Friday, February 6, 2015

Chuyến xe buýt cuối cùng

Nguyễn Đức TuấnRFA-2015-02-051.jpg
Trạm xe bus đường Hàm Nghi, Saigon trước 1975-File photo
Đã bao nhiêu năm rồi sau ngày khó quên ấy, mặc dù cũng còn gặp lại Sang nhiều lần, nhưng chưa lần nào tôi hỏi hắn nguyên do vì sao có mặt ở Sài gòn vào tuần lễ cuối tháng tư, trong khi nhiệm sở hắn ở Vĩnh Long và thời gian này học trò chưa nghỉ hè, bởi chúng tôi đều là nhà giáo, biết rõ lịch trình làm việc của nhau. Tôi chả thắc mắc, bởi vì bạn bè vắng nhau lâu ngày, cứ có dịp gặp lại nhau là đã vui, hơi đâu nghĩ suy về chuyện ấy ?
Tôi ghé nhà hắn ở một hẻm nhỏ đường Calmette vào khoảng gần 1 giờ trưa và ở chơi đến gần 6 giờ mới kiếu từ, đi ngược đường trở ra bùng binh Sài gòn để đón bus quay về Gò Vấp.
Qua khỏi đường Hồ Văn Ngà, tôi thấy khung cảnh có hơi kỳ dị, khác với buổi trưa. Mọi người dường như hối hả để tránh một cơn mưa trong khi trời vẫn còn tốt, tuy có hơi u ám. Ra đến đường Phạm Ngũ Lão thì cảnh ấy càng trông thấy rõ, người ta không chỉ đi vội mà có người còn như chạy, và chớp mắt tôi hiểu ngay vì sao: không rõ vì lý do gì, các phương tiện giao thông công cộng đột nhiên vắng ngắt, ngay bùng binh Sài gòn, nơi thường khi có đậu ít nhất vài ba chiếc bus, bấy giờ không có một chiếc nào, trên một dãy đường chỉ thấy người lao nhao, lố nhố, họ chạy tới chạy lui như những con thú lạc đàn, người đứng thì ngoảnh mặt về một hướng, dáo dác trông.
Lát sau, có một chuyến bus xuất hiện ở đàng xa nhưng nhìn tấm biển, tôi biết đó không phải là xe mình muốn đón. Cũng có một nhóm đông người chờ xe Sài gòn – Gò Vấp như tôi, bởi họ đứng ngay tại trạm có ghi rõ tuyến đường. Năm phút, mười phút, mười lăm phút, hai mươi phút, xe về Gò Vấp vẫn bặt tăm, mãi đến hai mươi lăm phút nếu tôi còn nhớ rõ, xe này mới hiện ra, lừ lừ tiến đến với dáng nhọc mệt. Bà con vui vẻ kêu to và chạy ùa đến... Chính do sự đùn đẩy của những người phía sau, tôi lên được xe và đi miết về phía băng cuối, vì không còn chỗ ngồi. Hành khách lên không ngớt, chỉ vài phút sau, khi xe lịch bịch nổ máy to thì đó đúng là một hộp cá mòi, nóng nực và hôi hám, tất cả mong xe mau chạy đi, nhưng nó cứ đậu mãi và nổ máy, thở khói mù mịt ra phía sau. Nhiều tiếng hô to “Tới đi, bác tài ! Tới đi, bác tài !” Rõ là ai cũng sốt ruột.
Khoảng mười phút sau, xe mới lăn bánh. Nó đánh một vòng về hướng rạp Đại Nam rồi mới đổ ra bùng binh chợ Sài gòn, nơi tôi nhận ra bóng mươi nhân viên cảnh sát và cảnh sát dã chiến đang đứng chận ngang đường Lê Lợi, hai anh cảnh sát làm nhiệm vụ điều hòa giao thông, dùng tay chỉ trỏ về hướng đường Lê Lai, bảo xe cộ chạy về hướng ấy. Người trên xe bàn tán, không biết phía Quốc hội có chuyện gì, nhưng khi xe đổ vào đường Lê văn Duyệt và quành ra đường Gia Long, chạy đến phía sau dinh Độc Lập, tôi thấy nơi đây không những có cảnh sát, cảnh sát dã chiến mà còn có cả bóng áo xanh của quân lực Việt nam cộng hòa. Một chiếc xe thiết giáp còn đậu ở đó nữa.
