Thursday, April 23, 2015

Trộm chó và mại dâm


Một người bạn nước ngoài nói với tôi rằng họ kinh hãi, không thể nào tin nổi ở Việt Nam giờ đây lại có những hình ảnh con người bị đánh đập đến chết và cột cùng với xác chó, kéo lê trên đường, để phô diễn chiến tích.

Nạn trộm chó đang hoành hành ở miền Bắc Việt Nam, và để đáp lại những vụ trộm đó, những cuộc vây đánh đến chết kẻ trộm vẫn diễn ra. Nhiều vụ còn được ghi hình lại như một sự kiện thích thú. Phần lớn công an địa phương cũng bối rối, vì rõ ràng họ không được hướng dẫn đối phó với các tình huống bạo lực đám đông như vậy, mà chính họ ắt cũng cảm thấy lo sợ khi đứng giữa đám đông rầm rập đó.

Hãy thử đặt một câu hỏi, chủ nhân của con chó đã tham gia đánh kẻ trộm được bao nhiêu lần vì tức giận, và đám đông tham gia đó đã tiếp sức cho cuộc đánh đập với lý lẽ gì, nếu không phải là một khoái cảm bạo lực của đám đông đang bùng lên khi tìm thấy một đối tượng để trút vào. Đó hoàn toàn không là câu chuyện của lẽ phải, mà là một hiện tượng xã hội mới phát sinh.

Có lẽ từ đây về sau, cái chết có lẽ là điều phải nhẩm trước cho bất kỳ một kẻ trộm (chó) nào, chứ không phải là luật pháp, ngay trên một quốc gia có đội quân công an hùng hậu, mà luật lệ thì luôn được khẳng định thực thi. Nếu từ đây, một dạng thiết chế đời sống công xã như vậy hình thành ở các miền khác, các địa phương khác, ắt sẽ còn có nhiều hơn những cái chết cho nhiều trường hợp khác nhau.

Việc bắt giữ và tự mình xét xử bằng bạo lực, nhắc con người văn minh nhớ đến IS, những kẻ khủng bố dùng cái chết để răn đe, nhớ đến những vụ hành hình, nhớ đến chuyện đấu tố trong thời cải cách ruộng đất ở miền Bắc sau 1945. Thậm chí, những hình ảnh này còn gợi nhớ đến giai đoạn xã hội được kiểm soát bằng ủy ban quân quản, chẳng hạn như sau tháng 4/1975, những thanh niên Sài Gòn bất phục bị bộ đội Bắc Việt bắt giữ và tuyên án, xử bắn ngay trung tâm thành phố. Xã hội không còn chiến tranh nhưng đang như tái hiện mọi thứ: giai đoạn mà những tập thể đi cùng với bạo lực, chỉ xử chứ không xét.

Trong Phật giáo, việc niệm Phật là một loại gieo mầm thiện. Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ vẫn để lại di huấn cho các đệ tử của ông rằng, ngay cả không thuộc kinh kệ, việc niệm Phật thay vào cũng là một cách để ấp ủ thiện tính trong lòng mình, và “niệm” này tác động đến những hành xử đời thường. Xã hội bất an và có nhiều ức chế không thể giải tỏa trong đám đông, cũng là một cách gieo niệm sự dữ trong con người. Và chỉ cần một cơ hội, nạn nhân của họ sẽ là bất cứ ai, nhân danh lẽ phải. Nhưng cũng cần nên nhớ rằng đám đông không tự mình hung dữ, con người không tự dưng ác, mà phải xét rằng xã hội mà họ đang sống, đã điều khiển, đã gieo trồng loại mầm gì lên họ.

Việc đám đông người Việt hôm nay dã man, không chỉ riêng ở trộm chó, mà ngay các câu chuyện thường ngày trên báo chí cũng cho thấy. Đặc biệt gần đây là chuyện rêu rao người mẫu bán dâm.

