Monday, April 27, 2015

Những chuyện lạ trong giòng suy nghiệm tháng tư

Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-04-27  
Cảnh tượng hỗn loạn tại Công viên nước Hồ Tây
Cảnh tượng hỗn loạn tại Công viên nước Hồ Tây ngày 19 tháng 4, 2015-dongphuongvietbao

Bikini Hà nội không có gì lạ!

Kế hoạch quảng cáo cho công viên nước Hồ Tây trong tuần qua đã trở thành một thảm họa xã hội mang tên Bikini Hà nội. Lan tràn trên mạng xã hội và không gian thông tin điện tử là hình ảnh hàng trăm người bất chấp nguy hiểm tính mạng để đổi lấy sự miễn phí, rồi cảnh lạm dụng tình dục ngang nhiên diễn ra giữa ban ngày trong lòng thủ đô. Theo blogger Viêt từ Sài gòn, thì trong sự hụt hẩng về giá trị của xã hội ngày nay, vụ Bikini Hà nội hãy còn là điều may mắn,

Vô hình trung, lối ứng xử của những kẻ có quyền thế lại trở thành bộ khung ứng xử của người thành đạt trong xã hội. Mà cái xấu thì rất mau lây nhiễm, một xã hội có nhiều người, ưa ăn miễn phí, ưa hôi của, ưa đánh nhau, ưa nhậu, ưa nhiều thứ. Một khi sự bất nhã, vô văn hóa và đồi bại được các quan chức nắm lãnh chuyên môn về văn hóa, chính trị che đậy và bao biện thì đương nhiên nó đã được hợp thức hóa trong xã hội. Bởi nói gì thì nói, với người dân, tiếng nói của giới quan chức độc tài vẫn có giá trị cho đến ngày cuối tồn tại của nó, đó là qui luật tâm lý có tính phổ quát trong xã hội. Chính vì vậy, bất kì một phát biểu của quan chức lãnh đạo nào cũng có sự chi phối xã hội. Và chuyện ở Hồ Tây, vẫn còn mừng là chưa có vụ hiếp dâm tập thể nào.

Đó là đoạn trích mà blogger Viết từ Sài gòn viết trong bài Miễn Phí và Sàm sỡ. Blogger này viết tiếp trong bài Bàn về chữ “Lạ”

Và đến một lúc nào đó, như người xưa thường nói là “lộng giả thành chân”, cái “lạ” trở nên quen thuộc, bình thường còn cái bình thường thì bị đánh tráo thành lạ lẫm. Ví dụ như đấu tranh cho quyền con người, bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ những quyền cơ bản của con người vốn là chuyện rất bình thường trên thế giới nhưng lại vô cùng “lạ” ở Việt Nam, thậm chí có thể trở thành tội phạm hạng nặng. Trong khi đó, những chuyện rất quái gở như tự hôi của xe tai nạn, đánh nhau đến chết người rồi đốt xác, húc chìm tàu và đánh người, cướp của, cạo vỏ cổ thụ để cây chết mà hợp thức hóa việc chặt cây, tham nhũng… Tất cả được gắn cho một chữ “lạ” để rồi lại diễn ra như cơm bữa, trở thành quen thuộc.

Cũng trong nỗi băn khoăn về sự hụt hẫng của những giá trị trong xã hội ngày nay, Blogger nhạc sĩ Tuấn Khanh viết về sự thống trị của bạo lực mà tác giả quan sát thấy rằng người dân thường thay cơ quan công quyền mà sử dụng bạo lực với nhau, sử dụng một cách bản năng

"Cái này nó báo động một sự việc nghiêm trọng, đó là một xã hội bạo lực. Một xã hội bạo lực đang thắng thế và cái sự thắng thế này nó bắt đầu từ chính quyền. Chính quyền sử dụng bạo lực với dân, chính quyền đạp lên pháp luật. Pháp luật đó không có tác dụng, bây giờ người ta noi gương chính quyền mà sử dụng bạo lực"-nhà văn Phạm Đình Trọng

Xã hội Việt Nam đang tồn tại một căn bệnh chì thích tra tấn những ai không có khả năng chống lại mình, không khác đám đông hồ hởi và điên dại đấm đạp vào người trộm chó.

