Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) - Coi như chúng ta được một dịp bất chiến tự nhiên thành. Nhất là thứ “chiến” tâm lý, nếu được đánh động, tuyên truyền quần chúng nhân dân quả không dễ gặp. Vậy mà chính hôm nay người tặng chúng ta cảm nhận không-tiếc-máu này, chắc cũng không hề hay biết: Dân tộc Việt vốn được lớn mạnh từ những khắc phục đau thương, và từ chối những nghiệt ngã hiếp đáp sâu xa từ truyền kiếp.
Có những biến động chinh chiến đau thương đã xảy ra, có người cùng một cái chết hy sinh, nhưng mãi hơn 30 năm sau vẫn còn được lãnh đạo cao cấp nhất nước nhớ tới vinh danh. Hoặc còn được nhớ tới gói ghém lại trong một tác phẩm khá nổi tiếng “Ma Chiến Hữu” của Nobel Văn Học Trung Quốc Mạc Ngôn.
Trong khi chế độ mà chúng ta đang mỏi mòn nửa sống nửa chết cốt yếu là một chế độ sẵn sàng sai công an đến giật băng rôn, phá lẵng hoa tưởng niệm những anh hùng tử sĩ.
Phát động cuộc hiến máu cho một dân tộc thiếu máu?
Phải rồi, chúng ta đã ngã lên ngã xuống trong vòng vây nô lệ suốt 1050 năm Bắc Thuộc, mà chúng ta vẫn còn thừa những dựng xây tích trữ máu lệ, để đi vòng quanh cùng thế giới tự do qua những khổ nạn hòa bình, không Cộng Sản bá quyền.
Là con dân một nước độc tài, chúng ta thường có cùng tâm trạng chia sẻ trấn áp của người dân, chỉ vì một câu thơ đại khái như: “Đã đến lúc chúng ta phải bước tới Quảng Trường Thiên An Môn”, một nhà thơ ở Đại Lục coi như phạm húy ba chữ Thiên An Môn đã lãnh 7 năm tù đày. Cũng như chỉ một câu nhạc thiết tha: “Việt Nam còn hay đã mất”, một nhạc sĩ trẻ như Việt Khang phải gác lại tài năng thanh xuân vợ con 4 năm trong chốn xà lim. Và với một nhạc sĩ yêu nước, chỉ muốn Rạng Ngời Nước Nam khác là Trần Vũ Anh Bình lãnh 6 năm, cùng những ngày dài bị hành hạ tuyệt thực.
Vậy… đâu còn lý do gì để tiếc máu. Tiếc máu vì Tổ Quốc ư?
Máu đã đổ… và máu sẽ phải hồi sinh. Ở nơi đây bọn họ cũng đã rập nguyên bản chính “đồng chí”, làm quân khát máu để thử nốc cạn máu chúng ta. Không phải sao, từ những “cuộc” máu như Cải Cách Ruộng Đất vì nghe lời ai kia, Mậu Thân Huế, Nhân Văn Giai Phẩm, án xét lại và án xét xử kịch cỡm, liệt sĩ làm bia ăn đạn qui hàng ở Gạc Ma… Còn chuyện máu xương của hàng triệu người đã đổ trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa, vết nhơ đời đời không gột rửa Thiên An Môn… là chuyện của toàn trị Tàu Cộng.
Dĩ nhiên máu không chỉ đổ nơi đây, mà chừng như cũng đã đổ ở sự kiện Ngài vừa mang ra ca ngợi tấm lòng chiến sĩ. Cuộc chiến Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam 1979 mà nhân dân Việt Nam đã cố quên vì đã mất quá nhiều máu xương của hai nước, không lẽ Ngài vẫn muốn khơi dậy bằng hình thức này hình thức khác, để một cách nào đó chỉ xưng tụng đồng bào mình đã không tiếc máu cho Tổ Quốc.
Cám ơn Ngài Tập đã làm chúng ta liên tưởng đến bao nhiêu gương hy sinh can đảm của bộ đội chiến sĩ, cũng như những oan uổng của vô số thường dân Việt Nam vô tội, đã phải nằm xuống để bảo vệ cuộc chiến do Trung Quốc phát động.
