Cánh Cò, viết từ Việt Nam
RFA-2015-02-06
RFA-2015-02-06
Anh Võ Văn Minh.Photo courtesy of Báo Nghệ An
Nóng hơn… Chân dung quyền lực?
Câu chuyện con ruồi Tân Hiệp Phát ban đầu nhỏ xíu nhưng sau vài ngày chờ đợi cách hành xử của doanh nghiệp này dư luận bỗng bùng lên khắp nơi, từ báo chí cho tới các trang mạng xã hội, Tân Hiệp Phát đang là tiêu đề chính, nóng hơn Biển Đông, nóng hơn… Chân dung quyền lực.
Nóng hơn Biển Đông dĩ nhiên chỉ là tạm thời còn nóng hơn Chân dung quyền lực thì… chưa chắc.
Bởi đây là một trang nữa vẽ chân dung một tập đoàn, một nhóm lợi ích hay nói đúng hơn một thứ quyền lực không cần súng nhưng có khả năng khống chế và bịt miệng dư luận trong rất nhiểu năm bằng đồng tiền, bằng chân rết mà nó mua được từ quyển lực chính thống. Thứ quyền lực mà Tân Hiệp Phát có không biết sợ ai, ngoại trừ Internet.
Con ruồi trong chai nước Number One của tập đoàn này đang được công dân mạng “nhân bản” và biến hóa khôn lường. Nó nằm đâu đó trong văn phòng công an điều tra tỉnh Tiến Giang và chờ đợi “giám định” xem là ruồi thật hay ruồi giả. Ruồi thật là tự trong khâu sản xuất sơ sót còn ruồi giả là do anh Võ Văn Minh tự ý bỏ vào chai rồi hô hoán lên là phát hiện.
Theo Thượng tá công an Đinh Văn Thảnh: “Bước đầu, qua kiểm tra bằng mắt thường thì phát hiện chai nước mà Minh dùng để tống tiền Công ty Tân Hiệp Phát thực chất có con ruồi và vẫn chưa khui. Tuy nhiên, để làm rõ cần phải giám định cụ thể từng chi tiết: nút chai, chất lượng nước bên trong chai…”
Người theo dõi câu chuyện nghi ngờ rằng biết đâu khi ra tòa, một giấy giám định của cơ quan chức năng xác định chai nước bị làm giả thì sao? Bởi vì cho tới giờ này, 9 ngày sau khi anh Minh bị bắt luật sư Nguyễn Tấn Thi vẫn không được cơ quan công an chấp nhận là người bảo vệ quyền lợi cho bị can, vậy thì lấy gì đảm bảo rằng cái chai có chứa con ruồi Tân Hiệp Phát ấy không bị đánh tráo?
Tân Hiệp Phát sẽ chấp nhận 1 hay 2 tỷ thay vì 500 triệu để mua cho bằng được tai tiếng của mình. Ém nhẹm vụ việc bằng một chai nước giả không gì dễ bằng khi tập đoàn này thừa biết cách len lỏi vào các tổ điểu tra hay các quan tòa như thế nào.
Hơn nữa họ đã được mở đường một cách công khai và hợp pháp qua ý kiến một thẩm phán khi cho rằng chai nước có thể giả và người tạo ra nó sẽ bị trả giá về hành vi của mình.
Người phát biểu là Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM. Ông nói với báo chí:
“Nếu anh Minh chủ động ngụy tạo chứng cứ để tống tiền thì hình phạt còn phải nghiêm khắc hơn nữa. Nếu thực sự có con ruồi trong chai nước thì đây cũng chỉ là sơ suất, một lỗi nhỏ của quá trình sản xuất, không ai mong muốn vì hàng trăm hàng ngàn chai khác trong lô cùng xuất xưởng đó không có con ruồi nào. Chúng ta chỉ đặt vấn đề và trừng trị công ty khi họ cố tình đóng ruồi vào nước (hàng trăm hàng ngàn chai đều có ruồi) hoặc cố ý cho chất gì đó bị cấm vào sản phẩm nhằm mục đích đầu độc người tiêu dùng…”
Thứ nhất, ông Hùng dẫn dắt dư luận gây bất lợi cho bị cáo. Là một thẩm phán ông không được phép hướng dẫn dư luận khi phiên tòa chưa mở và cơ quan điểu tra chưa chính thức vào cuộc.
Thứ hai ông làm nhẹ tội (nếu có) của Tân Hiệp Phát khi cho rằng “Hàng trăm hàng ngàn chai nước trong lô đó không có con ruồi nào”
Con ruồi Tân Hiệp Phát (ảnh minh họa)
Người tiêu dùng đòi hỏi luật pháp bảo vệ môi trường vệ sinh thực phẩm cho họ, vì vậy khi một con ruồi bị phát hiện tức là công ty sản xuất phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Người tiêu dùng của năm 2015 không thể chờ cho tới hàng trăm hàng ngàn con ruồi xuất hiện như ông nói mới được quyền lên tiếng.
Ông Hùng với tư cách một thẩm phán đã diễn giải vụ bắt giữ Võ Văn Minh với cách nói của một điều tra viên. Trong lập luận của ông cho thấy vừa kẻ cả vừa đẩy người bị bắt vào cái gông của nhà tù mặc dù anh Minh chưa chính thức được xem là có tội. Là thẩm phán nhưng ông Hùng đã phát ngôn sai nguyên tắc cho thấy hệ thống tư pháp Việt Nam quá tùy tiện và sơ khai. Chú ý vào bài báo người ta không khó khăn gì khi thấy rằng ông công khai bênh vực Tân Hiệp Pháp một cách khó hiểu, sự bênh vực này chỉ có thể phát ra từ một nguyên lý: Quyền lực này bênh vực cho quyền lực kia. Ông Hùng nói:
“Việc phòng, chống tội phạm là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, tổ chức trong xã hội. Phía công ty báo công an bắt anh Minh khi bị anh yêu cầu đưa tiền là một hành động đúng. Nó góp phần tạo ra một xã hội lành mạnh, có sức đề kháng cao, không im lặng trước những việc làm trái pháp luật…”
Sức đề kháng cao?
Nếu đi ngược thời gian trước đây vào năm 2009, khi nhà báo Hoàng Khương của tờ Tuổi trẻ có bài viết việc phát hiện 26 tấn hóa chất đã hết hạn sử dụng nhưng Tân Hiệp Phát vẫn cất giữ trong nhà kho của mình và sau đó không có một dấu hiệu nào chế tài đối với tập đoàn này thì ông Hùng nghĩ sao?
Trong vụ này ai im lặng trước pháp luật, là thẩm phán tại TP-HCM chắc ông biết rõ phải không thưa ông?
Cái mà ông gọi là sức đề kháng cao ấy được toàn xã hội xem là một vụ gài bẫy hèn hạ chứ chẳng phải là đề kháng gì cả. Tân Hiệp Phát có lỗi vì sản phẩm vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, đã cử người tới giả vờ mua sự im lặng của anh Minh nhưng lại báo cho công an biết để vây bắt người nhẹ dạ cả tin mà ông cho là góp phần tạo cho xã hội lành mạnh thì thật là khó hiểu. Xã hội nếu đầy rẫy những thứ giảo quyệt như vậy thì làm sao lành mạnh cho được? Đây là việc làm nhơ nhuốc mà từ ngàn xưa loài người khinh bỉ và tránh né vì phi đạo đức.
Nếu là thẩm phán có lương tri thay vì kết tội người chưa bị phán xử ông nên giải thích một cách cặn kẽ và công tâm việc anh Minh và hàng triệu người nông dân có tư tưởng không khác gì anh Minh khi luôn nghĩ rằng phát hiện một con ruồi trong chai là trúng số. Lỗi này thuộc về hệ thống tư pháp Việt Nam không mở đôi mắt người dân ra cho rõ để nhìn thấy sự nhập nhằng trong cách hành xử. Anh Minh cũng như hàng trăm ngàn người khác cứ nghĩ rằng chai nước chứa con ruồi là “tài sản” do anh phát hiện, vậy thì anh bán nó là quyền tự nhiên chứ không phải là tội phạm.
Mấy ai rành rẽ việc này hơn ông, nhưng cách mà ông diễn đạt với báo chí làm người ta nghĩ rằng ông là một cổ đông của Tân Hiệp Phát.