Bạo lực nuôi dưỡng bạo lực, gieo niệm sự dữ vào con người một cách im lặng. Hôm nay đánh chết một con người vì chó, nhưng cũng có thể ngày mai, có thể một đám đông nào đó lại giết chết một con người từ bản năng động vật được nuôi dưỡng và thả rông trong chính mình. Cách thức và mỗi sự việc có thể khác nhau, nhưng cái ác chỉ có một bộ mặt, dù chó hay là người.

Trong một lần trao đổi với chúng tôi, nhà văn Phạm Đình Trọng nói về bạo lực hiện hành đang thống trị xã hội:

Cái này nó báo động một sự việc nghiêm trọng, đó là một xã hội bạo lực. Một xã hội bạo lực đang thắng thế và cái sự thắng thế này nó bắt đầu từ chính quyền. Chính quyền sử dụng bạo lực với dân, chính quyền đạp lên pháp luật. Pháp luật đó không có tác dụng, bây giờ người ta noi gương chính quyền mà sử dụng bạo lực. Chính quyền dùng bạo lực với dân quá phổ biến và trở thành bình thường. Việc đó trở thành một khuôn mẫu ứng xử của xã hội thì bây giờ người dân người ta cũng ứng xử như thế thôi.

Một điều hết sức nguy hiểm là cái xã hội Việt nam Văn hiến không còn cư xử với nhau theo đạo lý nữa.

Ông Phạm Đình Trọng vốn là một đảng viên cộng sản, ông đã từ bỏ đảng này để dứng về những người phản biện xã hội Việt nam ngày nay.


Những cô gái tuần hành ôn hòa phản đối việc chặt phá cây xanh bị nhóm an ninh lôi kéo, xô đẩy rôi ném lên xe bắt vào đồn công an ngày 26 tháng 4, 2015

Suy nghiệm tháng tư

Khi những ngày tháng tư lịch sử trở về trong năm nay, nhà văn Phạm Đình Trọng tiếp tục suy nghiệm về cuộc chiến mà cách đây 40 năm ông ngỡ mình đứng trong hàng ngũ của đoàn quân chiến thắng. Trong bài viết mới nhất của ông mang tựa đề Cần gọi đúng tên cuộc chiến này, trong đó ông xét lại tất cả những từ ngữ mà hệ thống tuyên truyền của đảng dùng trong 40 năm qua để mô tả cuộc chiến tranh mà họ gọi là Giải phóng miền Nam!

"Người dân Việt Nam không ai thắng ai sau cuộc chiến vừa qua. Tất cả chúng ta đều thua, thua đau, sau một canh bạc bịp bởi những kẻ gian manh. Phải nhận diện rõ được kẻ thù như thế để đánh thẳng vào mặt chúng nó, và đừng ...đánh lẫn nhau"-Blogger Tưởng Năng Tiến

Cũng trong dòng suy nghiệm về tháng tư lịch sử, công dân Việt nam gốc Pháp Andre Manras Hồ Cương Quyết vẫn nghĩ rằng cuộc chiến 40 năm trước là một cuộc chiến chống can thiệp của đế quốc ở miền Nam Việt nam, nhưng đồng thời ông cho rằng cuộc chiến ấy dù đã phá vỡ cổng dinh Tổng thống nhưng không đưa được người Việt nam đến cánh cổng của dân chủ và nhân quyền.

Andre Manras đã từng là cảm tình viên nồng nhiệt của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, một tổ chức được cho là bình phong của đảng cộng sản Việt nam trong chiến tranh. 40 năm sau ông Manras nhắn lời những người đứng bên kia chiến tuyến với ông 40 năm trước, và cả những người dân Việt nam hôm nay không cảm thấy hạnh phúc trong những ngày mà nhà nước Việt nam tưng bừng kỷ niệm ngày mà họ gọi là chiến thắng:

Còn những người đáng thương, bị cuốn đi trong chiến tranh, hiện đang nghĩ rằng tôi đã làm hại họ, tôi xin họ hiểu rằng tôi đã hành động hoàn toàn theo mệnh lệnh của lương tâm, vì những giá trị cộng hoà và nhân văn, và cũng vì tôi chán ghét chiến tranh. Cuối cùng, tôi dành ý nghĩ công dân cho tất cả những người, trong khi kèn trống cất lên theo những bản hùng ca chiến thắng và tự do, vẫn đang bị hành hạ, giam cầm vì chính kiến, quyền con người và quyền công dân bị tước đoạt.