Cũng trong tinh thần chống thực dân xâm lăng đô hộ, không thiếu những liệt sĩ ở Yên Bái nêu cao ý chí “không thành công cũng thành nhân” và đã khẳng khái đứng lên phản kháng chống chọi, chứng tỏ dân Việt không bao giờ hèn, nên chúng ta không hề sợ thiếu… máu. Máu nóng nhiệt huyết của tuổi trẻ chỉ cần hâm nóng lại, máu lạnh căm hờn của thế hệ lớn tuổi phải thay nhau quạt lửa lên cho con cháu. Và cho dẫu có đồng ý hay không về một phương thức đấu tranh, hoặc “uyển chuyển”, chúng ta cũng phải cảm phục sự quyết tâm không khuất phục can đảm của một Nguyễn Thái Học không-thiếu-máu: “Cờ Độc Lập, Hoa Tự Do phải tưới bằng máu”.
Chiến dịch tuyên truyền chống Tàu
Mấy lâu nay phong trào Thoát Trung xem ra có vẻ lắng đọng, kể từ cái tát biến động nẩy lửa của HD 981 và cú giáng văn hóa, người Việt chúng ta dường như co cụm lại trong phẫn uất về thái độ bạc nhược khấu đầu của đám tay sai, nhất là sau cuộc biểu tình lớn bị kích hoạt nổi dậy từ Bắc vô Nam của những bát nháo trong hai ngày trời giữa tháng 5 năm ngoái, với gần 800 xí nghiệp thiệt hại, chúng ta chưa ai buồn hâm nóng khí thế (hay xu thế chống Tàu mà họ Phùng tâm tư) của 11 cuộc biểu tình yêu nước năm 2011.
Dù khá quen với nụ cười nửa miệng “bí ẩn” của Thủ Tướng Dũng, lăm le “vừa hợp tác vừa đấu tranh với Trung Quốc”, đa số những học giả trí thức, báo chí văn nghệ sĩ, đảng viên cách mạng lão thành, đảng viên phản tỉnh… đều không chỉ muốn “thoát” những ám ảnh sát nhập Tàu với lần đón tiếp họ Tập bằng cờ 6 sao, đưa dây thòng lọng vào cổ dân tộc bằng Mật Ước Thành Đô…, kể cả thái độ khiếp nhược cầu an, vờ vịt đu dây và thiếu quyết tâm dứt điểm… khiến ai cũng phải cảm thấy câu “giặc ngồi sau lưng Ngài” như An Dương Vương năm xưa chính là cái mà chúng ta cần “thoát” gỡ trước hết.
Không thoát được con đường này sẽ không mở được lộ trình của con đường vùng thoát nô lệ, tự chủ tự cường và tự do dân chủ. Có điều với tình hình chính trị Việt Nam, dường như nung nấu tinh thần chống bành trướng bá quyền của ngoại xâm vẫn là thượng sách, dễ gây tác động hăng “máu”, và đám đông đồng cảm nên dễ thực hiện phát động hơn. Dĩ nhiên phải trong tư thế tuy hai mà một, tuy một mà hai theo thế song kiếm hiệp hành, nắm bắt cơ hội thì mới có hiệu quả.
Phải nói khi Ủy Viên Thường Vụ BCT đảng C.S.T.Q là Du Chính Thanh được Việt Nam đấu dịu trải thảm đỏ, quàng hoa đỏ lót đường cho chuyến nghênh đón thiên triều Tập Cận Bình trong năm nay, chúng ta không mấy ngạc nhiên trước những khép kín của báo chí thông tin truyền thông. Có lẽ để vuốt mặt phần nào cho đám con hoang khúm núm C.S.V.N, đã âm thầm nhận lệnh chỉ đạo, mà một trong 3 điều cần tuân lệnh chưa bao giờ được nói trước đó chính là điều thứ nhất: “Đình chỉ mọi chiến dịch tuyên truyền chống Trung Quốc”, khiến hơn ai hết, vị nguyên soái của Q.Đ.N.D họ Phùng đã tỏ ra mẫn cảm cúi đầu tâm tư nhất: “Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ đến người già đều có tư thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng cái đó là nguy hiểm cho dân tộc.”
Ông Thanh dùng chữ “đình chỉ” nghe có vẻ lịch sự, tưởng như chỉ đưa ra yêu sách tạm thời. Vì thế, ông Phùng không phải tỏ ra lo lắng tâm tư quá. Hãy dưỡng sức khỏi “bù lu bù loa” để còn bám theo đuôi quan lớn lần khác. Lần này hơi bị lạc điệu với nhân dân rồi. Phải đột phá trong bất cứ cuộc chơi nào, để may ra khi bị Tàu ghét vì không dám… ghét Tàu, mới may có dịp đoái công chuộc tội ngả về nhân dân.
