Monday, April 27, 2015

Chính sách kinh tế Việt Nam méo mó vì tham nhũng

HÀ NỘI (NV) - Thể chế bất cập vì bị tham nhũng làm cho méo mó khiến kinh tế Việt Nam không thể phát triển. Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại Diễn Đàn Kinh Tế mùa Xuân.


Lắp ráp xe hơi tại Việt Nam. Nếu tham nhũng giảm 1% thì thu nhập trung bình của cá nhân sẽ tăng 2.3%. (Hình: VnExpress)

Tuy chế độ Hà Nội nhiều lần cam kết sẽ đẩy mạnh việc chống tham nhũng nhưng tham nhũng chỉ tăng chứ không giảm. Thực trạng đó thể hiện qua kết quả khảo sát, xếp hạng hàng năm của các tổ chức quốc tế. Chẳng hạn theo kết quả khảo sát của tổ chức Minh bạch quốc tế năm ngoái, Việt Nam vẫn chỉ nằm ở hạng 119/175. Kết quả một cuộc khảo sát khác do Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới, xác định, Việt Nam đứng hạng 121/144 về “hối lộ” trong xuất nhập cảng, 117/144 về “hối lộ” đối với các quyết định tư pháp...

Cũng vì vậy, ông Lê Đăng Doanh, cảnh báo, trong khi thứ hạng về môi trường đầu tư kinh doanh của một số quốc gia ở Đông Nam Á như Mã Lai, Thái Lan,... được cải thiện đáng kể thì thứ hạng của Việt Nam vẫn dưới trung bình và không được cải thiện. Tham nhũng vẫn làm chính sách kinh tế méo mó và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trở thành tồi tệ.

Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh, tham nhũng, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ “vẫn là lực cản lớn đối với hội nhập và phát triển.” Việt Nam vốn đã là thành viên của ASEAN cách nay 20 năm nhưng vẫn nằm trong nhóm bốn quốc gia kém phát triển.

Ông Atsusuke Kawada, phó chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nhân Nhật tại Việt Nam, nói thêm, với các doanh nghiệp Nhật đầu tư tại Việt Nam, “Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch” của Việt Nam vẫn bị coi là rủi ro lớn nhất cho giới đầu tư Nhật. Hơn một nửa nhà đầu tư Nhật xác định, “thủ tục hành chính,” “thủ tục thuế” phải được cải thiện sớm.

Ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế của Việt Nam, nhận định, tuy đã chấp nhận phát triển kinh tế thị trường nhưng các giao dịch chưa thật sự công bằng, minh bạch, chưa thuận lợi, chi phí cao, rủi ro cao mà nguyên nhân chính là vì doanh nghiệp nhà nước lấn át doanh nghiệp tư nhân.

Nói cách khác các khoản chi dưới gầm bàn vẫn còn là điểm gây tắc nghẽn cả trong thu hút đầu tư lẫn phát triển kinh tế.

Trước Diễn Đàn Kinh Tế mùa Xuân, khi công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Phòng Thương Mại-Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) từng loan báo, gánh nặng về những chi phí buộc phải đưa dưới gầm bàn để bôi trơn, đang cản trở ý định mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh giới.

Ông Lê Đăng Doanh dẫn lại kết quả một cuộc khảo sát thực hiện trong ba năm từ 2009 đến 2011, theo đó, doanh giới muốn có một đồng lợi nhuận thì phải hối lộ từ 70 xu đến một đồng. Ông nêu chuyện Nhật hai lần tạm ngưng giải ngân các khoản vay ODA, hay cả Ngân hàng Thế Giới lẫn Nam Hàn cùng phải điều tra về những vụ hối lộ để được chọn làm nhà thầu khi tham gia tranh thầu các dự án phát triển hạ tầng ở Việt Nam để cảnh báo, tham nhũng đã làm lệch động lực của doanh giới. Thay vì phải thay đổi công nghệ, cải thiện chất lượng sản phẩm, doanh giới chỉ chú trọng đến hối lộ để tạo ra lợi nhuận và ngày càng nhiều doanh nhân xem điều đó như đương nhiên.

Ông Cao Sĩ Kiêm, cựu thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, nay là chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp nhỏ và vừa, bổ túc thêm một số thống kê lấy từ một cuộc khảo sát khác xác định, 73% doanh nghiệp cho biết phải hối lộ, 43% dân chúng phải lót tay mới xong việc, 33% nhân viên phải cống nạp mới được thăng tiến để chứng minh, tham nhũng không chỉ khiến chi phí tăng, khả năng cạnh tranh giảm mà niềm tin vốn đã thấp lại càng thấp.

Ông Đậu Anh Tuấn, một thành viên của VCCI, nói thêm, kết quả khảo sát PCI đối với doanh giới ngoại quốc, cho thấy, giới đầu tư ngoại quốc đánh giá, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam kém hấp dẫn hơn cả Lào và Campuchia.

Tham nhũng còn gây ra những tai họa trực tiếp cho giới làm công ăn lương. Sau khi thực hiện một số cuộc khảo sát, VCCI kết luận, nếu doanh giới có thể giảm 1% các khoản chi dưới gầm bàn, đầu tư của tư nhân cho sản xuất kinh doanh sẽ tăng 6.4%, việc làm sẽ tăng 1.8% và thu nhập trung bình của mỗi cá nhân sẽ tăng 2.3%. (G.Đ)

04-27-2015 3:30:33 PM

No comments:

Post a Comment