11/03/2015 22:54
Sai lầm từ khâu lập quy hoạch dự án, khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý, bảo trì… dẫn đến tai nạn rình rập tại những đoạn Quốc lộ 1 vừa nâng cấp xong và đưa vào sử dụng
Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 (QL1) từ Nam chí Bắc dài gần 1.000 km, dự kiến đến cuối năm 2015 cơ bản hoàn thành. Tuyến huyết mạch này đạt kỷ lục về huy động vốn, kỷ lục về khối lượng công trình nhưng cũng kỷ lục về... hiểm họa tai nạn giao thông (TNGT) từ những ngày khởi công.
Quy chuẩn an toàn không phù hợp
Ai đã từng lái ô tô hoặc xe máy trên một số đoạn đường QL1 mới vừa được nâng cấp mở rộng, đặc biệt là các dự án thành phần thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 chỉ có 1 làn ô tô 1 chiều, đều cảm nhận được sự bất tiện và không an toàn.
Việc thi công nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 phát sinh nhiều vấn đề khi tuyến Bắc - Nam này chạy qua khu vực đông dân cư. Trong ảnh: Người dân ở Thanh Hóa tự ý tháo dải phân cách để mở lối trên Quốc lộ 1 Ảnh: Thanh Tuấn
Ban ngày, tại các đoạn đường có CSGT kiểm tra, xe chạy tốc độ chậm rì theo từng đoàn dài thật “dễ thương” nhưng khi không có CSGT thì lấn tuyến vượt mặt như phim hành động! Ban đêm, xe tải nặng và xe khách đường dài chạy nhiều, lực lượng CSGT ít có mặt, lúc bấy giờ xe máy và người dân sinh hoạt ven đường thường trở thành nạn nhân.
Mục tiêu dự án nâng cấp mở rộng QL1 không ngoài các nguyên tắc cơ bản là phải bảo đảm an toàn giao thông (ATGT). Tuy nhiên, những tai nạn thương tâm xảy ra nhiều trong quá trình triển khai thực hiện thi công cáchạng mục công trình của dự án trên suốt QL1 thời gian qua có phần do phương án bảo đảm ATGT không được chuẩn bị tốt hoặc không được nhà thầu thực hiện, thiếu kiểm tra, giám sát, chế tài từ chủ đầu tư và các cơ quan quản lý hữu quan.
Khi tai nạn xảy ra, cũng không có những đánh giá, phân tích nguyên nhân đúng sự thật, xử lý khắc phục qua loa. Có lẽ ai cũng mong đợi có con đường tốt qua địa phương mình nên dễ dàng bỏ qua hậu quả tai nạn trước các sức ép về vốn, về tiến độ, về giải phóng mặt bằng, thậm chí về chỉ tiêu thành tích.Thế nhưng, tai nạn rình rập tại những đoạn QL1 vừa nâng cấp xong đưa vào khai thác sử dụng lại có thể do một nguyên nhân khác, đó là lỗi từ kỹ thuật, xuyên suốt các công tác lập quy hoạch dự án, khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý, bảo trì.
Nhiều sai lầm
Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật ngành, đặc biệt là các tiêu chuẩn thiết kế liên quan đến ATGT cho QL1 bộc lộ nhiều bất cập. Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) thường chỉ cứng nhắc vào chuyện quyết định cấp đường, từ đó tính ra các thông số kinh tế kỹ thuật như vận tốc, trắc ngang đường…, thậm chí các thông số liên quan an toàn như tầm nhìn, bán kính đường cong, tổ chức giao thông… cũng cứ theo cấp đường đã được phê duyệt. Chỉ cần quyết định chọn cấp đường không đúng là mất ngay tính hiệu quả, sự bền vững và an toàn của dự án.
Cụ thể, dự án nâng cấp mở rộng QL1 chia ra nhiều dự án nhỏ qua từng địa phương hoặc vùng. Từng dự án thành phần lại có cấp đường khác nhau phụ thuộc vào lưu lượng xe và tính chất, đặc điểm khu vực hưởng lợi từ dự án, gồm cả đường cao tốc, cấp 1, cấp 2, cấp 3, cấp 3 “châm chước” (khái niệm chưa có trong TCVN). Ở các dự án nâng cấp mở rộng đường cấp cao từ cấp 2 trở lên, TNGT xảy ra do chưa kịp thi công các hạng mục về tổ chức giao thông như cọc tiêu, biển báo, sơn đường, dải phân cách, thoát nước…
Trong khi đó, với các dự án thiết kế đường cấp 3 (theo TCVN 4054-2995), chỉ có 1 làn ô tô mỗi chiều, không có dải phân cách cứng ở giữa. Do phần lớn chủng loại xe lưu thông trên QL1 vận tốc không đều, có nhu cầu vượt xe thường rất lớn nên nguy cơ TNGT trong thời gian sắp đến chắc chắn xảy ra rất nhiều. Phải nói ngay là với QL, dứt khoát không có cấp 3, vì với 1 làn ô tô chạy mỗi chiều và cho phép vượt là đã quá lạc hậu và không bảo đảm ATGT.
Đúng ra, nếu thiết kế nâng cấp mở rộng toàn dự án đều là 4 làn ô tô (mỗi chiều 2 làn) theo tiêu chuẩn đường cấp 2 trở lên (đây cũng là chỉ đạo và mong muốn của Thủ tướng Chính phủ) thì quá an toàn và tạo hiệu quả bền vững. Rất tiếc, vì những lý do nào đó mà các đơn vị tư vấn đã vận dụng máy móc hoặc không tính toán chính xác lưu lượng xe và chọn cấp đường đúng theo TCVN 4054-2005, để rồi lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải quyết định chọn đường cấp 3, dẫn đến những chuyện dở cười dở khóc, rủi ro xảy ra ngay trên các đoạn đường vừa nâng cấp.
Chắc chắn trong tương lai, các thế hệ sau của chúng ta sẽ phải tiếp tục trả giá vì cách làm đường theo tư duy cũ kiểu như sửa chữa, nâng cấp QL1 bây giờ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-3
Không có dự án đầu tư giao thông vận tải nào trên thế giới mà không gặp rủi ro. Bài toán ATGT luôn có lời giải mở và bền vững nếu Bộ Giao thông Vận tải làm tốt từ công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng tiêu chuẩn và tất nhiên cần quyết tâm đổi mới từ tư duy đến con người.
Người dân tự ý tháo dải phân cách
Thời gian gần đây, tuyến QL1 chạy qua địa bàn các huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, Hà Trung... của tỉnh Thanh Hóa bị người dân tự ý tháo dải phân cách và bảng chống chói để mở lối đi trái phép, gây thiệt hại tài sản nhà nước và tạo thành các “điểm đen” mới cho người và phương tiện tham gia giao thông. Đến ngày 11-3, Chi cục Quản lý Đường bộ II báo cáo có 34 điểm bị người dân tự ý mở lối đi, tháo bỏ 47 cục bê-tông dải phân cách cứng và 24 bảng chống chói.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn yêu cầu các cấp chính quyền phối hợp với Ban Quản lý dự án 1 và nhà thầu thi công khắc phục tình hình, xử lý nghiêm đối với những đối tượng cố tình vi phạm.
T.Tuấn
TS Phạm Sanh
No comments:
Post a Comment