Wednesday, February 18, 2015

Tết Ất Mùi ở Việt Nam, điều gì được quan tâm nhất?

VIỆT NAM (NV) - Hoa, giao thông, giá cả thị trường là những chuyện của Tết được truyền thông tại Việt Nam loan tải nhiều nhất.

Dân Hà Nội  sắm Tết. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

* Chuyện hoa trái

Năm nay Tết đến muộn và trước đó thời tiết ấm áp nên một số các nhà trồng hoa gặp khó khăn vì một số hoa có thể nở quá sớm nếu không thực hiện đúng cách hiệu quả để hãm lại.

Mùng 1 Tết Nguyên Đán Ất Mùi nhằm ngày 19 tháng 2 dương lịch, thuộc trường hợp chậm nhất các năm, do năm Giáp Ngọ có một tháng nhuận.  Lịch Trung Hoa và Việt Nam là loại phối hợp âm/dương lịch, tính tháng theo tuần Trăng, nhưng điều chỉnh theo chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời cho hợp với các mùa.  Ngày Tết Nguyên Đán bao giờ cũng trong khoảng thời gian từ 21 tháng 1 đến tháng 19 tháng 2 dương lịch. Năm nay, ngày Tết đến muộn, sau tiết Lập Xuân nửa tháng và  bắt đầu đi vào tiết Vũ Thủy.

Ở Việt Nam, quanh năm trong nhà có thể không cắm hoa, nhưng ngày Tết mọi nhà đều phải có ít nhất một loại hoa nào đó.  Đào và mai là hai thứ hoa tiêu biểu hơn hết và tất nhiên cũng đắt tiền hơn hết. Truyền thống của Hà Nội là cành đào nhưng bây giờ những người có tiền còn chuộng thêm hoa mai, và ngược lại Sài Gòn cũng như thế. Bây giờ, phương tiện giao thông vận chuyển đầy đủ và nhanh chóng có thể phục vụ cho ý muốn mọi người.

VN Express cho biết dân Việt Nam cũng đang ưa chuộng hoa mai Mỹ, có thể không đẹp như mai Việt Nam nhưng là lạ và đắt tiền. Công ty “Hoa 38 độ” cho biết mai 1,000 cành Mỹ, 2,000 chậu địa lan và 2,000 cành lan hồ điệp nhập cảng đã được khách đặt mua từ đầu tháng và có thể phải nhập thêm. Một cành mai Mỹ nhập từ Hòa Lan về giá 200,000 đồng, một bình khoảng 50 cành có trang trí giá 10 triệu (gần 500 dollars). Số khách mua hoa mai nhập cảng ở Hà Nội và Hải Phòng cũng tăng gấp 3 lần năm ngoái và người ta thích vì hoa tươi lâu, không rụng cánh khi tàn.

Những chậu mai và đào đắt tiền thường được thuê chứ không phải mua, dịch vụ này thuận lợi vì nhà trồng hoa giao hàng tận nhà hay văn phòng công ty, sau Tết lấy về tiếp tục săn sóc để có hoa trong năm sau và nhờ thế có được các gốc cây già, uốn nắn đẹp.

Theo Thanh Niên Online, chưa đầy 2 ngày mang xuống Hà Nội, cành đào rừng Sa Pa của anh Nguyễn Thanh Tài, ở thị trấn Sa Pa (Lào Cai) đã được một khách hàng trả 6,5 triệu đồng tại chợ hoa trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội. VNMedia nói rằng thị trường đào, quất ... loạn giá, điều này dễ hiểu vì không có tiêu chuẩn chính xác để định giá hoa cảnh và vấn đề là thuận mua vừa bán.

Cây cành đào tràn ngập trên nhiều tuyến đường phố Hà Nội, theo lời phóng viên VNMedia bên cạnh những cành đào vừa phải, giá từ 200,000 đến vài triệu đồng để phục vụ các tầng lớp khách bình dân cũng như cao cấp, còn có khá nhiều gốc đào có giá từ 10 đến 40 triệu đồng hầu hết được cho thuê. Giá tiền thuê trong vòng một tháng trung bình rẻ hớn giá bán khoảng 5 triệu đồng. Những chủ bán đào nói là  năm nay sức tiêu thụ không được thuận lợi như những năm trước, có lẽ do kinh tế khó khăn. Tuy nhiên một số quan sát viên tin rằng đây là vấn đề cơ chế cung cầu trên thị trường, như các loại hàng hóa khác nói chung, số lượng tập trung để đưa ra bán vào dịp Tết quá cao so với sức mua.