Nói về Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, tổ chức mà ông Andre Manras đã từng nhiệt tình ủng hộ, Giáo sư Nguyễn Văn Trung, người từng được gọi là thân cộng trong giai đoạn trước năm 1975 nói rằng ông quan sát thấy nhiều thành viên của Mặt trận đó nhận ra rằng họ chỉ là con bài của đảng cộng sản Việt nam từ miền Bắc.

Còn blogger trẻ tuổi, lớn lên sau ngày 30/4/1975, Hồ Thanh Tú thì nói rằng cứ đến ngày 30 tháng tư hàng năm anh lại cảm thấy xót thương cho những thành viên Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, những tên tuổi lớn của trí thức miền Nam một thời như Trương Như Tảng, Dương Quỳnh Hoa,… đã phải từ bỏ những điều mà một thời họ cho là lý tưởng.

Blogger Tưởng Năng Tiến kết luận

Người dân Việt Nam không ai thắng ai sau cuộc chiến vừa qua. Tất cả chúng ta đều thua, thua đau, sau một canh bạc bịp bởi những kẻ gian manh. Phải nhận diện rõ được kẻ thù như thế để đánh thẳng vào mặt chúng nó, và đừng ...đánh lẫn nhau!

Chuyện hòa giải xa vời

Câu nói đừng đánh lẫn nhau đó của Tưởng Năng Tiến gợi nhớ mọi người câu chuyện về Hòa hợp hòa giải dân tộc, cứ trở lại với tâm hồn người Việt khắp nơi trên thế giới cứ mỗi độ tháng tư về.

Nhà kinh tế Alan Phan viết rằng Hòa hợp hòa giải là không tưởng trong thời gian gần vì nếu muốn hòa giải phải có sự đồng thuận, sự thành thực và nhất là phải nằm trong một khung cảnh tự do ngôn luận.

Blogger Song Chi lại nói rằng thực ra hiện nay sự hòa giải là chuyện giữa đảng cộng sản đang cầm quyền với người dân chứ không phải giữa những người dân với nhau. Và trong vị trí độc quyền thống trị như đảng cộng sản hiện nay thì điều đó không hề dễ dàng. Song Chi đặt câu hỏi là tại sao cứ đến tháng tư về người Việt lại mang câu chuyện cũ ra mà bàn cãi, mà tự vấn? Câu trả lời của Song Chi là vì hiện tại không có gì tốt đẹp!

Trong không khí tự vấn và tranh cãi đó của tháng tư lịch sử, một vị Tiến sĩ Sử học từ Hà nội là ông Vũ Quang Hiển như đổ dầu vào lửa khi tuyên bố rằng sau ngày 30/4/1975 không hề có sự ngược đãi, cũng như câu chuyện về những nhà tù chỉ là điều xuyên tạc. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nhận xét rằng ông Hiển phạm tội phủ nhận sự thật, nhưng may cho ông là luật pháp Việt nam không có tội danh này. Giáo sư Tuấn nói thêm là hòa giải làm sao được trong một môi trường chữ nghĩa độc hại đến như vậy!

Cuộc đấu tranh cho hiện tại và tương lai

Người cựu tù nhân chính trị trẻ tuổi Nguyễn Phương Uyên không viết về những câu chuyện 40 năm trước mà về những chuyện của ngày hôm nay:

Trong quang cảnh bi thảm của một xã hội ngày càng mất đi nhân tính hôm nay, chúng ta phải tranh đấu không vì lẽ hận thù, mà chính vì mục đích để có một xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn, nhân bản hơn với đầy đủ các quyền tự do mà công dân của một đất nước dân chủ đáng lý ra phải có.

Trong cùng mục đích đó người cựu chiến binh Nguyễn Đình Ấm giải thích tại sao ông và những nhà hoạt động cho dân chủ hiện nay không thể đứng yên vì không thể sống như đã chết.

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReadingBlogs/odd-things-in-april-04272015064751.html/04272015-odd-things-in-april.mp3

No comments:

Post a Comment