Một anh lính chận ngang đường, không cho xe chạy tới và chỉ ra phía đường Thủ khoa Huân. Tôi nghĩ “Đúng là chạy lòng vòng, có chạy ra đó cũng không thể ra đường Lê Lợi, mà đường còn lại chỉ có Lê Thánh Tôn mà thôi !”
Quả vậy, phải mất gần 20 phút đồng hồ, xe mới ra được tới đường Tự Do, hướng về phía Hai Bà Trưng. Đường rộng, thoải mái, gió mát, nhưng khi đến ngã tư Thống Nhất, ai nấy hết hồn khi nhìn về phía dinh Độc Lập, thấy có quân đội án ngữ ở đó. Vài người to nhỏ: “Chẳng lẽ có đảo chánh nữa ?” Người ta nghĩ như vậy, đâu ai ngờ rằng đó là những giờ phút cuối cùng của đất nước miền Nam !
Chuyến xe buýt không còn chạy theo lộ trình bình thường nữa, đến ngã tư Phan Thanh Giản, xe không thể đi tiếp qua Tân Định mà dừng lại cho khách xuống để tự đi bộ, quẹo qua đường này để về phía Đa Kao. Vì nhà tôi ở tận Gò Vấp nên không phải xuống xe, từ chỗ đó tôi đã có thể có một chỗ để ngồi, nghĩ tơ lơ mơ về tình hình biến động nhưng chưa có một ý thức nào rõ ràng về sự việc sẽ đến ở ngày mai.
Khi tôi về tới nhà, mẹ tôi vui mừng thấy rõ, bà đã biết chuyện lộn xộn ở Sài gòn và sợ tôi bị kẹt, tối không biết ngủ ở đâu. Đài phát thanh đã loan tin giới nghiêm và tình trạng khẩn trương trên toàn cõi miền Nam nhưng không nói rõ là Việt cộng đã tràn về.
Tôi ăn cơm chiều ngoài sân sau và ngó về phía tây, nơi có phi trường Tân Sơn Nhất. Trên trời, có 2 chiếc F5 bay vòng quanh, một chiếc thả khói trắng thành vệt, tôi không rõ đó là phi vụ gì. Tình hình có vẻ nghiêm trọng, lúc ở Sài gòn, tôi có nghe vài tiếng súng lốp bốp nổ, nhưng bây giờ thì hơi im ắng, cái im ắng bình thường của một khu phố ngoại ô. Mẹ tôi cũng bước ra sân sau, tham gia bình luận với tôi, dù cả hai đều không nắm rõ tình hình. Tôi có 3 người em, hai trai và một gái, nhưng lúc ấy thằng em kế tôi còn nằm ở trung tâm huấn luyện thủy quân lục chiến Sóng Thần, cô em gái chả hiểu gì còn thằng út thì năm ấy hãy còn nhỏ lắm. Trên mẹ tôi có một người lớn hơn là bà ngoại tôi, nhà khi ấy ít người vì cha tôi và ông ngoại tôi đều đã chết.
Như những người đàn bà khác, bà tôi và mẹ tôi thì lo lắng chuyện chợ búa, gạo thóc, do kinh nghiệm thời Pháp Nhật cũng như thời Ngô Đình Diệm, cứ nghe tin có giới nghiêm thì hôm sau giá cả lại tăng lên. Tôi không quan tâm lắm đến những chuyện đó, vì xưa nay chuyện ấy là chuyện của các bà. Tôi nghĩ chuyện của tôi, đó là đi dạy và đi học, dù năm ấy tôi là sinh viên cao học năm thứ hai, cũng ít khi đến giảng đường. Tôi đã biết chuyện chị Yến, con gái lớn của dì Ba tôi đã đi Mỹ hôm 26 cùng một cô bạn tên Rose, làm chung ở hãng IBM, không dè đó là chuyến đi định mệnh, chị sẽ không về và tôi chỉ gặp lại chị 21 năm sau tại San Francisco, đó là bà chị đã dạy tôi tiếng Pháp lúc còn thơ, tôi trọn đời nhớ ơn chị.
Đêm ngoại thành im ắng càng im ắng hơn khi có giới nghiêm. Sau 7 giờ, số người đi lại thưa dần, tôi nói chuyện láp giáp với gia đình một lúc thì đi nằm, bâng khuâng nghĩ ngợi nhưng không chuyện gì ra chuyện gì, đến lúc mỏi mắt thì thiếp đi...
Ngày hôm sau: trong im ắng của một thành phố trong tình trạng khẩn trương, tiếng phi cơ bay ù ù, cánh quạt đánh xoành xoạch. Đó là những chuyến trực thăng Chinook đi bốc những người Mỹ rời Việt Nam, xa lánh vĩnh viễn thủ đô hoa lệ Sài gòn. Tôi không nhìn thấy UH-1B, mặc dù sau này được xem qua phim tài liệu nói về cuộc đại di tản khỏi thành phố Sài gòn, đặc biệt là phim Les Souvenirs du Vietnam.
Đêm 28 tháng tư không còn im ắng nữa. Trời mưa to, ngoài đường xe cộ rộn rịp nhưng không phải là xe dân sự mà là quân xa, những chiếc GMC phủ bạt bịt bùng và thiết giáp, xe tăng di chuyển hàng đoàn có hơn trăm chiếc, chúng hết từ Gia Định chạy vào lại từ Gò Vấp chạy ra, tiêng bánh xe lẹt xẹt cán trên đường mưa, tiếng xích ầm ầm, tiếng các anh lính nói chuyện với nhau chen trong tiếng rào rào của mưa, lâu lâu lại có một vài tiếng súng nổ, đó là những gì tôi ghi nhận vào đêm mưa não nùng đó. Cảnh ấy kéo dài suốt từ 7 giờ cho đến gần 10 giờ, tôi lịm đi vào giấc ngủ mang theo những ấn tượng mơ hồ, người cuối cùng mà tôi nghĩ đến là Quế, cô bồ nhỏ của tôi, sau lần gặp hôm 24 và nhất là sau ngày chủ nhật, không biết cô bé thế nào, tình hình bất ổn như thế này, vào ban ngày tôi cũng không cỡi xe đi thăm, vì đoán cũng chẳng ra sao...
Đêm 29 tháng tư 1975, một đêm kinh hoàng. Vào gần 8 giờ, trong khi nằm lim dim, tôi nghe một tiếng rít lớn trong không, tiếng đạn đại bác hay súng cối. Đầu đạn chưa nổ, tôi đã hô to “Cả nhà xuống sàn nằm ngay. Pháo kích đó !”
Tiếng rít kéo dài vài giây, tôi định hướng âm thanh thì biết nó bay về hướng Tân Sơn Nhất hoặc Bộ Tổng tham mưu. Quả vậy, tiếng nổ ở phía tây. Không lâu sau, lại tiếng rít thứ hai và tiếng nổ cũng ở phía đó. Tôi bảo: “Không sao đâu, mục tiêu ở xa, ra ngoài coi đầu đạn bay chơi... !” Và tôi lôi hai đứa em tôi ra ngoài. Trời trong, ánh phản quang từ mặt đất cho chúng tôi thấy rõ đầu đạn bay từ hướng đông, có lẽ được bắn từ phía Lái Thiêu, Thủ Đức hay Biên Hòa và tôi khẳng định ngay đó là đạn của Việt cộng, bởi vì nếu ta phản ta, lảm đảo chánh như năm 1961 hay 1963 thì đạn phải bay về hướng Sài gòn.
Tôi hồi hộp và sốt ruột chờ đợi, trong lòng cứ rộn lên câu nói “Sao không bắn trả lại đi, mấy cha ?”  Không có chiếc máy bay thám thính nào bay lên cả... Nhưng đâu cần máy bay ? Điện về Thủ Đức hay Biên Hòa là có ngay tọa độ của Việt cộng.
Tôi không rõ phía Quốc gia đã hành xử như thế nào vì từ lúc ấy cho đến ngày mất nước, đài phát thanh và truyền hình Sài gòn không còn đưa tin tức gì về chiến cuộc, nó như một giấc mộng hãi hùng mà người ta muốn quên hay không muốn nhắc đến.
Sau hơn 10 phút nhận pháo liên tục, tôi mừng rỡ khi nghe tiếng thuốc tống nổ ở phía Tân Sơn Nhất và bảo “Quân đội mình phản pháo rồi kìa !” Quả vậy, lần này tiếng rít bay ngược chiều từ tây sang đông, tôi thấy đạn bay đúng hướng, thể như đôi đàng ngó thấy nhau, nhưng tôi biết rằng đó chỉ là cảm giác, kỹ thuật nhà nghề của pháo binh mà...
Trong khoảng 15 phút, hai đàng bắn qua bắn lại nhau, không rõ số thiệt hai là bao nhiêu, chỉ biết sau đó tiếng súng phía Việt cộng thưa dần rồi im hẳn, phía Quốc gia bắn thêm một, hai phát cũng im theo. Tôi nghĩ thật là may, Sài gòn thoát cơn An Lộc địa !
Đêm ấy tôi ngủ không yên, mặc dù không còn tiếng súng. Đài phát thanh không loan tin tức, tôi không biết tình hình sẽ diễn tiến thế nào. Phiền nỗi mẹ tôi đã bán chiếc máy thu thanh có băng sóng ngắn từ mấy tháng qua, tôi không thể nghe đài BBC, còn lại chiếc máy transistor cà tàng thì chỉ có băng sóng trung mà máy này bắt đài VOA cũng khó, chỉ nghe nheo nhéo đài Radio Pékin, chương trình tiếng Pháp vào giấc khuya...
Một cảm giác mơ hồ xâm lấn lấy hồn tôi, nhưng đó quyết không phải là sự dépression về vấn đề thua cuộc. Tôi không bao giờ nghĩ miền Nam sẽ thua, mặc dù tổng thống Thiệu đã buồn bã than phiền rằng người Mỹ đã bỏ chúng ta, than ôi !...
Vâng, cho đến ngày nay, tôi vẫn không tin rằng miền Nam thua miền Bắc. Tuy nhiên, sự việc phũ phàng là sáng hôm sau, khi tôi còn chưa tỉnh giấc thì ngoài đường đã có nhộn nhịp tiếng người đi. Tôi nhanh tay khoác mùng và chạy ra thì thấy đó là những thường dân áo trắng, áo đen và có cả màu áo ka-ki xanh xao tàn lụi. Trong một thoáng, tôi nhận ra ngay một chiếc mũ tai bèo và thảng thốt kêu lên: “Trời ơi, Việt cộng đi ngờ ngờ !”
Phải, không nhầm lẫn tí nào, bởi gần như ngay sau đó, tôi thấy súng AK, thấy cờ Giải phóng miền Nam. Đoàn người đông lắm, già có, trẻ có, trai có, gái có. Họ nối đuôi nhau đi hai bên đường, nói cười nho nhỏ. Từ trong xóm, người lớn, trẻ em thi nhau chạy ra xem, như xem một hiện tượng lạ. Tôi hiểu trong tiếng pháo ầm ĩ đêm qua họ đã tập kết về phía ngoại thành và nằm chờ ở đó để đợi giờ J, giờ tiến về tiếp quản thành phố Sài gòn, Sài gòn diễm lệ của tôi !
Buồn, buồn muốn khóc. Tôi dửng dưng nhìn các bà, các cô khá quen mặt từ trong ấp ùa ra, tay bưng những sọt, những rỗ đựng cờ Giải phóng 2 màu với ngôi sao vàng cắt may rất vội. Họ thi nhau phân phát cho mọi người, trong đó có cả tôi. Tôi lắc đầu, không nhận, và đi vào nhà, miệng lẩm bẩm “Có thể nào ? Có thể nào ?...”
Nhưng đó vẫn là định mệnh oan nghiệt rắc lên con tim và tròng mắt của hàng triệu dân chúng miền Nam.
Vào gần 11 giờ, trên băng tần 9, tôi nghe tiếng đầu hàng của tướng Dương Văn Minh. Chịu không nổi, tôi chạy ra ngoài, hét lên “C'est odieux !” Mẹ tôi hiểu, dì út tôi hiểu, vì các người giỏi tiếng Pháp, và cả dượng Henri Georges, tất nhiên, vì ông là người gốc Pháp. Tôi muốn khóc lắm, nhưng không biết khóc ở đâu.
Thế là ván bài đã lật ngửa. Chữ CAPITULATION làm tôi nhói đau hơn cả chữ LA CHUTE DE SAIGON. Vâng, bởi vì thực tề dân miền Nam đâu có đầu hàng ? Bằng chứng là sự tuẫn tiết của hàng loạt các tướng lãnh miền Nam.
