Wednesday, February 18, 2015

Sài Gòn, chiều 30 Tết và Giao Thừa

 SÀI GÒN (NV) - Trưa 30 Tết tại chợ hoa Bến Bình Đông vẫn tấp nập người qua kẻ lại. Nhưng người “chơi hoa” dường như vẫn chưa thực sự xuất hiện. Mặc dù năm nay mai nở rất đều, bất chấp trời lạnh và năm nhuần.


Mai nở hoa vàng rực rỡ Bến Bình Đông trưa 30 Tết nhưng không có khách mua. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Mai nở vàng rực rỡ cả Bến Bình Đông... Nhưng giữa đám đông qua lại ồn ào, trong cái nắng “quái”gắt gao của một buổi trưa 30, cất lên một tiếng rao, chói lỏi: “Mua dzô! Mua dzô ! Một trăm ngàn một cây mai đâââyyy...!!!”

Không thấy ai hưởng ứng, người đàn ông có nước da đen nhẻm, tự cất tiếng cười một mình, rồi than: “Cây bây lớn, bán có một trăm ngàn mà chẳng có ma nào thèm mua!”

Gặp một cô gái ôm một chậu tắc nhỏ rất đẹp. Chúng tôi hỏi thăm. Cô gái cho biết mua có... 40 ngàn đồng. Hết hồn! Thời điểm rớt giá của chợ hoa Bến Bình Đông đã điểm.

Một giờ chiều tại chợ hoa đầu mối (bán quanh năm) có tên là Hồ Thị Kỷ, thuộc quận 10. Đó là một con đường nhỏ, một đầu ăn thông với Lý Thái Tổ, gần bùng binh ngã 7, đầu kia ăn thông ra đường Hùng Vương.

Đủ thứ tiếng rao “đại hạ giá” được xướng lên cùng lúc: “Bông cúc 10 ngàn đồng đây! Lây-ơn Đà Lạt 30 ngàn! Lily Đà Lạt 50 ngàn đồng đây!”

Trên đường Lý Thường Kiệt (Nguyễn Văn Thoại cũ), bắt gặp hình ảnh một chiếc xe cẩu đang cẩu những chậu mai cổ thụ lên xe tải. Chúng tôi biết thời điểm của hoa trái lui về “bến xưa” -nơi chốn vườn nhà đã điểm.

Gặp ông chủ của những gốc mai đại thụ đang đứng gần xe tải chờ chở mai về. Chúng tôi hỏi thăm, thì chỉ nhận được một cái lắc đầu, ngao ngán: “Năm nay bán ế lắm!”

Hỏi thăm tiếp, xe chở mai này về tới đâu lận? Ông chủ mai chỉ trả lời bâng quơ: “Xa lắm!”

Trên đường Thành Thái, mai và tắc (loại tốt) cũng đang lần lượt được khiêng lên xe tải để “hồi cố hương.”

Duy chỉ có mấy gian hàng bán cây trái kiểng coi bộ “kẹt cứng.” Đã là 14 giờ chiều của ngày 30 tết mà gian hàng quýt kiểng vẫn gần như còn nguyên, có lẽ vì đã kêu giá quá cao, từ 2 triệu rưỡi tới 4-5 triệu đồng/1 cây. Ổi kiểng và “lão vú sữa”cũng chịu chung số phận, trong khi năm ngoái thì hai loại cây kiểng có trái đẹp này gần như bán hết ngay trong ngày đầu (23 Tháng Chạp). Năm nay, cây kiểng chỉ có Thanh Long là bán hết hàng, có lẽ do giá bình dân, chỉ từ 300 ngàn đồng tới 1 triệu. Và cây Thanh Long trưng tết cũng khá đẹp và “hợp duyên” với Tết.


Dưa hấu bị chủ nhân “bỏ rơi” lăn lóc trên vỉa hè (đường Bắc Hải nối dài) vào trưa 30 Tết. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Kế bên đường Thành Thái là đường Bắc Hải (nối dài).Thấy nhiều người đang lúi húi bên một đống dưa hấu khá lớn trên vỉa hè. Chúng tôi ghé lại để hỏi thăm giá dưa, ai dè một người đàn ông đang lựa dưa hấu cho biết là chủ dưa đã bỏ, ai thích thì cứ lựa mà lấy.

