Monday, February 2, 2015

Mứt, hạt dưa Tết, nỗi ám ảnh cuối năm

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
 RFA-2015-02-02
Tràn lan trên các chợ mứt tết được bán theo cân và không có nhãn mác bao bì ghi nguồn gốc xuất xứ

Tràn lan trên các chợ mứt tết được bán theo cân và không có nhãn mác bao bì ghi nguồn gốc xuất xứ- Vietq.vn

Hằng năm, lượng mứt và hạt dưa tiêu thụ vào dịp Tết có thể lên đến hàng trăm ngàn tấn. Trong đó, mứt và hạt dưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chiếm số lượng rất thấp, đa số mứt và hạt dưa trôi nổi trên thị trường Tết đều có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, có thể là mứt Trung Quốc, cũng có thể là mứt sản xuất tại các khu xóm tại Việt Nam với qui trình hết sức cẩu thả và nguyên liệu tệ mạt. Vì động cơ thu lợi nhuận, làm giàu trong dịp Tết mà đa phần những người sản xuất hàng Tết nói chúng và mứt, hạt dưa nói riêng tại Việt Nam đã không màng đến mạng sống hay sức khỏe đồng loại, sản xuất ồ ạt, dơ dáy và sử dụng chất hóa học quá mức cho phép nhiều lần để thu lợi.
Quản lý thị trường làm ngơ
Một người làm ngành quản lý thị trường tại thành phố Sài Gòn, yêu cầu không nêu tên, chia sẻ: “Cũng có giả có thật, chỗ họ làm hóa chất, chỗ không. Hàng nào đẹp, ngon, vừa mắt thì càng nhiều hóa chất, vậy nên mua hãy coi chừng. Những hàng hóa có nhãn mác, có nguồn gốc xuất xứ, chỉ tiêu chất lượng rõ ràng thì thì nên mua. Hàng trong siêu thị thì ước chừng cũng được trên 50% an toàn, mua hãy coi chừng chứ mua tràn lan thì không được đâu.”
Theo người này, chỉ riêng thành phố Sài Gòn và những thành phố lân cận như Biên Hòa – Đồng Nai hay Long An, Cần Thơ, mỗi dịp tết, lượng mứt và hạt dưa tiêu thụ ở các thành phố này có thể lên đến hàng ngàn tấn. Trong hàng ngàn tấn mứt và hạt dưa có mặt trên thị trường thành phố, con số mà nhà chức trách, cơ quan chức năng có thể thống kê, kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay, không quá năm mươi tấn. Thường thì số hàng hóa này xuất hiện ở các siêu thị lớn và những cửa hàng có tên tuổi. Số còn lại hoàn toàn không thể kiểm soát được.
Cũng theo ông này, lượng mứt và hạt dưa, hạt hướng dương, bánh kẹo xuất xứ Trung Quốc tuồn vào Sài Gòn cũng như các thành phố lân cận chiếm chừng 50% số lượng, lượng hàng hóa do các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất lén lút, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chiếm chừng 30 đến 35%, số còn lại được kiểm soát tương đối kĩ bởi các hãng sản xuất có uy tín tại Việt Nam. Nhưng đó chỉ là con số ước tính, trên thực tế, có thể số lượng sản xuất cẩu thả, không đảm bảo vệ sinh chiếm cao hơn nhiều.
Ngoài những món như mứt, hạt dưa sử dụng chất tẩy hóa học để làm trắng những các loại nguyên liệu đã quá hạng, hàng năm trước tồn kho để tái chế, các loại hàng Tết khác như chả, dăm bông, nem, lạp xưởng, khô bò đều có nguồn gốc không rõ ràng, hoặc là của Trung Quốc, hoặc là của các lò sản xuất không an toàn. Những thứ này bị ruồi nhặng bâu đầy trong quá trình phơi và sau đó được sấy bằng những cái lò hết sức mất vệ sinh, thay vì dùng dầu ăn để sấy, người ta bôi dầu nhớt hết hạn của xe máy để sấy. Làm như vậy, nhiệt lượng khi sấy sẽ cao hơn, mau khô hơn và ít tốn kém nguyên liệu, ít tốn thời gian sấy.
