Monday, February 2, 2015

Đình công đòi lương tháng 13 tại Bình Dương

BÌNH DƯƠNG (LĐV) .- Hàng ngàn công nhân của một công ty ở Bình Dương đã đình công đòi lương tháng 13 mà theo truyền thống họ vẫn nhận được tháng trước tết hàng năm, nay không có.


 Công nhân công ty Sunny Wide ở Bình Dương đình công đòi lương tháng 13. (Hình: Lao Động Việt)

Theo bản tin của tổ chức Lao Động Việt, Công ty Sunny Wide,  là một công ty trách nhiệm hữu hạn,  được thành lập từ năm 2005. Công ty Sunny wide có cơ sở tại đường N8, KCN Mỹ Phước 1, Bến Cát, Bình Dương, chuyên sản xuất và gia công hàng may mặc với vốn đầu tư  100% cổ phần từ vốn nước ngoài.

Ngày thứ hai 26 tháng 1 vừa qua, gần 7000 công nhân đã đình công , nguyên nhân là vì thông thường thì công ty có lương tháng thứ 13 cho công nhân , nhưng năm nay, trong năm công ty không báo trước, đến gần cuối năm thì cho biết do làm ăn thua lỗ nên công ty phải cắt tiến bớt lương tháng thứ 13 của công nhân.

Với mức  lương chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng rất khó sống, công nhân vẫn kiên trì ở lại làm việc cùng công ty với hy vọng sẽ được hưởng trọn lương tháng thứ 13. Tuy nhiên nếu công ty chỉ trả 80% lương tháng thì công nhân sẽ không có đủ phương tiện để về quê ăn tết, do đó đình công là cách duy nhất để đòi quyền lợi chính đáng cho mình.  Sau 3 ngày đình công, đại diện công ty cho biết sẽ mời tổng giám đốc của công ty qua để tìm cách giải quyết cho công nhân.

Đến ngày thứ ba, công nhan vẫn tiếp tục đình công để phản đối công ty tìm cách qụit  lương tháng thứ 13 của công nhân. Tuy nhiên, chỉ có các công nhân lâu năm, thạo tay nghề, không sợ bị đuổi việc mới đình công, còn các công nhân mới vào thì không dám tham gia đình công, sợ bị đuổi việc, và cũng không dám tiếp xúc với truyền thông.

Qua đến ngày thứ tư thì cuộc đình công chấm dứt, ngày 29/1 công nhân đã đi làm lại. Lý do là sắp cận tết, các công nhân ở xa, sợ nếu đình công sẽ mất luôn tiền Tết nên đã chấp nhận đi làm trở lại dù hoàn toàn không hài lòng trước sự o ép của chủ công ty.

Mặc dù công ty nói do thua lỗ nên phải cắt tiền lương tết tháng 13, tuy nhiên công nhân cho biết họ ngày đi làm lại đầu tiên vẫn phải tăng ca đến 9 giờ tối. Do vẫn còn những mảng xám trong việc quy định tiền thưởng tết cho công nhân nên mỗi năm, cứ đến gần Tết là xảy ra đình công do công ty tìm đủ mọi cách để cắt bớt tiền thưởng tết hay lương tháng thứ 13 của công nhân.

Tổ chức Lao Động Việt cho biết, Theo điều 103 của bộ luật lao động năm 2012, tiền thưởng là “khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở“.

Như vậy,  theo điều 103 của bộ luật lao động năm 2012, tiền thưởng cuối năm tuỳ thuộc vào lợi nhuận của công ty và phải được công bố công khai.

Theo đó, nếu công ty thua lỗ thì không nhất thiết phải thưởng cho công nhân, trừ trường hợp có ghi trong hợp đồng. Tuy nhiên, rất nhiều công nhân bức xúc, họ cho rằng làm sao biết được mỗi năm công ty thu được bao nhiều lợi nhuận khi mà con số đó không bao giờ được công khai minh bạch.

Ngoài ra,  lương tháng thứ 13 là khoản tiền mà công ty  trích khấu từ lương hàng tháng của công nhân để làm quỹ dự phòng, bảo hiểm cho họ. Sau 1 năm, nếu người lao động đi làm bình thường thì doanh nghiệp phải trả đủ khoản tiền “tiết kiệm” lao động ấy cho họ, được gọi là  lương tháng 13.

Như thế, theo quy định của luật lao động, công nhân mặc nhiên được nhận 12 tháng lương làm việc và 1 tháng lương tiết kiệm đã trích lại. Dĩ nhiên, không phải công ty nào cũng bắt buộc áp dụng quy chế này. Nhưng nếu có ghi trong hợp đồng thì chủ phải áp dụng.

Trên thực tế, cuối năm, các công ty thường tìm cách để quỵt hoặc hạ thấp tiền hưởng Tết hay lương tháng thứ 13 của công nhân. Do đó khi ký hợp đồng, theo Lao Động Việt, công nhân cần đọc kỹ hợp đồng để hiểu rõ những quyền lợi của mình và công nhân cũng cần có một nghiệp đoàn độc lập để đại diện cho công nhân thương thuyết với chủ khi có tranh chấp. (LĐV)
02-01-2015 2:15:04 PM

No comments:

Post a Comment