Wednesday, January 28, 2015

Thanh tra vụ doanh nhân xin thứ trưởng trả lại tiền hối lộ

HÀ NỘI (NV) - Ông Ðinh La Thăng, bộ trưởng Giao Thông-Vận Tải Việt Nam vừa ra lệnh thanh tra vụ tổ chức đấu thầu-chọn thầu liên quan tới scandal một doanh nhân xin một viên thứ trưởng trả lại tiền.

Tuần trước, một số tờ báo tại Việt Nam như Giáo Dục Việt Nam, Bảo Vệ Pháp Luật, công bố những thông tin liên quan tới việc một nữ doanh nhân, chủ một doanh nghiệp chuyên làm môi giới trong lĩnh vực xây dựng, trò chuyện qua lại với ông Nguyễn Hồng Trường - một thứ trưởng của Bộ Giao Thông-Vận Tải, nhằm xin lại 200 triệu và 10,000 Mỹ kim mà bà ta đã đưa cho ông Trường để doanh nghiệp nhờ bà ta môi giới được chọn làm nhà thầu.


Quang cảnh “lễ khởi công” thực hiện gói thầu RAI/CP1, liên quan tới scandal “xin trả lại tiền. (Hình: VOV)

Nội dung các tin nhắn giữa nữ doanh nhân vừa kể với viên thứ trưởng cho thấy, ông ta đã nhận tiền nhưng doanh nghiệp mà nữ doanh nhân đứng ra môi giới vẫn không được chọn, dù có một văn bản, trên đó có bút phê của chính ông Trường “Yêu cầu Tổng Cục Ðường Bộ - Ban 3 xử lý.”

Trong một cuộc trò chuyện với báo giới về scandal này, ông Trường xác nhận, ông có quen biết với nữ doanh nhân tố cáo ông, bởi cả hai là “đồng hương Nam Ðàn, Nghệ An” nhưng đây là quan hệ “hoàn toàn trong sáng.”

Dự án liên quan đến scandal “xin trả lại tiền” đã được xác định là gói thầu RAI/CP1 - nâng cấp hai cầu Tràng Thưa và Cống Neo trên quốc lộ 38B, tọa lạc ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Ðây là một trong 15 gói thầu của đại dự án Quản Lý Tài Sản Ðường Bộ Việt Nam (VRAMP).

VRAMP do Tổng Cục Ðường Bộ Việt Nam làm chủ đầu tư và Ban Quản Lý dự án số 3 điều hành.

Gói thầu RAI/CP1 đã được giao cho công ty Thuận An và công ty Ðạt Phương thực hiện. Việc xây dựng cầu Tràng Thưa và Cống Neo thay thế cho hai cây cầu cũ cùng tên đã khởi công hôm 3 tháng 1. Tổng vốn đầu tư của gói thầu này khoảng 370 tỷ, trong đó có tới 292 tỷ là tiền vay của Ngân Hàng Thế Giới (WB).

Còn tổng giá trị của VRAMP khoảng 302 triệu Mỹ kim (6,305 tỷ đồng). Trong đó WB cho vay 250 triệu Mỹ kim, Úc viện trợ 1.7 triệu Mỹ kim, Việt Nam bỏ ra khoảng 50 triệu Mỹ kim.

Có lẽ cần nhắc lại rằng, cũng trong tuần trước, ở hội nghị “Tăng cường quản trị thúc đẩy phát triển tại Việt Nam,” WB công bố, Việt Nam xếp thứ hai về các khiếu nại tham nhũng. Trong 20 quốc gia có nhiều khiếu nại về tham nhũng nhất, Việt Nam chỉ thua Ấn Ðộ. Theo WB, nhiều khiếu nại về tham nhũng tại Việt Nam mà họ nhận được, phàn nàn tệ nạn tham nhũng trong các dự án giao thông và cấp nước, kế đó là các dự án nông nghiệp và năng lượng.

Ông Anders Hjorth Agerskov, đại diện WB, nói thêm, khu vực Ðông Á-Thái Bình Dương là nơi có tỷ lệ dự án bị khiếu nại về gian lận, tham nhũng cao thứ hai trên toàn cầu (dẫn đầu là Châu Phi) và Việt Nam được coi là “điểm nóng” tại khu vực Ðông Á-Thái Bình Dương. Ðáng lưu ý là ông Agerskov nhấn mạnh, có thể những con số mà WB công bố vẫn chưa phản ánh toàn bộ thực tế.

Các chuyên gia cho rằng, điểm yếu nhất khiến tham nhũng tại Việt Nam trở thành nghiêm trọng và nan giải là lề lối quản lý những dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển (ODA).

Trong ba thập niên vừa qua, Việt Nam nhận được các cam kết tài trợ trị giá khoảng 80 tỷ Mỹ kim. Phần lớn nguồn tiền khổng lồ này được phân bổ cho các dự án phát triển hạ tầng kinh tế như: phi trường, cảng biển, đường sá... Trên thực tế, những biểu hiện gian lận, tham nhũng tại các dự án đó đang khiến giới tài trợ lo ngại.

Ông Trần Ðức Lượng, phó tổng thanh tra chính phủ Việt Nam, thú nhận, việc phát hiện, xử lý hối lộ-tham nhũng chưa tương xứng vì các dự án sử dụng vốn ODA thường có quy mô lớn, phức tạp về kỹ thuật và được thực hiện trong một thời gian dài với sự tham gia của nhiều bên.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến các dự án sử dụng vốn ODA thường phát sinh gian lận, hối lộ-tham nhũng là việc xem các khoản vay ODA như viện trợ không hoàn lại hoặc “đời mình chưa phải lo trả,” nên không chú trọng tới yêu cầu phải sử dụng khoản vốn đó sao cho có hiệu quả.

Viên phó tổng thanh tra chính phủ Việt Nam còn đề cập tới một nguyên nhân nữa là những nhân vật đứng đầu các bộ, ngành, địa phương lo ngại việc công bố, xử lý các sai phạm sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ ngoại giao và chính sách hợp tác phát triển với giới tài trợ, thành ra chuyện chống gian lận, hối lộ-tham nhũng ở các dự án sử dụng vốn ODA không đến đâu.

Trong scandal “xin trả lại tiền,” các tờ báo công bố scandal này đều đã “tự ý đục bỏ” toàn bộ thông tin mà họ từng công bố. (G.Ð)
01-27- 2015 5:31:46 PM

No comments:

Post a Comment