Ông khẳng định Tân Hiệp Phát là “người bị hại” như sau:
“Ở đây anh Minh có hành vi vi phạm thuộc trường hợp dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần buộc người bị hại phải giao tiền. Cụ thể là đã thông báo với phía công ty là nếu không dùng tiền để mua sự im lặng thì anh ta sẽ tung tin cho báo chí và tìm mọi cách truyền tin cho xã hội biết…”
Là thẩm phán ông đã đánh tráo khái niệm. Không ai thấy Tân Hiệp Phát là “bị hại” cả mà người ta chỉ thấy rõ như ban ngày chính người tiêu dùng sản phẩm của Tân Hiệp Phát mới là người bị hại. Anh Minh là chủ quán bán sản phẩm của Tân Hiệp Phát vì vậy anh bị hại gián tiếp bởi sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Từ người có lỗi trở thành bị hại thật là miệng lưỡi của một thẩm phán đại tài.
Đó là nói về lập luận "luật" của một thẩm phán. Và sau đây là lập luận “biết ơn” của một đảng viên.
Ông bảo rằng anh Minh là người vô ơn khi có hành động tống tiền Tân Hiệp Phát, ông nói:
“Xét về mặt tình cảm, nhãn hiệu nước giải khát trên là sản phẩm anh Minh đang kinh doanh (bán lẻ) kiếm lời. Nói cách khác anh đang hưởng lợi từ sản phẩm đó nên về góc độ nào đó anh Minh phải bảo vệ uy tín của doanh nghiệp. Việc yêu cầu doanh nghiệp đưa tiền như trên không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm về đạo đức. Đó là chưa kể thực hư của con ruồi trong chai nước là do lỗi của nhà sản xuất hay có sự sắp đặt nào đó.”
Thật là lý luận của một quan tư pháp, cố tỏ ra là tâm hiền như Phật, luôn uống nước nhớ kẻ trồng cây!
Nhưng ông không hiền mà trái lại đang cổ vũ cho thứ lý thuyết ngậm miệng ăn tiền.
Nói về đảng, khi uy tín của đảng không còn nữa thì một đảng viên như ông vẫn cắm đầu bảo vệ là điểu dễ hiểu vì đảng nuôi ông, nhưng nói vê Tân Hiệp Phát như vậy thì ông đã nói... ngược.
Anh Minh không có bổn phận biết ơn tập đoàn Tân Hiệp Phát cũng như nhân dân Việt Nam không có bổn phận biết ơn đảng cộng sản Việt Nam ông ạ. Có lẽ ông quá quen đọc khẩu hiệu nên quên mất nguyên lý của kinh doanh trong môi trường tự do. Là đảng viên ông quen việc lãnh tem phiếu nên nghĩ rằng cái gì mình nhận thì phải biết ơn người ban phát. Ngay cả tem phiếu của nhà nước cũng không phải là vật cần ghi ơn bởi lẽ dễ hiểu nhà nước, đảng làm gì có tiền mà ban với phát. Đây là động tác giả của cầu thủ bóng đá, cốt làm mờ mắt nhân dân khi lấy tiền của họ phát lại cho họ để rồi la lên là mình ban ơn...
Tân Hiệp Phát phải mang ơn những con người nhỏ bé được gọi là bán lẻ như anh Minh mới đúng, vì nếu không có những con người nhỏ bé ấy chắc chắn là không có Tân Hiệp Phát. Giống như đảng, không có nhân dân cùng khổ kia thì làm gì có đảng để mà ban phát thứ ơn ảo thưa ông?
Khác với đảng, các doanh nghiệp lớn có năm nào mà họ không cám ơn người bán lẻ bằng những quà tặng cuối năm hay những cuộc tham quan này khác. Có ông bán lẻ nào cuối năm khúm núm chạy tới một công ty đưa phong bì cám ơn vì đã cho họ cơ hội bán sản phẩm của công ty hay không?
Con ruồi Tân Hiệp Pháp đã có số phận của nó. Cho dù có mua chuộc hay đánh tráo vật chứng thì người tiêu dùng cũng đã sợ hãi nó rồi. Người ta không thể mua một thứ nước tởm lợm để uống cho dù được đánh bóng, làm sạch bằng luận điệu của một thẩm phán ông ạ.
Cánh Cò, viết từ Việt Nam
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.
No comments:
Post a Comment