Thảo nào đợt “nhập kho” tới tấp rơi đúng thời điểm Du Chính Thanh chuẩn bị hành trang “huấn thị ca” lên đường đáp xuống Hà Thành vào cuối năm qua, là để thể hiện thái độ triệt để tuân thủ sát phạt con dân Việt đã dám nói điều “không hay” về quan thầy của họ.
Điều huấn thị hai và ba nghĩ cho cùng chỉ là những vấn an sổ mũi thông thường, kiểu lập lại như luận điệu, âm tiết của những chiếc loa ngoại giao đàn anh đã rè. Đại khái như: “Không quốc tế hóa tranh chấp biển đảo. Tiến hành đàm phán về vấn đề tranh chấp trên cơ sở hoàn toàn song phương”.
Áp lực chắc nặng ký đưa ra, buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải tức tốc ra tay hàng loạt bắt bớ trù dập. Điều này còn vẽ thêm nhận xét, cái mà họ lo sợ nhất không phải là thứ nhà cầm quyền dễ xỏ mũi mua chuộc này, mà tình báo của họ hơn ai hết đã biết rất rõ phong trào bài Trung sẽ vực dậy tinh thần chủ nghĩa dân tộc của toàn dân Việt nam, sớm hay muộn.
Vinh danh cuộc chiến xâm lược 1979 mà Tập Cận Bình có lẽ chưa quên?
Không biết có nằm trong chính sách răn đe dạy dỗ, chỉ thấy một điều trùng hợp khá sít sao, khi Tập Cận Bình có mặt thị sát tập đoàn Quân 14 ở Tổng Hành Dinh Bộ Tư Lệnh ở Vân Nam vào ngày 21 vừa qua, ông Tập đã mặc nhiên đụng đến vết thương xưa trong quan hệ hữu nghị đồng chí anh em với nước láng giềng nhỏ bé. Bằng thái độ phớt tỉnh như Đặng Tiểu Bình đã “dạy cho Việt Nam một bài học” trong cuộc chiến 1979, ngài Tập tha hồ nhắc nhở một chiến sĩ Trung Quốc đã bỏ mình cách đây hơn 30 năm (tức tử trận 1984, vì sau một thời gian khá dài Trung Cộng tuyên bố rút quân vào 16 /3/1979 như dự định ban đầu “đánh mạnh rút nhanh”, nhưng lại phản đòn tiếp tục ráo riết tấn công và kéo dài ra những xung đột) vô tình đã làm cho thân nhân và đồng đội của những số phận bộ đội, đồng bào đền nợ nước của Việt Nam thêm tủi nhục, vì cho đến bây giờ linh hồn họ vẫn bị lịnh cấm tổ chức tưởng niệm từ “thiên tử”, nói chi đến được hãnh diện to tát, khi một vị nguyên thủ sốt sắng tham quan quân đoàn và nhắc tên. Vương Kiến Xuyên hẳn là một chiến sĩ anh dũng, đã lập công trên đường tòng chinh đánh phá một đất nước “đồng chí” dọc biên giới lãnh thổ và vì thế, không phải là không cảm kích cho ông đã được Ngài Tập tưởng nhớ đặc biệt, bởi một cuộc chiến vốn xem là nhiều thương tâm, phi nhân phi nghĩa và phi lý nhất.
Hơn thế nữa, người lính xa nhà Vương Kiến Xuyên năm xưa còn biết làm thơ gởi mẹ, và câu thơ: “Vì Tổ Quốc không tiếc máu nhuộm chiến kỳ” còn được Ngài Tập cảm hứng tô vẻ thêm một điển tích oai hùng khác để ủy lạo tinh thần anh chị em chiến sĩ trong quân đoàn 14, theo đúng phương châm: “Muốn hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh.”
Chỉ một chút tự hỏi bâng khuâng. Đem nhắc lại cuộc chiến đầy mất mát đã trôi qua 36 năm, nhất là ở thời điểm căng thẳng tranh chấp khá nhạy cảm này, người ta thấy chính Ngài Tập cũng đã đích thân không quên, và dường như còn có vẻ chú ý, cốt mang họ ra tri ân, vậy chẳng phải để cùng lúc kêu gọi tinh thần chiến đấu, và nhắc nhở lũ con hoang ngờ nguệch về một bài học xương máu không kém khác (?!)
Một cách nào đó, khi báo chí truyền thông của họ đưa hình ảnh này ra, không ít thì nhiều cũng làm tình cảm quan hệ trong chúng ta sôi sục, vì phải nhớ lại cuộc “dạy dỗ” ác ôn tàn bạo ấy. Còn với họ, nhắc lại sự kiện này như một gợi nhớ chiến sĩ hào hùng thì không lẽ lại muốn người dân Việt Nam phải e dè khiếp vía hơn, và đương nhiên còn lâu mới dám phản đối “hó hé” với Trung Quốc về bất cứ vấn đề gì, nói chi chuyện hải quân hàng hải cho xa xôi.