Trong khi đài truyền hình loan đi những tin tức buồn thì ngoài đường, đoàn người ban nãy thưa dần và tiếp theo sau là những quân nhân mất mũ, mất súng, mất giày thất thểu đi về. Cả nhà tôi chạy ra, nhìn ngong ngóng. Tôi biết bà tôi và mẹ tôi trông thằng em tôi. Tôi bảo: “Chưa đâu, ngoại ơi, má ơi. Chắc phải đến chiều nó mới về tới, từ Biên Hòa về đây hơn 30 cây số chứ có ít đâu ?”
Gần 3 giờ chiều, em tôi về tới, khoảng 5 giờ là bạn nghề nghiệp của nó (bộ binh), từ đâu đó ở miền Trung cũng về, tơi tả hơn, chân không có được chiếc dép. Cả nhà ngồi ăn cơm, nói đủ chuyện, nhưng chưa nhìn thấy được toàn cảnh ngày mai. Tôi nói đùa: “Trưa này, đài phát thanh Sài gòn chính thức trở thành đài phát thanh của Cộng hòa miền Nam Việt nam, vào lúc 1 giờ trưa, ông Trịnh Công Sơn có lên và hát bài Nối vòng tay lớn, kêu gọi sự hòa giải Bắc Nam, xóa bỏ hận thù, nhưng nghe mà chua xót... Ai ngờ được chiến cuộc lại kết thúc bi đát như thế này ? “Gia tài của mẹ để lại cho con: một lũ bội tình” hóa ra là như thế...”
Tôi trở lại Luật khoa khoảng vài ngày sau với tư cách một sinh viên năm thứ 2 ban Cao học. Ngỡ ngàng, tấm biển ngày nào biến đi đâu mất, thay vào đó là tấm biển mới với dòng chữ Trường đại học kinh tế. Tôi đi lông nhông để tìm bạn cũ nhưng chẳng thấy một ai, toan về thì gặp thầy Phỏng, giáo sư Anh văn của chúng tôi những năm học ở Petrus Ký. Hơn 6 năm trời mới gặp lại nhau nhưng trông thầy vẫn thế, nếu không muốn nói là trẻ hơn, bô trai hơn, thầy đi chiếc xe đạp của Tây màu đen trông thật luxe, khiến tôi phải trầm trồ. Hai thầy trò đứng ven đường Phan Đình Phùng nói chuyện với nhau khoảng nửa tiếng rồi chia tay. Đó xem như là lần cuối cùng tôi trở lại luật khoa đại học. Sau đó tôi bay sang quận 10, thăm cô bồ mấy hôm rồi không gặp. Trong lúc chuyện trò, cô nhắc tôi chuyện đi sang quận 8 coi bói năm nào: “Anh thấy không, bà thầy bói nói thật hay, hai ba lần bảo rằng anh nhất định không dính vào binh nghiệp.”
Đúng, chính quyền đổi thay, có lẽ tôi không bao giờ trở về đời ắc ê mang oằn vai ba lô và súng đạn, nhưng tôi thấy buồn khi nhớ đến những thằng bạn đã chết của tôi sau mùa hè đỏ lửa 1972. Muôn đời tôi oán Việt cộng, nguyên do thì có nhiều, không thể nào kể hết ra trong một bài viết ngắn.
Trải qua gần đúng 40 năm, cậu thanh niên 25 tuổi ngày nào đã trở thành ông lão 65, tôi có thể tạm kết thúc như vầy: All can be forgiven but not forgotten, một câu mà nghe nói nữ tài tử Jane Fonda (sinh cùng ngày với tôi, chỉ khác năm) đã nhận lãnh bởi các cựu chiến binh Hoa kỳ, khi cô xin lỗi về việc đã sang Hà Nội tuyên truyền phản chiến năm 1972 và chụp hình bên cạnh khẩu súng phòng không chống B52.
Xin gửi bài này cho chú ruột tôi là đại tá VNCH Nguyễn Đức Nhiễm đang cùng vợ và các con, các cháu sống lưu lạc ở Sugarland, USA và anh chú bác tôi là trung úy Nguyễn Đức Thiện trong ban Kiểm soát quân sự tạm thời TP Hồ Chí Minh, cấp hàm năm 1975, nay ra sao thì tôi không rõ vì đã cắt đứt quan hệ với quê nhà từ năm 1978 và nhất là tôi cũng tha phương nơi đất khách 24 năm nay.
Cũng xin tặng bà con còn nhớ về ngày đau buồn của miền Nam 40 năm về trước.

No comments:

Post a Comment