Mặc dầu thời tiết năm nay không thuận lợi lắm, lượng hoa cung cấp ra thị trường vẩn dồi dào. Hà Nôi, Sài Gòn và các thành phố đều có rất nhiều khu chợ hoa. Tuổi Trẻ Online loan tin sáng 17 tháng 2, (29 Tết) giao thông trên đường Lý Thái Tổ qua khu vực chợ hoa Hồ Thị Ký, quận 10 Sài Gòn, chật cứng dân Sài Gòn đổ đến mua. Nhưng tại một vài nơi khác như chợ hoa Trần Quang Khải, thành phố Rạch Giá, theo lời một nhà vườn, ông Trần Văn Nhơn, năm nay sức mua và giá bán hoa mai đều giảm 30% so với năm ngoái.

Từ hai thập niên gần đây, các loại hoa lan phát triển mạnh trên khắp thế giới và cũng chiếm một thị phần quan trọng trong các chợ hoa Tết Việt Nam. Hoa lay-ơn (gladiolus) trước kia hầu hết chỉ được trồng tại Đà Lạt, sau này bành trướng thành công đến nhiều nơi khác, chẳng hạn làng hoa Nghĩa Hòa, Quảng Ngãi, có hơn 100 hộ trồng hoa các loại trong đó lay-ơn là chính vì được thông dụng trong ngày Tết.

Thành phố Sài Gòn đón Tết với Đường Hoa Nguyễn Huệ, Chợ Hoa Xuân ở công viên 23/9 (ga xe lửa cũ), Hội Hoa Xuân ở công viên Tao Đàn và đường hoa Phú Mỹ Hưng. Từ thời Việt Nam Cộng Hòa, đường Nguyễn Huệ đã là chợ hoa truyền thống vào mỗi dịp Tết. Nhưng từ 2004, chợ hoa này được chính thức đưa vào công viên 23/9 và đường Nguyễn Huệ dùng làm nơi tổ chức lễ hội hoa gợi ý theo kiểu lễ hội đường phố ở nhiều đô thị trên thế giới. Đường hoa Nguyễn Huệ không còn mua bán mà thành một nơi triển lãm trưng bày hoa với những dàn dựng nghệ thuật có chủ đề, cho mọi người đi bộ thưởng lãm.

Đại lộ Nguyễn Huệ đang được chỉnh trang cho tuyến đường metro Bến Thành – Suối Tiên  và Đường Hoa Tết Ất Mùi từ ngày 28 tháng Chạp đến mùng 4 Tết, vẫn mang tên đường hoa Nguyễn Huệ, nhưng được tạm tổ chức trên đại lộ Hàm Nghi, chiều dài hơn ½ cây số từ bùng binh chợ Bến Thành tới bến Bạch Đằng. Lần đầu tiên dịch vụ wifi công cộng miễn phí được SPT (công ty cổ phần Dịch Vụ Bưu Chính Viễn Thông Sài Gòn) cho triển khai lắp đặt tại các khu lễ hội hoa Sài Gòn.

* Chuyện tàu xe và giao thông

Mùa Tết Nguyên Đán là thời gian dân chúng đi lại gấp nhiều lần ngày thường. Giống như các quốc gia đang phát triển khác, dân chúng từ các vùng nông thôn đổ về thành phố làm việc và đến thời gian cuối năm Âm Lịch,  họ có nhu cầu trở về quê ăn Tết và tình trạng đông đúc chờ đợi mua vé xe đò, xe lửa, máy bay năm nào cũng xảy ra. Nhà chức trách đã nỗ lực can thiệp bằng nhiều cách, tuy nhiên vẫn không thể tránh hết mọi chuyện khó khăn cho dân chúng vì luôn luôn có những vi phạm do sự nôn nóng hối hả của mọi người và lợi dụng trục lợi của một số cá nhân.

Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho biết ngày 29 Tết đã tiếp nhận trên 160 phản ánh của hành khách, giảm hơn so với những ngày trước, hầu hết về tình trạng xe chở qua số người quy định, nhồi nhét hành khách, tăng giá vé trên một số tuyến đường ngắn. Theo ủy ban tình trạng các xe chạy quá tốc độ trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc vẫn diễn ra. Vi phạm nhiều nhất là tuyến đường Sài Gòn – Long Thành - Dầu Giây,  đường cao tốc tân tiến nhất Việt Nam mới khánh thành tuần trước. Tại miền Trung tình trạng xe dù, nghĩa là xe chạy không theo thời biểu sắp xếp, vẫn là thường xuyên ở miền Trung đặc biệt tại Thừa Thiên – Huế gây mất trật tự an toàn giao thông.

