Theo nguoiduatin.vn-11.02.2015 | 07:10 AM
Dưới nền phòng giết mổ bốc mùi tanh thối bởi tiết và lông gà, các “phu gà” để các sản phẩm nằm la liệt. Việc hứng tiết gà được sử dụng bằng một chiếc chậu duy nhất (dùng cho tất cả các con gà) mà không hề có vật dụng khác thay thế.
Nằm sát cạnh chân cầu Thăng Long, chợ đầu mối Hải Bối (xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội) từ lâu được xem như một trong những chợ đầu mối lớn, cung cấp gia cầm cho cả thành phố Hà Nội.
Hổ lốn chợ cung cấp gia cầm hoạt động về đêm
Chợ đầu mối Hải Bối được chia làm hai khu vực riêng biệt, phân cách rõ ràng bằng bức tường ngăn. Một bên chuyên bán thịt gia súc, còn bên kia chuyên bán gia cầm. Chợ rục rịch hoạt động từ 0h sáng và bắt đầu rầm rộ vào lúc 2h.
1h sáng, có mặt tại chợ đầu mối Hải Bối, nhóm PV báo điện tử Người đưa tin ghi nhận được không khí tấp nập, chen lấn, kẻ bán người mua tại khu chợ đầu mối quy mô bậc nhất Hà Nội này. Các tiểu thương chở hàng từ khắp mọi nơi, ùn ùn xe lớn, xe nhỏ đổ về chợ với mặt hàng chủ yếu là gà, vịt ngan…
Một tiểu thương đang xem hàng.
Thông thường, gia cầm được chở đến bằng ô tô, sau đó, các tiểu thương sẽ lấy hàng và phân phối đi khắp nơi trong nội đô bằng xe máy.
Trong khuôn viên rộng gần 200.000 mét vuông tại khu vực chuyên bán gia cầm, nhìn đâu cũng thấy gà, vịt nằm kín trên mặt đất, kêu inh ỏi cả chợ. Người mua kẻ bán, vận chuyển tấp nập, các xe nối đuôi nhau trên con đường dẫn lên cầu Thăng Long vào trung tâm thành phố.
Trong vai một đôi vợ chồng cần nguồn gà đưa về nội thành Hà Nội bán, nhóm PV báo Người đưa tin ghé vào một hàng gà ở cuối chợ. Lúc này, có khá nhiều người đang vây quanh những sọt hàng để mặc cả. Theo quan sát của PV, giá cả ở đây rất lũng loạn. Tuy người chủ luôn miệng quảng cáo hàng chất lượng cao và đồng giá nhưng mức giá bán cũng không cố định cụ thể.
Càng về cuối buổi, giá càng được hạ xuống, chất lượng hàng vì thế cũng giảm theo. Thậm chí, chủ hàng sẵn sàng bán gà với giá rẻ một cách bất ngờ (từ 60 đến 80 nghìn đồng/kg hơi đối với loại gà ta).
Lân la dò hỏi các thương lái, chúng tôi được biết, số gia cầm tại đâu chủ yếu được nhập về từ các trang trại xung quanh Hà Nội, đôi khi là từ Trung Quốc chuyển sang. Các chủ hàng nhập gia cầm qua những mối lớn và chuyển về đây để bán.
Công nghệ nhồi chất lạ vào gà cho tăng trọng lượng
Lang thang quanh khu vực vực chợ, nhóm PV báo Người đưa tin phát hiện rất nhiều vỏ chai, lọ vứt ngổn ngang trên mặt đất, chủ yếu là những chai Coca-Cola to (loại 1,5l). Qua quan sát, được biết đây là những công cụ để các tiểu thương dùng “nhồi” gà, vịt để tăng trọng lượng.
Thông thường, những lái buôn nhỏ rất chăm chỉ với công việc “gian xảo” này. Dưới ánh đèn mờ của khu chợ chuyên hoạt động về đêm, hàng chục tiểu thương lén lút, thậm thụt, ngồi sát vào nhau để "nhồi" cho gia cầm tăng cân bằng đủ thứ.
Thương lái dùng chất lạ nhồi vào diều gà làm tăng trọng lượng.
Ẩn mình trong một góc tường, một tiểu thương nọ cầm chai Coca-Cola bên trong chứa đầy tạp chất cố gắng nhồi nhét và0 cổ họng những con gà, con vịt. Thỉnh thoảng anh ta lại ngước lên quan sát mọi người xung quanh rồi vội vàng cúi xuống với gương mặt lấm lét. Qua quan sát của chúng tôi, trung bình mỗi lái buôn nhỏ có từ 3 tới 5 chai nhựa như vậy để “hành nghề”.
Tiếp tục quan sát, nhóm PV báo Người đưa tin lại phát hiện thêm đủ những mánh khóe của các tiểu thương để nhồi gà. Không chỉ dùng những chai nhựa, các lái buôn còn sử dụng bánh đúc, cám tăng trọng trộn với nước và bơm trực tiếp vào diều của gà, vịt thông qua một ống nhựa mềm, to bằng ngón tay. Điều này giải thích vì sao, khi mua một con gà ngoài chợ về làm thịt, chúng ta lại phát hiện rất nhiều tạp chất hổ lốn trong diều gà.
