Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam2015-02-09
Phiên chợ vội vã trên đường về của công nhân- Infonet
Tết về, với mọi người, dù giàu hay nghèo, dường như ai cũng mang một cảm xúc nào đó về giao mùa, và đâu đó nơi sâu thẳm tâm hồn, cảm thức về thời gian, về những tháng ngày đã trôi qua làm cho người ta muốn quay về nguồn cội, muốn thăm bà con, xóm giềng, muốn viếng mộ tổ tiên và muốn du ngoạn trên con đường cũ, nơi tuổi thơ đã gắn những bước chân nhỏ bé đầu đời. Với người công nhân cũng vậy, cuộc sống bôn tẩu, xa quê, cuống cuồng nơi xí nghiệp, nhà máy, đôi khi quên cả tuổi trẻ. Với họ, giây phút thiêng liêng và ấm áp trong năm có lẽ là giây phút giao thừa, đón một năm mới cùng gia đình.
Thế nhưng Tết Ất Mùi sắp tới, những công nhân xa nhà ở Bình Dương vẫn phải sống một đời sống rất buồn bởi tiền lương èo ọp.
Tháng Chạp buồn
Quang, một công nhân quê Bình Định, đang làm việc tại khu công nghiệp Sóng Thần 2, Bình Dương, chia sẻ: “Ráng thêm năm ở trong này ra Tết rồi về chứ giờ… Việc thưởng Tết thì đa số các công ty thưởng tháng 13. Có chứ, nhưng ít hoặc nhiều thôi, như có nơi thì tính ra đôi khi chỉ mấy trăm ngàn rồi cộng vô gọi là thưởng. Công nhân thì vậy thôi chứ đâu đòi gì nữa!”
Theo anh Quang, năm nay công ty của anh không có chế độ thưởng Tết tốt như mọi năm vì làm ăn thua lỗ, tình hình lương bổng tháng 13 cũng có vẻ như chưa thấy gì. Vợ của anh vừa nhận quà Tết và mới vừa trả lại gói bột nêm bởi đó là hàng giả. Tiền thưởng Tết bên công ty của vợ anh cũng chẳng có gì đáng nói. Nhìn chung, người được thưởng cao nhất chừng hai triệu đồng, thấp nhất chừng 300 ngàn đồng. Với công nhân xa quê, tiền thưởng là tiền duy nhất có thể mua vé xe thoải mái để về quê ăn Tết nhưng với đà này, anh chị phải ở lại ăn Tết ở Bình Dương.
Với một công nhân xa nhà như anh, việc ở lại ăn Tết ở nhà trọ có thể nói là không còn nỗi buồn nào lớn hơn. Bởi trong thời gian Tết, khu vực cho thuê trọ vắng hoe, đa phần công nhân về nhà sum vầy với gia đình, chỉ có những người quá khó khăn mới ở lại. Việc ở lại cũng hết sức khó khăn vì tiền trọ, vì an ninh, vì mọi thứ vật giá đều leo thang, nếu về nhà thì người công nhân sẽ đỡ một số thứ chi phí cho ba ngày Tết so với việc ở trọ.
Nhưng với điều kiện của gia đình anh Quang, hai đứa con nhỏ, vẫn còn thuê nhà trọ và đứa đầu đang học lớp một, nếu về quê, tốn tiền mua vé xe, lì xì cho trẻ con và mừng tuổi cho người lớn, đến ra Giêng sẽ rất khó khăn cho gia đình anh. Chính vì vậy mà anh phải lựa chọn ở lại Bình Dương ăn Tết mặc dù đối với anh, ăn Tết xa nhà là cả một khối buồn cao như núi đang chất trước mặt.
Anh Quang cho biết thêm là trong khu vực nhà trọ anh sống, năm nào cũng có người ở lại ăn Tết, đa phần quê gốc Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Huế, Quảng Trị và Thanh Hóa. Những người này hoặc là hai năm về quê một lần hoặc có người cả vài năm vẫn chưa về quê lần nào.