Vụ chủ dưa bỏ lại dưa trên vỉa hè, chúng tôi cũng đã chứng kiến mấy lần, nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy ai lại bỏ lại những trái dưa hấu lớn như vậy, trong khi trời còn sớm mới chỉ chưa tới 15 giờ chiều.

Bốn giờ chiều, nắng bớt gắt, trời mát dịu, nhưng hầu hết các chủ hoa đều...mặt héo. Vì dù đã ra rả kêu gọi “đại hạ giá,” nhưng bông vẫn còn nhiều.Lác đác đã có những chủ bông (loại bèo) “đứng lên,” mặc cho đám hoa héo thành ra ...vô chủ.

Năm giờ chiều, cổng chợ Bà Chiểu, những gian hàng quần áo bày trên vỉa hè, ngoài khu mặt tiền chợ vẫn tấp nập kẻ mua người bán.

Quần áo bán ở đây khá đẹp, người bán không quá nói thách, cái hay là khu chợ này bao giờ cũng bán tới tận tối 30. Nên những người nghèo, người bận rộn công việc cuối năm thường nhớ tới khu này để sắm cho mình “một cái gì đó,” kịp trước thềm năm mới.

Lăng Ông cổng vẫn khép hờ.Phải tới sau 21 giờ mới có người đến viếng, đông dần lên cho tới tận giao thừa.

Đón Giao Thừa

Trở lại Bến Bình Đông vào lúc 9 giờ 30 tối, chúng tôi thật ngạc nhiên khi thấy vẫn tấp nập người...đi coi bông. Mặc dù một số ghe đã quay lui, nhưng cũng còn không ít ghe vẫn kiên trì “bám trụ.”

Dưới ánh đèn đường gương mặt người bán bông như tối hẳn lại. Cả tuần qua họ đã quá mệt mỏi, bây giờ đang bước gần tới thời điểm đón giao thừa mà hàng vẫn còn đó, đường về quê lại xa.

Ít thấy khi nào như năm nay, tới tận 11 giờ mà một số nơi vẫn còn người bán bông (như bên hông Thuận Kiều Plaza) và cả trên Bến Bình Đông, mai tắc loại vừa và nhỏ cùng với những vựa dưa hấu vẫn ê hề...


Quang cảnh chùa Bà (Thiên Hậu) quận 5 trong đêm giao thừa. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Sau 10 giờ đêm, có hai dòng người như “chảy” ngược chiều nhau.

Đa số lớp trung niên, người lớn tuổi (đôi khi được những người trẻ đi kèm) đổ về chùa chiền, nơi thờ tự, như: chùa Vĩnh Nghiêm, Lăng Ông - Bà Chiểu, còn người Hoa vùng Chợ Lớn thì đổ về chùa Bà (Thiên Hậu)...

Lớp trẻ thì đổ về khu trung tâm Sài Gòn, để “lượn lờ”xem đường hoa (năm nay đã dời qua đường Hàm Nghi, thay gì đường Nguyễn Huệ như mọi năm). Và chờ coi bắn pháo bông từ bến Bạch Đằng.

Lăng Ông, Chùa Bà, chùa Vĩnh Nghiêm năm nay cũng như mọi năm đều đông và khói nhang mù mịt.

Gần tới giao thừa, dòng xe Honda chạy trên đường phố Sài Gòn như lao vun vút, hối hả hơn. Nhưng cũng không ít người chợt dừng xe, khi họ thấy trên đường 3 tháng 2 (đường Trần Quốc Toản cũ), có nhiều người lang thang phải ngủ vỉa hè giữa đêm lạnh. Của ít lòng nhiều, họ đặt vô tay những người kia ít đồng bạc, với hy vọng an ủi được chút nào với những người có số phận không may...

Tiếng pháo bông nổ lụp bụp trên bầu trời Sài Gòn báo hiệu thời khắc “tống cựu nghênh tân” - Tiễn năm cũ đi và đón năm mới về.

Cùng với tiếng trống báo hiệu từ Lăng Ông, tiếng chuông chùa Vĩnh Nghiêm hòa cùng tiếng chuông trầm ấm của hàng trăm, hàng ngàn tiếng chuông từ các ngôi chùa lớn nhỏ ở Sài Gòn, rền vang lên tiếng ngân trong không gian như một câu bi chú cầu chúc cho nhân gian được thái hòa...

02-18- 2015 3:45:46 PM
 Văn Lang/Người Việt

No comments:

Post a Comment