Hiện nay, các lò sản xuất hàng Tết trong thành phố đều có thể dễ dàng nhìn thấy vì quá trình phơi nguyên liệu của họ bày ra trước mắt thiên hạ, ruồi nhặng bâu đầy rẫy nhưng cơ quan quản lý thị trường không đụng đến họ bởi họ đã chung chi đầy đủ. Sự hiện diện của họ giống như một món hời ngày Tết cho cán bộ quản lý thị trường. Nếu đóng cửa các cơ sở sản xuất này, ban quản lý thị trường cũng như các cơ quan liên đới sẽ mất đi một khoản đút lót đáng kể trong dịp Tết. Chính vì vậy mà họ nhắm mắt làm ngơ, xem như không có gì. Miễn sao họ có tiền và tránh cho gia đình họ phải xài những thứ hàng đểu ấy là được.
Mùa Tết, mùa độc tố
Một người nội trợ tên Thủy, sống ở quận Gò Vấp, Sài Gòn, chia sẻ: “Khó mà nhận ra hàng giả, người ta bày bán đầy chợ, mình mua thì mình không biết được đâu là đồ giả đâu là đồ thật. Như thực phẩm an toàn có kiểm nghiệm ở lò sản xuất nào hay cơ quan nào, thương hiệu nào họ có nói cho mình đâu, vậy nên không biết được, cứ mua vậy!”.
Theo bà Thủy, hiện tại, cứ mỗi mùa Tết cũng đồng nghĩa với một mùa mà người ta đầu độc nhau và con người phải nạp thêm nhiều độc tố vào cơ thể. Nếu như Trung Quốc đầu độc người Việt bằng những thứ hàng hóa không dùng được ở xứ họ và thu về lợi nhuận đáng kể thì người Việt Nam với nhau, các lò sản xuất hàng đểu cũng đầu độc đồng bào của mình, và việc đầu độc đó mang lại cho họ mối lợi rất lớn, chính món tiền hời này đã khiến họ bất chấp mọi thứ, làm không cần suy nghĩ mặc dầu bản thân họ cũng biết sợ bệnh, cũng đau khổ khi có người thân bị ung thư hoặc bệnh nan y. Nhưng họ đã bất chấp.
Bà Thủy buồn bã đưa ra nhận xét là cái Tết ở Việt Nam, cụ thể là Tết ở các thành phố bây giờ không những vô vị, lạnh lùng mà còn là những cái Tết mang tính man rợ bởi con người đã đạp lên mạng sống của đồng loại để kiếm tiền. Ngay chính bản thân bà, cũng đã từng nếm phải món hàng Tết đểu mà không ai khác ngoài chính người em trai của bà sản xuất. Lâu nay bà vẫn dùng khô bò trong các bữa tiệc nhẹ của gia đình ba ngày Tết, bà vẫn biết rằng khô bò không chính hãng rất nguy hiểm và phải mua hàng có nhãn mác cẩn thận mới an toàn.
Và bà cũng thừa biết nơi người em trai bà đang sống ở khu Vườn Lài, đường Vườn Lài, giáp giới giữa Gò Vấp và Tân Bình là một cái ổ sản xuất khô bò đểu. Em, trai bà cũng không ngoại lệ, mỗi khi người em của bà phơi thịt ngựa, thịt trâu, thịt heo và thịt bò quá hạn để sau này giả thành khô bò, ruồi xanh, kiến, các loại xúm vào bâu đầy trên miếng thịt nhìn đến phát tởm. Nhưng bà tin là hàng hóa mình mua có nhãn mác sản xuất nên không đến nỗi nào.
Cho đến một ngày, bà so sánh nhãn mác trên túi khô bò đang dùng với nhãn mác giả của người em trai, giống nhau y hệt, bà cầm nhãn mác của túi khô bò mình đang dùng, hỏi người em trai có phải là nhãn mác của anh ta hay không, anh ta xác nhận. Bà tá hỏa vì lâu nay mình dùng hàng độc hại của chính anh em ruột thịt trong nhà. Nhưng khi bà khuyên người em coi lại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và nói rằng lâu nay bà vô tình sử dụng hàng của ông ta thì bà nhận được sựi giận dữ, quát tháo, nói rằng bà là chị em trong nhà, không những không bảo vệ em út kiếm chút cháo mà còn vạch áo cho người xem lưng. Đến nước này thì bà Thủy chỉ còn biết lặng thinh gạt nước mắt.
Tết đến, có bao nhiêu người dành dụm tiền để đón Tết và có bao nhiều người dùng số tiền ki cóp cả năm để mua thêm những thứ độc hại, đểu giả do người Trung Quốc và do chính nguồi đồng bào, đồng tộc của mình làm ra? Điều này do đâu mà có? Những câu hỏi tưởng chừng vô nghĩa lại làm nhức nhối cả một năm, một đời, một thế hệ và nhiều thế hệ mai sau.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment