Thursday, April 23, 2015

40 năm nguyên vẹn một vết thương rỉ máu

04/21/2015 - 19:14 — Lê Diễn Đức



Ngày 30 tháng Tư năm 1975 tôi ở trong nhà tù Hoả Lò ở Hà Nội. Tôi bị Toà án Nhân dân Hà Nội kết án hai năm tù giam về tội "trốn ở lại nước ngoài". Tôi bị giam giữ biệt lập ở trại tù Thanh Xuân gần một năm để điều tra và sau đó ở Hoả Lò cho đến khi được trả tự do.

Hôm ấy không khí trong nhà tù sôi động, sau khi ông Trung uý Huệ thông báo và mọi người tập trung ở ngoài sân nghe đọc báo Nhân Dân.

Tôi vẫn nhớ như in hình dáng của ông trung úy Huệ già, có mái tóc bạc trắng, một con người hiền lành và nhân hậu. Ông là người miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, tôi chỉ biết có thế. Ông là giám thị của buồng 15, chứa khoảng hai trăm tù nhân, đa phần là cán bộ nhà nước tham ô, một phần nhỏ khác là giới xã hội đen, nhưng không thuộc loại nguy hiểm...

Có lần một tay anh chị trong đám này gây sự với tôi khi tắm, chưa kịp đánh nhau thì trật tự phòng can ngăn và báo cáo sự việc lên ông Huệ. Tôi bị gọi lên phòng ông làm việc. Ông pha trà và mời tôi hút thuốc. Ông nói với tôi gây sự trong tù sẽ bị kỷ luật và an toàn của bản thân bị đe doạ. Tôi thanh minh lỗi không phải từ phía tôi. Ông nói ông biết và chắc là nắm được lý lịch của tôi nên ông nói tiếc cho tôi quá, học sinh, sinh viên giỏi mà sao lại để ra nông nỗi này. Có vẻ ông chia sẻ với tôi hơn là trách móc, giáo dục. Rất có thể vì thấy tội nghiệp cho hoàn cảnh của tôi mà sau này ông đã sắp xếp tôi xuống bếp ăn của nhà tù, một công việc mơ ước của bao tù nhân khác, vì đã xuống bếp thì được sang ở khu khác, sinh hoạt thoải mái hơn, thỉnh thoảng còn được ra ngoài phố (lấy than) và quan trọng nhất là không bao giờ bị đói nữa.

Ngày 30 tháng Tư, ai ai cũng vui mừng vì chiến tranh kết thúc. Riêng tôi rất buồn. Tôi không nghĩ Bắc Việt sẽ chiến thắng dễ dàng như thế. Sau này khi ra tù, tôi sẽ tìm cách vượt tuyến vào Nam. Cách trốn qua sông Bắc Hải như thế nào, rồi tiến vào phía Nam qua sông Hàn ra sao trong lúc khói lửa đang ác liệt ở vùng Quảng Trị, Huế, tôi đã được một tù nhân khác ở cùng phòng một thời gian ngắn lúc ở trại giam Thanh Xuân, chỉ dẫn. Qua được sông Hàn là thoát, anh ta khẳng định như thế.

Mặc dù không hiểu biết bao nhiêu về chế độ Việt Nam Cộng Hoà nhưng tôi nghĩ rằng, một nạn nhân của miền Bắc, chỉ yêu với một cô gái Ba Lan và tìm cách ở lại nước ngoài mà bị tù đày, chắc chắn tôi sẽ được tiếp nhận. Tôi khao khát tự do và tôi tin rằng chế độ Việt Nam Cộng Hoà tự do hơn miền Bắc. Tôi chỉ có một con đường duy nhất ấy. Bởi vì với cái án tù, trong chế độ cộng sản, tôi sẽ chẳng thể nào có cơ hội vươn lên nữa. Chắc chắn tôi sẽ chịu thân phận con trâu đi trước, cái cày theo sau, sẽ bị xã hội khinh rẻ, đời sống sẽ chìm trong tủi nhục.

Ngày 30 tháng Tư năm 1975 chấm dứt mơ ước phiêu lưu của tôi, khép lại cánh cửa và để lại trước tôi một viễn cảnh đen tối. Làm sao tôi không buồn. Tôi không dám chia sẻ nỗi buồn với ai. Tôi im lặng gặm nhấm và xác định cho mình một tương lai khác. Một cái mốc xoay chuyển cuộc đời tôi!

Ngày 2 tháng 9 năm 1975, đại ân xá và tôi ra tù trước thời hạn 5 tháng. Nhận lại quần áo từ Ba Lan mang về bị giữ lại từ lúc bị bắt, cầm "Lệnh tạm tha" bước ra khỏi cổng chính nhà tù Hoả lò, tôi ngơ ngác nhìn quanh phố phường Hà Nội. Về đâu? Tôi rảo bước một cách vô thức, không biết đi đâu. Trời lất phất mưa. Cờ, khẩu hiệu giăng khắp phố. Những chiếc xe đạp qua lại, có những cô gái mặc áo dài, chắc đi dự ngày lễ ở đâu đó. Tôi không phải là dân Hà Nội, nên rất bỡ ngỡ. Trong túi không có đồng nào, tôi hỏi đường đi lên Bờ Hồ và nhảy lên tàu điện xuống Thanh Xuân, nơi có anh ruột đang học Đại học Tổng hợp. Một hành khách nhìn tôi nói anh ở nước ngoài về à (chắc nhìn tôi ăn mặc và xách cái túi du lịch), đi tàu hãy cẩn thận, dễ bị móc túi lắm. Tôi cám ơn. Thật là may mắn, chẳng thấy ai soát vé cả...

