Thursday, March 12, 2015

Tuyên cáo Việt Nam độc lập ngày 11 tháng 3 năm 1945

Tem in hình cờ long tinh và con số "11.3.45" cùng hàng chữ "Việt Nam" để kỷ niệm sự kiện Việt Nam độc lập. (Theo Wikipedia)


Lê Công Định - Ngày 9 tháng 3 năm 1945, khi Pháp chuẩn bị đón quân Đồng Minh đổ bộ vào Đông Dương, Nhật Bản bất ngờ đảo chính, tống giam nhiều quan chức chính quyền và tước khí giới của quân đội Pháp trên toàn cõi Đông Dương, đồng thời ra tối hậu thư đòi người Pháp phải chấp nhận vô điều kiện quyền chỉ huy của Nhật về mọi phương diện. Tại kinh đô Huế, Đại úy Kanebo Noburu diện kiến hoàng đế Bảo Đại, tuyên bố quyền lực của Pháp tại Đông Dương chính thức cáo chung và Nhật Bản đồng ý trao trả độc lập cho Việt Nam.

Hai ngày sau, ngày 11 tháng 3 năm 1945, hoàng đế Bảo Đại triệu cố vấn tối cao của Nhật là Đại sứ Yokoyama Masayuki và các viên chức lãnh sự vào điện Kiến Trung để chứng kiến lời tuyên cáo Việt Nam độc lập. Ngày 12 tháng 3 năm 1945, hoàng đế Bảo Đại lại triệu Đại sứ Yokoyama Masayuki và trao cho ông bản tuyên cáo. Ngay lập tức, báo giới khắp Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ đồng loạt loan tin Việt Nam độc lập.

“Tuyên cáo Việt Nam độc lập” là tên gọi một đạo dụ do hoàng đế Bảo Đại ban bố vào ngày 11 tháng 3 năm 1945, trong tư cách đại diện hợp pháp duy nhất của quốc dân Việt Nam đương thời, theo đó tuyên bố hủy bỏ mọi ràng buộc chính trị giữa Việt Nam và Pháp, đồng thời khai sinh một nước Việt Nam mới độc lập và có chủ quyền. Bản tuyên cáo có chữ ký của sáu vị thượng thư trong Cơ mật Viện là Phạm Quỳnh, Hồ Đắc Khải, Nguyễn Phúc Ưng Úy, Bùi Bằng Đoàn, Trần Thanh Đạt và Trương Như Đính. Toàn văn như sau:

“Cứ theo tình hình chung trong thiên hạ, tình thế riêng cõi Đông Á, chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này Hòa ước Bảo hộ với nước Pháp bị bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập. Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn chung của Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vương chung. Vậy Chính phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản Đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên. Khâm thử.” (Lập ngày 27 tháng Giêng năm thứ 20 triều Bảo Đại)
Nhật báo Điện tín loan tin Việt Nam độc lập.  (Theo Wikipedia)
Vào ngày 17 tháng 3, hoàng đế ban bố Dụ số 1 lấy khẩu hiệu “Dân vi quý” làm phương châm trị quốc. Ông giải tán nội các cũ, các vị thượng thư đồng loạt từ chức. Nhà sử học Trần Trọng Kim được trao nhiệm vụ thành lập tân nội các và trở thành Thủ tướng đầu tiên của Đế quốc Việt Nam.

Sau đó, trước hiểm họa đảo chính cướp chính quyền của Việt Minh, quân đội Nhật đề nghị bảo vệ chính quyền mới, nhưng hoàng đế Bảo Đại đã từ chối sự hỗ trợ đó và tái xác nhận nền độc lập của Việt Nam một lần nữa vào ngày 18 tháng 8 năm 1945. Ông đã nói một câu nổi tiếng thể hiện tầm vóc của đấng minh quân:“Ta không muốn một quân đội nước ngoài làm đổ máu thần dân ta.” Một tuần lễ sau, ông chấp nhận thoái vị và trao chính quyền lại cho Việt Minh tại kinh thành Huế.

Nhìn vương triều của tổ tiên tồn tại hơn 300 năm phải cáo chung bởi chính quyết định của mình, lòng dạ cựu hoàng vô cùng đau đớn như ông đã giãi bày trong quyển hồi ký “Con Rồng An Nam”. Tuy nhiên, khi thời cuộc đổi thay và nhằm tránh tạo cớ cho ngoại bang thọc tay vào nội tình đất nước, cựu hoàng đã biết dũng cảm từ bỏ quyền lực cá nhân và gia tộc mình.

Nếu là người tham quyền cố vị, cố sức duy trì một chế độ chính trị lỗi thời, ắt hẳn ông đã thỏa hiệp với Nhật Bản, dùng viện trợ của ngoại bang thủ lợi cho phe đảng mình và khiến người Việt đối đầu nhau trong hận thù. Vậy nên, nếu so với những kẻ sợ mất thứ chủ nghĩa lạc loài và địa vị tham nhũng, cam tâm dấm dúi thỏa hiệp với ngoại bang ở Thành Đô 45 năm sau, thì cựu hoàng Bảo Đại hiển nhiên là vị nguyên thủ quốc gia xứng đáng hơn để chúng ta tôn kính về lòng yêu thương giống nòi.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Việt Nam chính thức độc lập, 11/3/1945 – 11/3/2015, tôi viết lại sự kiện lịch sử trọng đại này với ước mong các thế hệ trẻ Việt Nam nhận thức lại lịch sử nước nhà, tránh sự áp đặt bởi những thiên kiến lầm lẫn do lối giáo dục tuyên truyền gây ra, hầu có thể rút ra những bài học giá trị cho đất nước hôm nay và mai sau.

No comments:

Post a Comment