Thursday, April 23, 2015

Loại bỏ công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”

(NLĐO) - Sau 3 lần tinh giản biên chế, số cán bộ, công chức lại tăng lên 20%. Làm thế nào để biên chế không phình lên sau mỗi lần tinh giản? Liệu có xóa được tình trạng công chức làm việc không hiệu quả?... Mời bạn đọc hiến kế, đóng góp ý kiến cho diễn đàn: Loại bỏ công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”
Dư luận đang dành nhiều sự quan tâm đến Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nghị quyết xác định rõ nhiệm vụ tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan, đơn vị của Đảng, nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; bảo đảm không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị.
Quyết không tăng biên chế
Đánh giá công tác tinh giản biên chế, Nghị quyết 39 nêu rõ những năm qua, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai chủ trương của Đảng về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đạt được một số kết quả quan trọng. Quá trình thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện công khai, dân chủ; nhiều cán bộ, công chức, viên chức không đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe, phẩm chất được đưa ra khỏi bộ máy nhà nước.
Loại bỏ công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”
Tuy nhiên, hiệu quả công tác tinh giản biên chế còn hạn chế, tổng số biên chế có xu hướng tăng lên. Bên cạnh đó, công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều hạn chế, thi nâng ngạch công chức, viên chức chất lượng thấp, còn tình trạng để giải quyết chế độ, chính sách...
Xuất phát từ thực tiễn trên, Nghị quyết 39 đề ra nhiều biện pháp, giải pháp, quyết tâm kiện toàn tổ chức các cơ quan, đơn vị của Đảng, nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Về tinh giản biên chế, Nghị quyết 39 xác định không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị; giữ ổn định biên chế của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp đến hết năm 2016. Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 - 2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Trong đó, phải xác định tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.
Băn khoăn tính khả thi
Để thực hiện tinh giản biên chế có hiệu quả, yêu cầu đặt ra là phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức. “Nếu địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị không thực hiện được tỷ lệ tinh giản biên chế theo kế hoạch đã được phê duyệt hàng năm thì phải xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu theo quy định của Đảng, nhà nước” - Nghị quyết 39 nhấn mạnh.
Loại bỏ công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”
Dù vậy, việc có tinh giản biên chế được hay không vẫn còn nhiều băn khoăn. Trong hơn 10 năm qua, cả nước đã thực hiện 3 lần tinh giản biên chế nhưng sau mỗi lần tinh giản, số lượng biên chế không những giảm mà lại tăng lên.
Bộ Nội vụ từng công bố số liệu qua 5 năm thực hiện Nghị định 132/2007 ngày 8-8-2007 của Chính phủ về tinh giản biên chế, đến cuối năm 2012, tổng số biên chế cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện tăng thêm 388-480 người và cán bộ, côn chức xã tăng hơn 14.000 biên chế). Đến năm 2013, sau 10 năm thực hiện tinh giản biên chế, số lượng biên chế lại tăng thêm 20%. Hiện cả nước có khoảng 2,8 triệu cán bộ công chức hưởng lương, phục cấp từ ngân sách nhà nước.
Gánh nặng ngân sách
Theo lộ trình trong 6 năm, từ năm 2014 - 2020, cả nước sẽ tinh giản được 100.000 biến chế. Việc giải quyết chế độ chính sách, áp dụng theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Theo tính toàn của Bộ Nội vụ, ngân sách sẽ phải chi 8.000 tỉ đồng để giải quyết chế độ cho số biên chế bị cắt giảm nói trên, trong đó 80% dùng để giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết cho thôi việc.
Sự phình lên về số lượng biên chế do người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa làm hết thẩm quyền và trách nhiệm đối với công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Thậm chí có nơi không những không cắt biên chế mà còn xin thêm biên chế dẫn đến tăng số lượng cán bộ, công chức; nhiều địa phương cấp xã có trên 400 cán bộ hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách.
Đó cũng là lý do mà dư luận băn khoăn Nghị quyết 39 lần này có kiện toàn được tổ chức bộ máy và thực hiện hiệu quả tinh giản biên chế hay không? Liệu có loại bỏ được 30% công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”? Có xóa bỏ tác dụng ngược sau mỗi lần tinh giản biên chế lại phình thêm cán bộ, công chức, tạo thêm gánh nặng ngân sách, trở ngại cho cải cách thủ tu5ch hành chính và cải cách chính sách tiền lương?
Đảng và nhà nước, chính phủ nhận thức rõ tinh giản biên chế là việc làm cấp bách nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi ngân sách và thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên đây cũng là công tác khó khăn, nhiều thách thức, đòi hỏi phải triển khai hiệu quả, đồng bộ các biện pháp, giải pháp.
 23/04/2015 12:17
DUY QUỐC

No comments:

Post a Comment