Theo RFI-Trọng Thành
Ngày 12-03-2015 13:24
Một cảnh vận chuyển gia cầm sống tại Trung Quốc. (DR)
Hôm qua 11/03/2015, một tạp chí khoa học Anh thông báo nguy cơ cúm gia cầm H7N9 tại Trung Quốc có thể bùng phát thành đại dịch tại châu lục thậm chí toàn cầu, do buôn bán gia cầm sống phát triển mạnh.
Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Anh Nature, nếu chính quyền Trung Quốc không kiểm soát được việc buôn bán gia cầm sống, dịch cúm H7N9 có thể biến thành một đại dịch của châu lục, thậm chí một đại dịch toàn cầu. Trong nghiên cứu nói trên, các nhà dịch tễ học, do nhà khoa học Yi Guan – đại học Hồng Kông – đứng đầu, đã tìm cách lý giải vì sao virus H7N9, mới xuất hiện tại Trung Quốc năm 2013, lại tái xuất hiện năm 2014, trước khi biến mất.
Dò lại quá trình tán phát virus, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng bệnh dịch phát triển ở những nơi buôn bán gia cầm sống phát triển mạnh, như miền đông và nam Trung Quốc. Xuất hiện trước hết tại các trại nuôi gia cầm ở Triết Giang, virus đã lan tới các chợ bán gia cầm sống ở các tỉnh láng giềng trong khoảng thời gian từ tháng 10/2013 đến tháng 7/2014, như các phân tích trên nhiều bệnh nhân được điều trị tại thành phố Thẩm Quyến (Shenzhen) cho thấy.
Để tránh virus lây lan theo con đường này, các nhà khoa học khuyến cáo đóng cửa các chợ buôn gia cầm sống và tổ chức các trung tâm giết mổ tập trung.
Trong báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới ngày 23/02, WHO đã thống kê được 571 trường hợp bệnh nhân nhiễm H7N9, trong đó có 212 người chết. Các nhà khoa học lo ngại, với việc lây lan qua gia cầm nuôi trong các môi trường kín, virus H7N9 có thể biến đổi và chuyển thành một chủng mới có khả năng sát thương cao gấp bội.
Việc chuyển hóa này hiện chưa xảy ra và một vắc xin có thể cho phép ngừa được chủng H7N9 hiện tại.
Liên quan đến virus H1N1 ở Ấn Độ, khiến 1.482 người chết, theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Hoa Kỳ Cell Host and Microbe, các nhà khoa học đã xác định được virus hiện nay đã biến đổi gen, khác hẳn với virus đã gây ra đại dịch cúm A H1N1 năm 2009-2010. Các nhà nghiên cứu viện MIT (Massachusetts Institute of Technology) khuyến cáo cần xem xét việc chế lại vắc xin để đối phó với virus đã biến đổi.
No comments:
Post a Comment