Sở dĩ người lao động lựa chọn ở lại thành phố để ăn Tết, theo anh Quang, cũng có một phần không nhỏ của việc mua vé xe quá khó, mua vé tàu càng vô cùng tốn kém khiến cho công nhân chấp nhận ở lại thành phố ăn Tết buồn, chịu cảnh xa gia đình, bạn bè. Và chẳng ai muốn như thế, điều anh Quang mong mỏi nhất vẫn là mức lương công nhân được tăng cao một chút để anh và những người bạn lao động đỡ vất vả, có cơ may về nhà trong dịp Tết.
Tháng Giêng lo âu
Chị Ngân, quê ở Lao Bảo, Quảng Trị, hiện đang làm công nhân công ty giày da trong khu công nghiệp Việt Nam – Singapore ở Bình Dương, chia sẻ: “Giờ đi công ty nào cũng vậy hết, công ty chị đang làm cũng vậy, chị đang ký hợp đồng một năm, năm sau đến ngày tái ký hợp đồng nếu thấy được thì họ ký hợp đồng một năm lại cho mình. Thì ký hợp đồng một năm, tái ký hợp đồng cũng một năm. Thưởng Tết thì thấy họ gói quà rồi đó, nhưng giờ chưa thấy gì cả. Chắc tuần sau họ mới phát. Được chai nước mắm, chai dầu, gói bột ngọt, chắc trị giá cũng được một trăm mấy ngàn, hai trăm ngàn gì đó.”
Chị Ngân chia sẻ thêm, sở dĩ người lao động nghèo ít về quê ăn Tết mặc dù rất nhớ nhà là vì nhiều nguyên nhân. Trong đó có cả nguyên nhân tình cảm cũng như nguyên nhân xã hội và chế độ đãi ngộ người lao động.
Về mặt tình cảm, không riêng gì chị Ngân mà bất cứ người lao động nghèo nào bôn tẩu tha phương cầu thực đều rất nhớ nhà, đều muốn về nhà trong những ngày cuối năm để đầu năm lại đi thăm xóm làng, thăm bà con, họ hàng và được ăn bữa cơm đoàn tụ năm mới cùng cha mẹ, anh chị em. Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng khác đi, góc quê nghèo cũng ngày càng thay đổi tâm tính, con người trở nên coi trọng vật chất và đánh giá bề ngoài. Chính vì điều này, việc dành dụm tiền để về quê đôi khi lại mang đến nỗi buồn dai dẳng cho năm sau.
Đa phần những người lao động xa quê đều có điều kiện kinh tế nghèo khó, ít học hành, thậm chí có người cố gắng học bổ túc cho xong bằng tốt nghiệp cấp ba để mà xin việc. Chính vì khó khăn, ít học nên người ta dễ mặc cảm và tủi thân khi người thân nhìn họ như một người không may mắn, thất bại.
Nhưng vấn đề chính vẫn là chuyện phòng trọ và công ty. Hầu hết các công ty ở các khu công nghiệp Bình Dương đều ký hợp đồng với công nhân đúng một năm, sau một năm, lại ký hợp đồng lao động khác và các nhà trọ cũng ký hợp đồng theo tháng. Chính vì ký hợp đồng ngắn hạn nên các công ty lợi được khoản tiền bảo hiểm xã hội tính theo thâm niên làm việc. Về phía nhà trọ, vì ký hợp đồng theo tháng nên khi về quê ăn Tết, ngoài khoản tiền tháng phải trả để giữ phòng cho năm sau, người lao đồng còn trả thêm khoản tiền giữ đồ để tránh trường hợp mất cắp khi vắng mặt.
Và cái khó của người lao động là sau Tết, trở vào thành phố, họ lại bươn bả tìm việc mới hoặc ký lại hợp đồng với công ty cũ như lúc mới chân ướt chân ráo vào thành phố. Và lúc này, mọi thứ quyền lợi, thưởng Tết lại trở về số không, lại bắt đầu từ đầu. Chính vì kiểu ký hợp đồng theo năm của các công ty mà đa phần công nhân không được thưởng Tết cao, thậm chí có người nhận thưởng Tết chỉ đủ để rủ bạn đi uống cà phê. Chuyện về quê ăn Tết là một chuyện xa vời.
Tết Ất Mùi lại đến. Những người lao động xa quê lại một lần nữa đối diện với cái Tết nghèo, thiếu thốn mọi bề, nỗi buồn của một người nghèo lại gặm nhấm họ cho đến hết mùa Xuân.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment