Thursday, March 12, 2015

Không thể ngăn Nhật hỗ trợ cho Việt Nam và Philippines

Theo NgườiViệt-03-12- 2015 4:12:28 PM
VIỆT NAM - Ðó là nhận định của ông Ian Storey, chuyên gia về an ninh khu vực Ðông Nam Á, làm việc tại Viện Nghiên Cứu Ðông Nam Á ở Singapore.

Theo ông Story, Nhật sẽ tiếp tục củng cố quan hệ với Việt Nam và Philippines và xem đó như một phương thức nhằm ngăn chặn nỗ lực bành trướng của Trung Quốc.


Chỉ huy Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Biển Vùng 2 chụp ảnh với thủy thủ đoàn tàu CSB 6001 - một trong sáu tàu tuần duyên mà Nhật hứa hỗ trợ và đã bàn giao hồi tháng 2 vừa qua. (Hình: Cảnh Sát Biển Việt Nam)

Tuy chỉ có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở biển Hoa Ðông song Nhật không thể không quan tâm tới biển Ðông bởi nếu Trung Quốc làm chủ biển Ðông, kiểm soát các thủy lộ mà tàu bè của Nhật thường qua lại, Nhật có thể bị cô lập.

Ðến nay, Nhật đang thực hiện kế hoạch cung cấp các tàu tuần duyên cho cả Philippines lẫn Việt Nam.

Ngoài việc sắp phối hợp với Hải Quân Philippines để thực hiện một cuộc tập trận trên biển, Quân Y Nhật đang giúp đào tạo quân y cho các thủy thủ đoàn hoạt động trên tàu ngầm của Hải Quân Việt Nam.

Theo Reuters, Nhật còn có thể hỗ trợ Philippines cải tạo hạ tầng quanh một căn cứ quân sự của Philippines ở đảo Palawan - điểm gần quần đảo Trường Sa nhất.

Dẫu Trung Quốc công khai bày tỏ sự bất bình với Nhật vì muốn giúp các quốc gia ASEAN duy trì tự do hàng hải và hàng không trong khu vực Ðông Nam Á, thậm chí Trung Quốc còn cảnh cáo rằng Nhật không phải là một bên trong số các bên có trtanh chấp chủ quyền ở biển Ðông, thành ra cần cẩn trọng cả trong phát biểu lẫn hành động nhưng dường như Nhật không bận tâm.

Riêng với Việt Nam, ngoài việc cung cấp cho Việt Nam sáu tàu tuần duyên trị giá khoảng 500 triệu Yen, Nhật còn viện trợ một số thiết bị như radar, nhận đào tạo cảnh sát biển và nhân viên kiểm ngư.

Tháng 8 năm ngoái, tại một cuộc họp báo được tổ chức ở Hà Nội, ông Fumio Kishida, ngoại trưởng Nhật, cho biết, ông hy vọng những hỗ trợ của Nhật sẽ giúp Việt Nam “gia tăng khả năng bảo vệ luật pháp trên biển.”

Lúc đó, ngoại trưởng Nhật giải thích thêm rằng, việc hợp tác là không thể thiếu nếu muốn bảo đảm hòa bình và ổn định trên các tuyến đường hàng hải, trong đó có biển Ðông và biển Hoa Ðông, đặc biệt là khi “môi trường an ninh quốc tế càng ngày càng khắc nghiệt.”

Còn ông Phạm Bình Minh, ngoại trưởng Việt Nam thì nói rằng, Việt Nam và Nhật “nhất trí duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải tại biển Ðông bởi đó là trách nhiệm và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.”

Tại cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Nhật, ngoại trưởng Việt Nam lập lại điều mà ông ta từng phát biểu nhiều lần. Ðó là các bên có liên quan cần đối thoại hòa bình để giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và tuân thủ nghiêm túc tinh thần “Tuyên bố Ứng xử của Các Bên về biển Ðông” (DOC), đồng thời cùng xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử tại biển Ðông (COC), không có những hành động làm tình hình thêm phức tạp.

Cũng vào thời điểm vừa kể, ông Kishida khẳng định ở một cuộc họp báo khác rằng, Nhật sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam và các thành viên khác trong cộng đồng quốc tế để chống lại mọi ý đồ thay đổi nguyên trạng trên biển bằng vũ lực. (G.Ð)

No comments:

Post a Comment