Wednesday, January 21, 2015

Xe cấp cứu tiền tỷ nằm “đắp chiếu” vì thiếu … tiền đổ xăng

Mặc dù được tài trợ xe cấp cứu hơn 1 tỷ đồng nhưng do không có kinh phí để trả lương lái xe và chi phí xăng dầu, bảo dưỡng nên chiếc xe đành án binh bất động.

Xe cấp cứu tiền tỷ bỏ kho vì thiếu kinh phí

Để nâng cao chất lượng y tế tại xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương, Nghệ An vào năm 2012, một đơn vị đã tài trợ xây dựng trụ sở Trạm y tế xã Thanh Lương với trị giá 4 tỷ đồng.

Đến năm 2013 khi công trình xây dựng hoàn thành đơn vị tài trợ tiếp tục đầu tư cho trạm y tế xã này hơn 500 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị khám, chữa bệnh.

Khi các hạng mục hoàn tất và đưa vào sử dụng nhà tài trợ tiếp tục đầu tư cho Trạm y tế này một xe cứu thương với đầy đủ trang thiết bị phục vụ việc vận chuyển cấp cứu trị giá 1,8 tỷ đồng.


Trạm y tế xã Thanh Lương được một đơn vị tài trợ xây dựng vào năm 2012 với kinh phí 4,5 tỷ đồng (ảnh Xuân Hòa)

Tuy nhiên, điều đáng buồn khi có chiếc xe cấp cứu tiền tỷ nhưng Trung tâm y tế xã Thanh Lương lại không thể đưa nó vào hoạt động được. Nguyên nhân đơn giản chỉ vì thiếu kinh phí trả lương lái xe, tiền xăng, tiền bảo dưỡng xe. Để tránh xe khỏi hỏng hóc, Trạm y tế xã Thanh Lương lấy sảnh tòa nhà cho chiếc xe cấp cứu tiền tỷ này đậu hàng ngày.

 “Cả xe và trang thiết bị phục vụ việc vận chuyển cấp cứu trên xe được nhà tài trợ đầu tư tới 1,8 tỷ. Nhưng sau khi đưa về do không có lái xe, không có tiền chi trả tiền đổ xăng xe, tiền bảo dưỡng nên UBND xã đã không đưa vào hoạt động. Sau đó, UBND xã tính phương án chuyển đổi mục đích sử dụng để đạt hiệu quả hơn, không làm lãng phí số tiền được tài trợ”, bà Nguyễn Thị Hòa – Trạm trưởng Trạm y tế xã Thanh Lương cho biết.


Cùng với đó, đơn vị  tài trợ còn ủng hộ thêm cho trạm y tế xã này một xe vận chuyển cấp cứu cùng toàn bộ trang thiết bị với trị giá 1,8 tỷ (ảnh Xuân Hòa)

Ông Nguyễn Duy Mai – Chủ tịch xã Thanh Lương cho biết: “Sau khi xe được tài trợ về chúng tôi cũng đã đăng ký và làm các thủ tục đầy đủ cho Trạm y tế xã. Nhưng không có chi phí trả tiền lương cho lái xe, kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng, xăng dầu nên đành phải để đó. Nhiều cá nhân cũng đến đặt vấn đề với UBND xã để thuê lại nhưng chúng tôi không đồng ý. Bởi chiếc xe được đầu tư hiện đại lên đến cả tỷ đồng chẳng may sơ sẩy một số trang thiết bị trên xe bị đánh tráo thì thiệt hại khó lường”.

Thuê lái xe taxi chạy xe cấp cứu

Để tránh lãng phí khi “chôn chân” chiếc xe cấp cứu tiền tỷ được tài trợ sau gần 2 năm đắp chiếu thì một tháng trở lại đây Trạm y tế xã Thanh Lương đã đưa chiếc xe trên vào hoạt động. Tuy nhiên, do không có kinh phí nên cách trả công cho lái xe của Trạm y tế xã Thanh Lương cũng chẳng giống ai.


