Tang vật của vụ án người Việt ra tòa vì luôn lậu sừng tê giác ở Nam Phi. (Hình: Change)
Tên tuổi của cả hai bị cáo không được tiết lộ vì “lý do an ninh”. Năm ngoái, sau khi bắt hai thanh niên vừa kể, Nam Phi gọi vụ buôn lậu này là “kỷ lục”, bởi cả số lượng lẫn trọng lượng lô sừng tê đều ở mức chưa từng thấy, so với các vụ buôn lậu sừng tê bị phát giác trước đó.
Trước vụ xử, ông Hangwani Mulaudzi, Phát ngôn viên Cục điều tra của Cảnh sát Nam Phi nói với báo giới rằng, Cảnh sát Nam Phi tin rằng cả hai bị cáo là thành viên của một tổ chức buôn lậu có quy mô quốc tế.
Vấn đề mà Tòa án Nam Phi muốn làm rõ là 18 sừng tê trong vụ án này có phải đã được lấy từ những con tê giác bị săn ở công viên quốc gia Kruger như cảnh sát nghi ngờ hay không.
Hai thanh niên người Việt đi từ Mozambique về Hà Nội - Việt Nam bằng phi cơ của hãng Qatar Airways. Khi phi cơ quá cảnh tại Johannesburg – Nam Phi, lẽ ra hành khách chỉ ngồi chờ trên phi cơ chừng một tiếng rồi phi cơ tiếp tục hành trình nhưng nhờ được mật báo, Nam Phi đã yêu cầu tất cả hành khách phải rời khỏi phi cơ và cảnh khuyển đã tìm ra 18 chiếc sừng tê được chứa trong một số túi xách.
Vụ buôn lậu sừng tê mà Tòa án Nam Phi vừa đưa ra xử đã khiến Việt Nam trở nên “nổi tiếng” hơn vì sự tích cực trong săn trộm – buôn lậu – tiêu thụ sừng tê, ngà voi. Hồi cuối tháng 8 năm ngoái, Tổ chức Cứu trợ hoang dã và Quỹ Hoang dã châu Phi từng loan báo, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia tiêu thụ nhiều sừng tê giác nhất.
Nhu cầu tiêu thụ và giá sừng tê giác tới vài chục ngàn Mỹ kim một ký đã kích thích việc săn trộm tê giác. Có rất nhiều người Việt đến Phi Châu để làm việc này. Năm 2013, Nam Phi bắt được 101 kẻ săn trộm tê giác và 77 người trong số đó là công dân Việt Nam.
Hiện nay tại Việt Nam, sừng tê giác không chỉ được xem như thần dược mà còn được những kẻ có tiền sử dụng như một loại trang sức, nhằm chứng tỏ sự giàu có của mình.
Sừng tê giác nằm trong danh mục mà cộng đồng quốc tế đã thỏa thuận là cấm mua bán, xuất cảng, nhập cảng, nhằm bảo vệ những loại động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. Có một công ước quốc tế riêng về vấn đề này, vẫn được gọi tắt là CITES. Việt Nam là một thành viên của CITES. Tuy nhiên trong vài năm qua, các tổ chức bảo vệ hoang dã trên thế giới liên tục bày tỏ sự lo ngại về việc Việt Nam trở thành nơi tiêu thụ cả sừng tê giác, lẫn ngà voi.
Đáng lưu ý là tham gia vào hoạt động săn trộm – buôn lậu – tiêu thụ sừng tê, ngà voi có cả những viên chức ngoại giao Việt Nam.
Cuối năm 2008, báo chí Nam Phi công bố một loạt bài điều tra về việc bà Vũ Mộc Anh, Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, buôn lậu sừng tê giác. Lúc đầu, Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi lúc đó là ông Trần Duy Thi phủ nhận việc các viên chức ngoại giao Việt Nam có dính líu tới chuyện buôn lậu sừng tê giác. Viên đại sứ này tuyên bố, không có nhân viên nào của ông ta nhận đã làm chuyện như truyền thông Nam Phi đề cập và ông ta “thường xuyên nhắc nhở nhân viên không được buôn lậu”.
Ngay sau đó, chương trình 50/50 đưa một đoạn video clip lên hệ thống truyền hình Nam Phi, cho thấy bà Vũ Mộc Anh nhận sừng tê giác từ tay một kẻ chuyên săn trộm tê giác. Đáng chú ý là trong video clip vừa kể, người ta còn thấy một người Việt khác cũng đứng tại đó, cạnh một chiếc xe hơi của viên tham tán có tên là Phạm Công Dũng. Trong hồ sơ của cảnh sát Nam Phi, hồi đầu năm 2008, chiếc xe mang biển số ngoại giao của ông Dũng đã từng bị tạm giữ khi một người Việt dùng nó dể vận chuyển 18 ký sừng tê giác.
Đó cũng là lý do Việt Nam phải triệu hồi bà Vũ Mộc Anh về nước. Cũng tới lúc đó, ông Trần Duy Thi mới thừa nhận sự việc là có thật. Trả lời tờ Tuổi Trẻ, ông Thi nhìn nhận đây là “chuyện đáng tiếc vì hám lợi”.
Thật ra bà Vũ Mộc Anh không phải là trường hợp làm điều “đáng tiếc vì hám lợi” duy nhất trong số các viên chức ngoại giao làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nam Phi. Hồi 2006, một tùy viên thương mại của cơ quan này tên là Nguyễn Khánh toàn bị bắt quả tang đang tìm cách đưa 9 ký sừng tê giác ra khỏi Nam Phi.
Một điểm đáng lưu ý khác là trong khi nhiều quốc gia phạt việc săn trộm – buôn lậu – tiêu thụ sừng tê rất nặng thì Việt Nam chỉ xử chiếu lệ. Hồi giữa tháng giêng năm ngoái, Tòa án Singapore phạt ông Phạm Anh Tú, 23 tuổi, 15 tháng tù vì mua bán sừng tê giác. Tháng 7 năm 2014, Tòa án Nam Phi phạt một người săn trộm và mua bán sừng tê 77 năm tù.
Còn tại Việt Nam, hồi hạ tuần tháng 6 năm 2014, Tòa án thành phố Sài Gòn chỉ phạt ông Hoàng Văn Chung, 29 tuổi, ngụ ở Thanh Hóa hai năm tù nhưng được hưởng án treo. Vụ buôn lậu sừng tê giác của ông Chung bị phát giác từ năm 2007 nhưng bảy năm sau mới đưa ra xử.
Ông Chung bị bắt quả tang vì buôn lậu sừng tê từ Nam Phi về Việt Nam nhưng không bị giam nên ông tiếp tục lên đường quay lại Nam Phi. Đến năm 2010, ông Chung trở về Việt Nam “đầu thú” và được tại ngoại cho tới khi Tòa án đưa vụ ông buôn lậu sừng tê giác ra xử. (G.Đ)
02-06- 2015 2:03:28 PM
No comments:
Post a Comment