Hôm nay, 40 năm sau, tôi ngồi ở thành phố Houston, nước Mỹ, viết lại những dòng này. Tôi đã định cư và ổn định trên đất Mỹ. Bốn đứa con tôi, con trai đầu là công dân Australia đang sống và làm việc ở Melbourne, ba đứa khác đều là công dân Mỹ. Hạnh phúc ngập tràn, cái giấc mơ nhỏ nhoi vượt biên vào Nam ngày nào không thực hiện được thì giờ đây, như có phép lạ, tôi được sống ở Mỹ, đất nước đã có tới 58 ngàn chiến sĩ bỏ mạng để ngăn chặn làn sóng đỏ, bảo vệ tự do cho miền Nam Việt Nam!

Cuộc hành trình tìm đến tự do của tôi tuy không bi thảm như hàng triệu người miền Nam đã đối diện với hiểm nguy và cái chết trốn chạy khỏi chế độ cộng sản sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, nhưng cũng sóng gió và mạo hiểm, đòi hỏi một nỗ lực rất lớn, cộng với may mắn.

Tôi nhìn thấy một cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản ở Mỹ trưởng thành trong mọi lĩnh vực, nhiều người là những nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật, chính khách, thương nhân giỏi hội nhập vào dòng chính nước Mỹ, góp phần vào sự phát triển của nước Mỹ, quê hương thứ hai của họ, nơi đã che chở, bao dung họ trong những ngày chân ướt chân ráo đặt chân tới miền đất lạ.

Tôi chia sẻ với người Việt khi họ gọi ngày 30 tháng Tư là ngày "quốc hận", vì ngày ấy là ngày một quốc gia hợp pháp, một nền cộng hoà dân chủ non trẻ bị bức tử. Lá cờ vàng ba sọc đỏ của quốc gia đó, Việt Nam Cộng Hoà, gắn liền với những kỷ niệm đẹp một thời, rất nhiều người đã vì tự do mà ngã xuống lá cờ đó.

Quốc hận còn có nghĩa những người phụng sự cho quốc gia ấy đã bị chế độ cộng sản trả thù một cách vô nhân đạo. Hàng trăm ngàn quân cán chính của Việt Nam Cộng Hoà bị đưa đi tập trung cải tạo, không thông qua xét xử, gia đình của họ bị cô lập, bị phân biệt đối xử hà khắc, chính sách đi dân đi kinh tế mới, cải tạo công thương, ngăn sông cấm chợ đã đẩy cuộc sống vào bế tắc, khiến cả triệu người phải bỏ nứơc ra đi.  Đây là bản cáo trạng tội ác khủng bố của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Vết thương này quá lớn, nó là nguyên nhân của sự chia rẽ và vẫn sẽ tiếp tục rỉ máu, khi đất nước Việt Nam còn bị áp đặt sự thống trị độc quyền, độc tài, phi dân chủ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ở Ba Lan, nơi tôi sinh sống nhiều năm, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ vào năm 1989, không có vấn đề trả thù những người cộng sản. Thành công nhất của Ba Lan là xã hội mới trở thành mái nhà chung cho tất cả những người có chính kiến, quan điểm khác nhau. Những người cựu cộng sản Ba Lan đã lột xác, rũ bỏ ý thức hệ mác-xít, thành lập đảng Liên minh Cánh tả Dân chủ theo khuynh hương dân chủ-xã hội.

Tháng 12 năm 2005 Quốc hội Ba Lan đã ra nghị quyết về tình trạng thiết quân luật mà nhà cầm quyền Cộng sản Ba Lan ban hành ngày 13 tháng 12 năm 1981 nhằm dập tắt phong trào đối lập. Trong gần hai năm 1981-1983 đã có gần 10 ngàn người bị giam giữ và kết án, hàng trăm ngàn người đã rời bỏ Ba Lan chạy qua các nước phương Tây, được xem là một giai đoạn đen tối nhất của lịch sử Ba lan sau Chiến tranh Thế giới II.

Đề xướng nghị quyết lại chính là những người cựu Cộng sản Ba Lan trong quốc hội. Nghị quyết viết: “Quốc hội Ba Lan tỏ lòng thương tiếc và tưởng nhớ đến những người Ba Lan – những nạn nhân của sự truy bức, đàn áp chỉ vì họ muốn thực hiện ước mơ cho một Ba lan dân chủ và tự do. (…) Kinh nghiệm của quá khứ là bài học cho những người cầm quyền và xã hội rằng, bằng bạo lực không những không hạn chế được nhân quyền, tự do của công dân, mà cũng không thể giải quyết được các vấn đề cơ bản của nhà nước” (Nhật báo Gazeta Wyborcza ngày 16/12/2005).

Còn A. Kwasniewski, cựu Bộ trưởng trong chế độ Cộng sản, Tổng thống Ba Lan dân cử hai nhiệm kỳ (1995- 2005) đã xin lỗi nhân dân Ba lan về giai đoạn thiết quân luật, về sự chịu đựng và tổn thương mà nhân dân Ba Lan đã phải trải qua.

Trong một xã hội mà nhà nước không do nhân dân bầu chọn tự do, không thể nào có chỗ đứng cho sự hoà hợp hoà giải, bởi vì nhà nước ấy là đại diện cho một băng đảng đặc quyền đặc lợi, chỉ biết đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích dân tộc.

Trong một xã hội mà nhà cầm quyền lấy truy bức và đàn áp là phương tiện để duy trì quyền lực, cũng không có chỗ cho sự nhìn nhận sai lầm chân thực. Vì thế, nhân 40 năm ngày 30 tháng Tư, người ta vẫn cao ngạo duyệt binh, ăn mừng "chiến thắng"!

40 năm vẫn nguyên vẹn một vết thương rỉ máu!

© Lê Diễn Đức - RFA

ledienduc's blog

No comments:

Post a Comment