Tuy nhiên, do thiếu kinh phí trả lương lái xe, tiền duy tu, bảo dưỡng, xăng xe hoạt động nên chiếc xe cấp cứu tiền tỷ này đã phải "đắp chiếu" gần 2 năm nay (ảnh Xuân Hòa)

Để xe được hoạt động Trạm y tế xã Thanh Lương đã ký hợp đồng với một lái xe tại địa phương. Lái xe này sẽ lên lái xe khi có người cần chở đi cấp cứu. Công của lái xe được trích một phần từ kinh phí được chi trả thuê vận chuyển cấp cứu. “Lái xe là người địa phương, nhà cách Trạm y tế 1km. Khi có người cần vận chuyển cấp cứu sẽ được gọi lên chạy xe. Anh này có sức khỏe tốt và đã có thời gian dài làm lái xe taxi nên cũng an tâm. Tiền công trả cho lái xe cũng được trích từ một phần kinh phí của tiền người thuê vận chuyển cấp cứu”, ông Hợi – Trạm phó Trạm y tế xã Thanh Lương cho biết.

Tiền xăng và tiền duy tu bảo dưỡng xe cũng được Trạm y tế xã Thanh Lương trích kinh phí trong tiền thuê vận chuyển cấp cứu. Một ca vận chuyển cấp cứu cũng có mức cước khác nhau do chính Trạm y tế xã Thanh Lương đề ra. Tùy thuộc vào quãng đường, nơi đưa đến cấp cứu để thu cước vận chuyển cấp cứu.


Nhưng do lượng bệnh nhân cần vận chuyển tại Trạm y tế xã Thanh Lương không nhiều nên chiếc xe vận hành vẫn chưa đạt hiệu quả cao (ảnh Xuân Hòa)

“Tiền vận chuyển cấp cứu tùy nơi bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu để tính tiền cước. Sau khi trích một phần kinh phí thuê vận chuyển trả cho lái xe thì số còn lại được trích để duy tu, bảo dưỡng và tiền xăng xe”, bà Nguyễn Thị Hòa – Trạm trưởng Trạm y tế xã Thanh Lương cho biết.

Trao đổi về vấn đề này ông Nguyễn Hoàng Hòa – Giám đốc Trung tâm y tế huyện Thanh Chương cho biết: “Việc xe được tài trợ vận chuyển cấp cứu về xã Thanh Lương là đúng. Nhưng do số lượng bệnh nhân chữa trị tại đây không nhiều, thường bệnh nhẹ nên việc cần đưa đi cấp cứu không nhiều, hiệu quả chưa cao. Phía huyện cũng đang tìm giải pháp đưa chiếc xe cấp cứu trên vào hoạt động có hiệu quả hơn”.

“Việc chiếc xe vận chuyển cấp cứu tại xã Thanh Lương chưa đưa vào sử dụng được vì khó khăn kinh phí trả lương cho lái xe và tiền vận hành xe. Cùng với đó số lượng bệnh nhân cần vận chuyển cấp cứu tại một trạm y tế xã không nhiều, hiệu quả không cao thì việc trả lương cho lái xe sẽ lãng phí. Chúng tôi cũng đang bàn cách đưa chiếc xe vào hoạt động cho hiệu quả hơn. Nhưng khó khăn ở đây là xe được tài trợ nên còn phải xin ý kiến của đơn vị tài trợ”, ông Nguyễn Viết Kiên – Trưởng phòng y tế huyện Thanh Chương nói.

Như vậy mục đích của nhà tài trợ là tốt nhưng do để ở đơn vị chưa hợp lý nên việc đạt hiệu quả không cao phải chăng đã gây lãng phí tiền tỷ.
 Thứ tư - 21/01/2015 08:51
Tác giả bài viết: XUÂN HÒA
Nguồn tin: Báo Giáo Dục Việt Nam

No comments:

Post a Comment