Trong ngày 29 Tết trên toàn quốc có 56 vụ tai nạn giao thông làm 33 người thiệt mạng và 48 người bị thương,  tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Cảnh sát giao thông xử phạt 4,800 trường hợp, thâu 1.3 tỷ đồng (khoảng 60,000 dollars), tạm giữ 37 xe hơi và hơn 1,000 xe máy hai bánh. Tuy nhiên không có tai nạn đặc biệt nghiêm trọng nào liên quan đế xe khách.

Những ngày gần Tết, giao thông trong thành phố Hà Nội, Sài Gòn tắc nghẽn trầm trọng, xe hơi, xe máy kẹt hàng giờ và nhiều người phải tìm cách dắt xe đi bộ chen chú trên lề đường. Đến này 29 Tết, các tuyến cửa ngõ ở các thành phố lớn đã được khai thông, số người và phương tiện giao thông giảm đáng kể, đường phố trở nên thông thoáng hơn ngày thường do đã nhiều người rời khỏi thành phố.

Tối 28 Tết đoàn xe lửa SE-13 Hà Nội – Sài Gòn trật bánh toa số 8 ở địa phận tỉnh Quảng Bình. Nhiều hành khách bỏ tàu xuống tìm xe đi tiếp, những hành khách đi xa phải chờ đợi tới khi tháo bỏ toa trật đường rầy tàu mới chạy được. Công tác sửa chữa hoàn toàn đoạn đường hư hại phải mất vài ngày và các tàu đi ngang đây phải giảm tốc độ.

Lượng hành khách hàng không đi lại trong các ngày từ 14 đến 16 tháng 2 đạt mức cao kỷ lục. Theo Tuổi Trẻ Online, ngày 14 tháng 2 có 1,927 chuyến bay trong đó có 1.022 chuyến bay quá cảnh, 905 chuyến bay đi và đến.  Tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhứt kiểm soát viên không lưu đã điều hành tổng cộng 615 chuyến bay trong 24 giờ.

* Thực phẩm và pháo bông

Trên thị trường, ngày 29 Tết giá thực phẩm – các loại thịt và rau xanh vẫn như thời gian trước không biến động. Theo VNExpress, tình trạng này do người dân thận trọng chi tiêu và thời tiết năm nay thuận lợi cũng như không có nhu cầu tích trữ thực phẩm.

Tại Hà Nội, một số chợ như Nghĩa Tân, Thành Công, Ngã Tư Sở, Kim Giang...,  thịt gà, thịt lợn và thịt bò vẫn giữ giá, giá rau xanh thậm chí rẻ hơn ngày thường.

Chị Tâm - một tiểu thương bán gà tại chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) cho biết vào thời điểm này các năm trước hàng nhà chị bán rất chạy, năm ngoái bán hết khoảng 20 con trong một buổi sáng. Tuy nhiên, sang năm nay dù giá thịt gà chưa làm lông vẫn ở mức 100,000 – 150,000 đồng một kg tùy loại,  nhưng sức tiêu thụ  chậm. "Buôn bán năm nay khó khăn hơn năm ngoái vì nhu cầu không cao, nhiều nhà mang gà từ quê lên, họ chỉ mang gà ra nhờ mình làm hộ", chị than thở.

Tại Thanh Hóa, các tiểu thương cũng nhận định năm nay sức mua vừa phải nên gần như giá cả không tăng nhiều.  Ở Sài Gòn, trưa 29 Tết, các chợ hoa cũng đua nhau giảm giá. Ngược lại, hoa quả cúng Tết tại các chợ truyền thống vẫn chưa hạ nhiệt và tiếp tục xu hướng tăng nhẹ so với cách đây vài ngày. Riêng hoa đào đến 12 giờ trưa 29 Tết đã được các thương lái miền Bắc hạ giá mạnh,  60-70% so với giá rao bán tuần trước.. "Còn bán nốt hôm nay, đến 12h trưa mai phải dọn vệ sinh rồi, nên chúng tôi đại hạ giá", một người buôn đào nói. Khu vực bán mai của nông dân cũng hạ giá 20-25%.

Từ nhiều năm, Việt Nam đã cấm đốt pháo và dân chúng ở khắp nơi chỉ được vui với pháo bông.Tại Hà Nôi có 30 điểm bắn pháo bông trong đệm Giao Thừa. Điềm chính là bãi giữa sông Hồng cách cầu Nhật Tân 300-500 mét. Cầu Nhật Tân phía Bắc thành phố, là cây cầu mới nhất trong số 6 cây cầu bắc ngang sông Hồng ở Hà Nội, giữa hai cầu Long Biên và cầu Thăng Long, Lần đầu tiên dân chúng có thể đi bộ, đứng trên cầu xem pháo bông ở đây. (HC)

02-172015 5:36:17 PM
HÀ TƯỜNG CÁT / Người Việt (Tổng Hợp)

No comments:

Post a Comment