? " Anh lơ xe làm thinh không trả lời, bỏ đi.
Chúng tôi cụt hứng, nghĩ rằng anh cũng được nhồi sọ là không được hé môi với bọn tù cải tạo. Nhưng anh lơ xe quay trở lại, anh khom người và làm động tác dọn dẹp. Nhưng lần nầy anh cứ nắm 1 cái giỏ đệm đẩy qua đẩy lại, một âm thanh sột soạt vang lên át đi tiếng nói rù rì của anh lơ xe: "Hồi sáng tui đi lãnh dầu thì họ nói là đổ dầu đầy để đi Long Khánh ". Tin nầy được lan nhanh ra khắp xe. Mọi người chúng tôi yên chí là chuyến nầy phải ra rừng cạo mũ cao su rồi đây!
Đoàn xe có 1 xe jeep dẫn đầu, 1 công an lái xe, 4 công an khác có võ trang đầy đủ, một người mang súng colt ngồi trước, 3 công an ngồi hàng ghế sau đều mang súng AK. Đúng như lời anh lơ xe đã nói, ra tới ngã ba An Hữu, đoàn xe quẹo trái trên liên tỉnh 8 hướng về Saigon. Hai bên đường cây cối đứng im, lác đác các chòi lá lụp xụp, xơ xác, lơ thơ vài người dân địa phương rảo bước bên vệ đường. Tất cả yên ắng, bình thản, không ai biết rằng đoàn xe đang chạy trên đường có mang theo hằng trăm quân cán chánh Việt Nam Cộng Hòa đang bị cầm tù, và sau hơn 3 năm lao động khổ sai giữa Đồng Tháp Mười, giờ đây đang bị họ giải đi hành quyết, hay là đưa đi giam cầm ở một nơi nào không ai biết.
Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi đoàn xe đến Phú Lâm mà chiếc xe jeep dẫn đầu vẫn chạy thẳng vào Saigon ? Nhờ khung cửa trống một nhóm anh em chúng tôi ngồi quanh đó được nhìn ngắm quang cảnh Saigon với dòng người và xe đạp chen chúc tại các ngã tư ngã năm, vì giờ nầy là giờ nghỉ trưa.
Đoàn xe chạy loanh quanh một lát thì vào đường Lê đường Văn Duyệt, rồi họ lại quẹo vào một con đường nhỏ hẹp không thấy bảng tên. Xe ngừng lại một lát, công an lại răn đe và ra lệnh ngồi im. Khoảng gần nửa giờ sau, chiếc xe jeep trở lại, họ khoát tay cho đoàn xe tiếp tục đi sâu vào trong. Đoàn xe chui qua một cái cổng sắt, từ từ quẹo phải rồi dừng hẳn tại một bãi đất trống. Bên cạnh cánh cổng sắt to tướng, nặng nề, kiên cố, tôi đọc được hàng chữ đắp nổi bằng xi măng, sơn đỏ, ở phía trên cao: " Trại giam Chí Hòa ".
Từng cặp chúng tôi xuống xe, được mở còng và tập họp trên nền cái sân đất đá lổm chổm dưới chân. Qua bức tường cao, dầy, và kiên cố bao bọc xung quanh, tôi tưởng tượng ra những phòng giam chật hẹp, hôi hám, bẩn thỉu, ngột ngạt , và tối tăm bên trong, đang chực chờ giam hãm 180 anh em chúng tôi từ miền Tây ngơ ngác lên đây.
Bất giác tôi thở dài ngao ngán ! Vậy là tôi đã được nếm mùi tù trong một nhà tù lớn nhất, lâu đời nhất, và nổi tiếng nhất, mà trước đây tôi chỉ nghe tên với nhiều huyền thoại: " khám Chí Hòa "...
Tháng tư đen thứ 40. San Francisco, California, Hoa Kỳ.
Hào Độ
No comments:
Post a Comment