Nói chung
Càng gợi nhớ càng tủi nhục đau lòng “con quốc quốc”, càng phải dứt khoát thoát khỏi những ràng buộc hệ lụy đi từng quá trình một, vì có quá nhiều và đã bám rễ không xiết. Áng chừng từ thời vua Hán Cao Tổ, đến Mao, đến nghi án Hồ Tập Chương, đến thề thốt Thành Đô…
Xem ra Ngài Tập mới làm sống lại tâm thức xâm lược 1979, bằng một cử chỉ ủy lạo chiến sĩ nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Còn phải kể sự kiện kết nối hòa hoãn sau đó, dẫn đến chiếc bẫy sắc lẹm Mật Ước Thành Đô 1990 và thời hạn tầm ăn dâu đến năm 2020 định mệnh gõ cửa. Cùng với một chuỗi biến động lịch sử khác, ngang ngửa với hai lần Bắc Thuộc, phải kể là HD 981, dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa, Trường Sa…
Vậy chẳng rõ vì “tư tưởng lớn gặp nhau” với quan nhớn Du Chính Thanh, hay bản chất tham quyền cố vị, nịnh hót phục tòng ít khi tìm thấy ở một vị tướng nguyên soái quân đội, mà Phùng đại tướng thay vì nên lợi dụng, nuôi dưỡng tâm tư chống quân xâm lấn vốn bất khuất của con dân Việt, lại tỏ ra mềm như bún thiu mà lo bò trắng răng, và sợ dân gặp nguy hiểm, trong khi tướng tá kiếm đường tháo chạy? Dù chắc như bắp, thử hỏi có nguy hiểm nào lớn hơn nguy hiểm biến Việt Nam thành một khu tự trị như Tây Tạng, Nội Mông, Tân Cương…? Hay ông Phùng muốn được làm vua của một khu tự trị Tàu, còn hơn là làm quỷ một nước Việt Nam ta?
Với chúng ta đành xin nhấn mạnh lần nữa: Nhân dân Việt Nam cũng khó lòng quên bài-học-nhớ-đời của cuộc chinh phạt 1979, nếu không muốn nói là chúng ta cần phải nhân cơ hội khơi dậy này, cùng giương cao quyết tâm “Thoát”.
Và một khi trên hàng loạt tờ báo lề đảng Trung Cộng hôm 24 tháng 1 mới đây như Tân Hoa Xã, Thời Báo Hoàn Cầu, Nhân Dân Nhật Báo, Quân Giải Phóng, China News… và một số tờ báo khác ở Hồng Kông… đưa hình ảnh sự kiện này, liệu có làm báo chí truyền thông nhà nước Việt Nam chợt chạnh lòng, vì nghĩ lại chẳng bao giờ có dịp chụp bắt được thông tin, hình ảnh của mấy “Ngài” chóp bu Việt Nam đi ghi công, tán dương liệt sĩ, chiến sĩ của mình?
Còn thăm viếng Việt Nam lần này, biết đâu Ngài Tập sẽ bằng lòng đi tham quan dưới trời đổ nát của Việt Nam ta, để chứng kiến tận mắt những tấm bia đã buộc phải đục bỏ mấy chữ không hay “Trung Quốc Xâm Lược”, kể cả những tàn tích lăng tẩm đã theo dấu binh lửa bị phá hủy tan hoang.
Sự có mặt lần này của Ngài Tập hẳn là một hứa hẹn của hình ảnh tươi tắn, gần gũi và không xa rời hữu nghị.
Cho phép được xin lỗi Ngài Tập trước, vì chắc không thể có cờ 6 sao như lần đón tiếp hôm nào. Lý do đám con hoang tay sai của Ngài, chắc lúc đó đang bận đi truy nã những ai dám cả gan phất ngọn cờ đào… để dâng tặng thiên triều.
Một chi tiết trùng hợp, rất hân hạnh là Việt Nam cũng sẽ được đón tiếp vị đứng đầu nước Mỹ trước khi chấm dứt hai nhiệm kỳ của Tổng Thống Obama. Âu cũng là niềm mong mỏi phấn chấn, như ước mơ của một bà mẹ xứ Đà mới đây hoan nghênh Mỹ quay lại…
No comments:
Post a Comment