Khi bơm được một lượng nhất định, các lái buôn sẽ ngừng lại để tránh trường hợp gà no quá mà chết.
Quy trình giết mổ gà, vịt “siêu bẩn”
Bên cạnh khu bán gia cầm rộng lớn đang hoạt động rất sôi nổi, là khu giết mổ có vẻ trầm lặng hơn. Hai khu này có khung giờ hoạt động khác nhau. Chợ gia cầm hoạt động sôi nổi từ khoảng 2h đến 5h sáng. Khi chợ vãn, các lò giết mổ bắt đầu hoạt động với số lượng người làm việc rất đông. Các lò mổ trong chợ hoạt động chủ yếu từ khoảng 3h đến 6h sáng.
Phía sân sau của các phòng giết mổ.
Theo quan sát của PV báo Người đưa tin, khu giết mổ ở chợ Hải Bối có diện tích khá rộng được chia thành nhiều phòng nhỏ. Mỗi phòng được đặt một nồi nước nóng ở phía sau. Trung bình mỗi một phòng có khoảng 7 đến 10 người (có cả nam lẫn nữ) làm việc liên tục, mỗi người lại có những công việc khác nhau.
Nền phòng giết mổ bốc mùi tanh thối bởi tiết và lông gà.
Đàn ông sẽ được phân công phụ trách việc giết gà, vịt và nhúng chúng vào nước sôi. Việc vặt lông sẽ do phụ nữ đảm nhiệm. Những người làm công việc giết mổ tại đây được đặt một cái tên trìu mến là các “phu gà”.
Trong vai những người tới xin làm “phu gà”, nhóm PV báo Người đưa tin đã đột nhập vào bên trong khu vực giết mổ, tại đây chúng tôi phát hiện những cảnh tượng kinh hoàng bên trong mỗi căn phòng “hành quyết” đủ các loại gia cầm.
Phía bên trong mỗi phòng giết mổ là nơi “hành quyết” gà, vịt. Trong một diện tích chật hẹp (mỗi phòng giết mổ có diện tích khoảng 20 mét vuông, trong đó phía sân sau chỉ rộng chừng 5 mét vuông) người ta đặt một nồi nước nóng to dùng để nhúng gà (tất cả những con gà đều được nhúng trong đó), phía sau là các móc dùng treo gà và cắt tiết.
Tiết gà được hứng vào một chiếc chậu sau đó san ra từng bát nhỏ.
Dưới nền phòng giết mổ bốc mùi tanh thối bởi tiết và lông gà, các “phu gà” để các sản phẩm nằm la liệt trong đó. Việc hứng tiết gà được sử dụng bằng một chiếc chậu duy nhất (dùng cho tất cả các con gà) mà không hề có vật dụng khác thay thế.
Sau khi luộc tiết gà, người ta sẽ nhúng chúng vào thùng nước lạnh để làm nguội.
Các phu gà tận dụng nước ngâm tiết gà để rửa nồi.
Sau khi lần lượt cắt và hứng nhiều tiết, các “phu gà” sẽ san tiết ra các bát nhỏ. Nếu là tiết gà thì sẽ được luộc lên (luộc ngay trong nồi nước được dùng để vặt lông gà), còn tiết vịt thì có thể được dùng làm tiết canh… Thật khó tưởng tượng những bát tiết canh thơm ngon ngoài quán lại được làm trong một không gian chật chội và bẩn thỉu như vậy.
Để giảm thiểu thời gian, tiết gà sau khi luộc sẽ được làm nguội bằng cách nhúng xuống thùng nước lạnh, thứ nước mà trước đó đã dùng để tráng nồi.
Quá trình vặt lông gà cũng diễn ra rất nhanh, khi vừa được trần qua nồi nước sôi, những chú gà, vịt sẽ bị vất lăn lóc dưới sàn để tiến hành vặt lông và mổ.
Trung bình, mỗi chú gà chỉ mất khoảng 5 đến 6 phút để qua tất cả các khâu giết mổ và giá thành “làm thịt” một chú gà chỉ khoảng 5.000 đồng.
Chợ đầu mối Hải Bối kết thúc công việc vào khoảng 6h30 sáng, khi các tiểu thương chở những tốp xe nối đuôi nhau mang theo gia cầm đổ vào nội thành. Những "phu gà” tất tưởi ra về, cánh lái buôn dọn dẹp “bãi chiến trường” trở về nhà nghỉ ngơi. Không còn dấu tích của một buổi làm việc với những khung cảnh xô bồ, vội vã.
Chỉ vài tiếng nữa, những con gà, con vịt “tươi ngon” sẽ được các tiểu thương chào giá cho người tiêu dùng, chẳng ai biết rằng chúng đã trải qua chặng đường dài thế nào để tới với mâm cơm của họ.
Xuân Tùng – Mộc Miên
No comments:
Post a Comment