VRNs (03.02.2015) – Sài Gòn – Tờ Lao Động dẫn lời Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ông Trương Minh Tuấn, cho biết hôm 1/2 rằng bộ này ‘sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng có những giải pháp ngăn chặn toàn diện hơn những thông tin xấu, độc hại trên mạng.’
Ông Tuấn đưa ra phát biểt trên sau kỳ Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng diễn ra hồi giữa tháng Một, trong đó có bàn về ‘vấn đề quy hoạch phát triển và quản lý báo chí’ đến năm 2025.
Ông cho biết, quy hoạch phát triển và quản lý báo chí là một vấn đề “rất lớn và là nội dung hết sức quan trọng của hội nghị trung ương.”
Trước đó, vị thứ trưởng bộ TT&TT nhận định trong cuộc phỏng vấn với báo giới, “thời gian qua, lợi dụng môi trường Internet, nhiều trang web ‘đen’ được đặt máy chủ ở nước ngoài đã lợi dụng, có hành vi bôi nhọ nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, gây hoài nghi trong xã hội, chia rẽ Đảng với nhân dân.”
Trang blog chandungquyenluc có nhiều “tin xấu” được người dân quan tâm gần đây
Ông Tuấn cho rằng đó là những trang mạng “sai trái” với ‘thông tin không được kiểm chứng’, và chỉ đích danh các trang mạng “sai phạm” như “quan làm báo”, “dân làm báo”.
Ông cho biết thêm, biện pháp đối phó với hiện trượng trên là các cơ quan chức năng phải chủ động cung cấp thông tin cho ‘phương tiện thông tin chính thống’, và trên cả ‘các mạng xã hội’ để ‘tuyên truyền phản bác các thông tin trái chiều.’
Bình luận về định nghĩa thông tin xấu do vị quan chức truyền thông đưa ra, người sử dụng Facebook Duc Bui nhận xét, ‘tôi có thấy cái nào là xấu và độc hại đâu.”
Trong một buổi phỏng vấn với RFA tháng 11/2014, blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) từng nhận định, nhà cầm quyền cộng sản muốn “tạo ra một không gian truyền thông kín để định hướng dư luận xã hội. Và [để] họ che dấu những việc làm sai trái.”
Vì thế, ông Hải nói tiếp, “việc mở rộng truyền thông và soi chiếu vào những sự kiện xã hội khiến cho chính quyền cộng sản [Việt Nam] sợ nhất.”
Theo số liệu ông Tuấn cho biết, hiện Việt Nam có 845 cơ quan báo chí in với 1.118 ấn phẩm báo chí; 1 hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh, truyền hình; 98 cơ quan báo điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử; 420 mạng xã hội với gần 18.000 nhà báo.
Tuy với con số hàng ngàn trang thông tin như thế, Việt Nam vẫn xếp hạng 174 về tự do báo chí trên tổng số 180 quốc gia, trong phúc trình ‘Chỉ Số Tự Do Báo Chí 2014’ được tổ chức RSF (Phóng Viên Không Biên Giới) công bố hồi tháng 2/2014 vừa qua.
Với chủ trương ‘sẽ ngăn chặn toàn diện hơn thông tin xấu trên mạng’ trong năm 2015, không rõ ‘Chỉ Số Tự Do Báo Chí’ tại Việt Nam sẽ thăng hay xuống hạng trong những năm tiếp theo?
Đức Thiện VRNs tổng hợp
No comments:
Post a Comment