Thông tin người mẫu bán dâm rộ lên, ngay sau khi có vài người đẹp đột nhiên mất tích. Đợi lúc dân chúng xôn xao thì ngành công an mới hô lên rằng chính họ đã bắt, từ những nghi vấn mại dâm. Thật mỉa mai khi rất ít tờ báo nào đặt vấn đề vì sao công an lại có thể lạm quyền bắt cóc nhiều ngày các nghi phạm trong một vụ hình sự cấp thấp như vậy, mà chỉ tập trung vào chuyện mô tả vẻ đẹp của những người mẫu và số tiền được cho là giá mua dâm.

Màu sắc hèn hạ cũng không khác gì những người đánh kẻ trộm chó, người dân không chất vấn ngành công an địa phương đã làm ăn như thế nào mà vùng đất lại rộ trộm cướp, báo chí gọi là tử tế của Nhà nước chỉ lo vật và xé toang mọi thứ che thân của những người mẫu đang bị cho là bán dâm. Đó cũng là một loại bạo lực không khác gì đánh kẻ trộm chó, nhưng bạo lực khi nhân danh luật pháp và thông tin để hành hạ phụ nử, thì còn bệnh hoạn và ghê tởm hơn.

Giá tiền và những gương mặt đáng thương của các cô gái này được trưng bày trên báo chí, không chỉ mô tả một xã hội Việt Nam đang đạo đức giả đến đáng phỉ nhổ, mà còn cho thấy lẫn khuất trong đó sự thèm khát số tiền và cuộc đời của các nạn nhân, từ biên tập biên cho đến phóng viên của các tờ báo. Xã hội Việt Nam đang tồn tại một căn bệnh chì thích tra tấn những ai không có khả năng chống lại mình, không khác đám đông hồ hởi và điên dại đấm đạp vào người trộm chó.


Cũng rất ngạc nhiên, nhiều vụ quan chức nhà nước đi mua dâm, khi bị bắt đều được che đậy, còn những cô gái làm việc bằng tấm thân của mình thì bị làm nhục, bị lãnh án. Vụ gã hiệu trưởng Sầm Đức Xương ở Hà Giang, năm 2010, cầm nắm cả một danh sách quan chức mua dâm, thì được giấu nhẹm, chỉ có các cô gái thì phải chịu búa rìu là kẻ phạm tội. Cũng chẳng ngạc nhiên gì, khi năm 2009, tờ China Daily thăm dò, cho biết dân chúng ở Trung Cộng coi trọng gái điếm còn hơn cá giới quan chức. Đơn giản vì gái điếm có làm gì, họ chỉ vay trả bằng cuộc đời của chính họ, còn bọn quan chức thì bòn rút và hút máu nhân dân. Dĩ nhiên, ai cũng biết mô hình xã hội Trung Cộng và Việt Nam cũng không khác gì mấy.

Lẽ thường, nghi phạm chỉ trở thành tội phạm từ sau lời tuyên bố của tòa án. Nhưng chỉ cần công an bắt giữ, điều tra, đột nhiên tất cả những cô gái bị nghi ngờ là mại dâm đều ngay lập tức trở thành tội phạm, bị báo chí bị treo lên, bị lột sạch và cười cợt, chỉ trích. Ở một quốc gia văn minh khác, những tờ báo hối hả dục vọng đó luôn bị khởi kiện vì sự khốn nạn, nhưng ở Việt Nam, mọi thứ được coi như là ánh sáng của công lý. Con người có thế chết ngay lập tức từ đòn đánh của chủ chó, nhưng cũng có thể chết lần mòn từ những vết cắn xé – như trường hợp các cô gái nói trên.

Bạo lực nuôi dưỡng bạo lực, gieo niệm sự dữ vào con người một cách im lặng. Hôm nay đánh chết một con người vì chó, nhưng cũng có thể ngày mai, có thể một đám đông nào đó lại giết chết một con người từ bản năng động vật được nuôi dưỡng và thả rông trong chính mình. Cách thức và mỗi sự việc có thể khác nhau, nhưng cái ác chỉ có một bộ mặt, dù chó hay là người.
 04/20/2015 - 16:58 — tuankhanh
 tuankhanh's blog
http://www.rfavietnam.com/node/2543

No comments:

Post a Comment