Friday, March 13, 2015

Công an thừa nhận có 'bức cung, dùng nhục hình,' gây oan, sai
03-13-2015 2:53:59 PM
HÀ NỘI (NV) - Ðó là điều mà ông Lê Quý Vương, thượng tướng, thứ trưởng Bộ Công An CSVN, thừa nhận trước Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội nước này.

Hôm 13 tháng 3, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội CSVN đã yêu cầu hệ thống tư pháp Việt Nam bao gồm lãnh đạo Tòa Án Tối Cao, Viện Kiểm Sát Tối Cao, Bộ Công An giải trình về án oan, sai.


Ông Nguyễn Thanh Chấn được thân nhân, hàng xóm đón sau khi được phóng thích vì đã bị kết án oan. (Hình: petrotimes.)

Tại buổi giải trình đó, viên thượng tướng, thứ trưởng Bộ Công An, giải thích, lý do dẫn tới việc gây oan sai là vì hoạt động tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) chưa tôn trọng việc chứng minh sự thật khách quan, chỉ chú trọng đến các lời khai, không quan tâm đến các bằng chứng.

Riêng với công an Việt Nam, những thiếu sót dẫn tới oan sai là vì chỉ “tập trung khai thác lời khai,” không quan tâm đến khám nghiệm-đánh giá hiện trường, thu giữ bảo quản vật chứng. Kể cả năng lực, phẩm chất của điều tra viên đã kém lại còn “nôn nóng, chạy theo thành tích nên dẫn đến hấp tấp, làm sai.”

Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội CSVN đã yêu cầu ông Trương Hòa Bình, chánh án Tòa Án Tối Cao, cho biết kết quả điều tra lại về năm vụ án mà công chúng đã và đang đòi phải giải oan cho các bị án, xử lý những viên chức tư pháp đã gây ra oan sai.

Ðó là các vụ: Hàn Ðức Long bị phạt tử hình vì “hiếp dâm trẻ em, giết người.” Nguyễn Văn Trưởng bị phạt tử hình vì “giết người.” Huỳnh Văn Nén bị phạt chung thân vì “cướp tài sản, giết người.” Lê Bá Mai bị phạt chung thân vì “hiếp dâm trẻ em, giết người.” Hồ Duy Hải bị phạt tử hình vì “giết người, cướp tài sản.”

Ông Bình phân trần, năm vụ án vừa kể đều xảy ra đã lâu, các cơ quan tố tụng (công an, kiểm sát, tòa án) đang phối hợp giải quyết. Việc xem xét-tìm kiếm sai sót trong tiến trình điều tra-truy tố-xét xử phải rất cẩn trọng để nếu oan thì phải kết luận là oan, còn có tội thì phải xác định đúng căn cứ buộc tội nhưng hệ thống tư pháp Việt Nam làm chưa xong.

Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam cũng đã yêu cầu trả lời trong năm vụ án vừa kể, Công an Việt Nam có bức cung, dùng nhục hình với các bị án hay không? Viên tướng là Thứ trưởng Bộ Công An Việt Nam xác nhận: “Kiểm tra thực tế có hiện tượng này!”

Viên tướng là Thứ trưởng Bộ Công An Việt Nam nói thêm, sau khi ông Nguyễn Thanh Chấn được giải oan, đã có rất nhiều phạm nhân đồng loạt nộp đơn kêu oan.

Năm 2013, oan án của ông Nguyễn Thanh Chấn từng làm rúng động dư luận Việt Nam.

Hồi 2003, ông Nguyễn Thanh Chấn bị cáo buộc giết một người hàng xóm. Dù ông liên tục kêu oan và có nhiều nhân chứng, bằng chứng cho thấy ông vô tội. Chưa kể ông Chấn liên tục tố giác đã bị tra tấn, ép nhận tội nhưng cuối cùng, ông vẫn bị phạt tù chung thân.

Mãi tới năm 2013, vì gia đình hung thủ có mâu thuẫn, thân nhân ông Chấn mới tìm ra thủ phạm và thủ phạm đã đầu thú. Ông Chấn được trả tự do sau mười năm bị giam, trở về khi gia đình tan nát, bốn đứa con phải bỏ học nửa chừng vì gia đình ngập trong nợ do đi đòi công lý cho ông.

Trong 10 năm đó, tất cả những điều tra viên tham gia tra tấn, ép ông nhận tội giết người đều được thăng thưởng và trở thành lãnh đạo công an huyện hoặc công an tỉnh. Các kiểm sát viên và thẩm phán trong vụ án này cũng được thăng thưởng như vậy.

Từ khi được giải oan tới nay, ông Chấn vẫn chưa được bồi thường. Tuy thừa nhận đã làm ông bị hàm oan song hệ thống tư pháp đòi ông phải “chứng minh thiệt hại.” (G.Ð)

No comments:

Post a Comment