Nam Nguyên, phóng viên RFA 2015-01-16
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 - khóa XI hôm bế mạc ngày 12/1/2015.Courtesy chinhphu.vn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đổi mới chính trị không phải là thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng, bản chất của Nhà nước mà là đổi mới cơ chế chính sách, tổ chức bộ máy…”
Thay đổi luôn gắn với thay đổi về nhân sự?
Tất cả truyền thông báo chí do nhà nước quản lý đều đưa tin về bài phát biểu của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam trong dịp bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10, tổ chức ở Hà Nội hôm 12/1/2015 vừa qua.
Mặc dù trong 8 ngày họp Hội nghị Trung ương 10 có bàn thảo nhiều vấn đề trọng yếu, đặc biệt lần đầu tiên có việc lấy phiếu tín nhiệm của Trung ương Đảng đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư…Tuy nhiên cho đến ngày 15/1/2015 vẫn chưa có chi tiết nào được phổ biến trên truyền thông báo chí nhà nước. Tuy vậy dư luận và các mạng xã hội thì xôn xao về những tin ngoài luồng và dự báo các ứng viên vào các chức vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội nhiệm kỳ mới.
Nói Đảng Cộng sản Việt Nam không có gì thay đổi cả thì hoàn toàn không đúng. Nó có những sự thay đổi mà thay đổi nhiều nữa là khác và những sự thay đổi ấy luôn luôn gắn với những sự thay đổi về nhân sự.
-TS Nguyễn Quang A
Nếu như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định bản chất của Đảng và Nhà nước sẽ không thay đổi dù có đổi mới chính trị, thì tại sao dư luận và người dân lại quan tâm tới vấn đề nhân sự lãnh đạo tương lai. TS Nguyễn Quang A, nhà phản biện chính sách độc lập cũng là nhà hoạt động xã hội dân sự ở Hà Nội cho rằng, ý kiến của Tổng Bí thư chỉ phản ánh quan niệm của riêng của nhân vật này mà thôi, còn ý kiến của Đảng Cộng sản Việt Nam như thế nào thì mọi người phải đợi tới đầu năm 2016 thì mới ngã ngũ. TS Nguyễn Quang A nhấn mạnh:
“Nói Đảng Cộng sản Việt Nam không có gì thay đổi cả thì hoàn toàn không đúng. Nó có những sự thay đổi mà thay đổi nhiều nữa là khác và những sự thay đổi ấy luôn luôn gắn với những sự thay đổi về nhân sự… Nếu còn ông Lê Duẩn thì không thể có cuộc đổi mới vừa qua được và những sự phát triển thường gắn với sự ra đi, nhất là gắn với những thách thức của những người cầm quyền có thế lực.”
TS Nguyễn Quang A thêm rằng, mỗi kỳ Đại hội Đảng người dân thường quan tâm nhiều đến vấn đề nhân sự là chuyện bình thường ở Việt Nam. Ông nói:
“Đại hội sắp tới của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 2016, người dân quan tâm rất nhiều đến vấn đề nhân sự là vì đường lối tuy nói là của toàn Đảng, nhưng thực chất vẫn là do một hoặc một vài người có thế lực nhất trong Đảng quyết định. Đấy là lý do giải thích tại sao người dân lại quan tâm đến vấn đề nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam là như vậy. Tuy người ta yêu ghét như thế nào thì mình không cần bàn đến. Nhưng bởi vì chuyện đó nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của tất cả mọi người Việt Nam trong nước, nên người ta quan tâm như vậy là phải. Tôi nghĩ rằng ở các nơi khác khi mà bầu bán thì người ta cũng rất là quan tâm tới vấn đề nhân sự bởi vì chính sách là do những con người ấy tạo ra mà thôi.”
Việt Nam theo chế độ một đảng độc quyền lãnh đạo, đường lối chính sách quốc gia đều được quyết định và chỉ đạo từ Bộ Chính Trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực chất Đại hội Đảng là hoạt động của riêng Đảng này và 90 triệu người dân hoàn toàn đứng ngoài các lựa chọn của 3 triệu đảng viên. Chúng tôi nêu câu hỏi với Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là nếu ông có quyền chọn nhân vật vào chức vụ quyền uy bậc nhất là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, thì ông sẽ chọn ai trong số 16 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 11 hiện nay. Từ Hà Nội Luật sư Trần Quốc Thuận phát biểu:
“Tôi cho rằng gương mặt nổi trội mà có thể nhận lãnh chức Tổng Bí thư thì người đó phải thể hiện được điều thứ nhất là trong sạch không tai tiếng về đời tư. Bây giờ công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam đang đến hồi quyết liệt. Vấn đề thứ hai là người đó phải sẵn sàng lắng nghe ý kiến nhân dân, lắng nghe mọi ý kiến và chính kiến khác nhau. Và dĩ nhiên người đó phải dương ngọn cờ dân tộc mà hiện giờ người ta đang nói đến phong trào thoát Trung, đó cũng là một tiêu chí. Vấn đề thứ ba là vấn đề dân chủ, cứ nhìn người nào ủng hộ dân chủ không đàn áp dân chủ, không ra lệnh bắt bớ, không nói một đàng làm một nẻo. Những người như thế là đúng tiêu chí, còn con người cụ thể là con người nào thì cứ dựa vào các tiêu chí đó thì tìm ra con người cụ thể.”
TT Nguyễn Tấn Dũng có phiếu tín nhiệm cao nhất?
Trên các trang mạng xã hội có nhiều thông tin cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu danh sách 16 Ủy viên Bộ Chính trị có phiếu tín nhiệm cao nhất. Cũng từ đó các nhà báo công dân nói rằng ông Nguyễn Tấn Dũng có khả năng trở thành Tổng Bí Thư. Ngoài ra các trang mạng xã hội cũng đưa ra một danh sách các chức vụ lãnh đạo còn lại như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng với các ứng viên nhiều tiềm năng như đương kim Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Nguyễn Thiện Nhân Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc.
Chúng tôi nêu câu hỏi là Đảng Cộng sản sẽ chọn lãnh đạo khóa tới trong số 16 ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm, giả dụ TS Nguyễn Quang A có quyền chọn lựa thì ông sẽ quyết định như thế nào. TS Nguyễn Quang A đáp lời:
Ý kiến cá nhân của tôi thì sự thật tôi không chọn ai cả, bởi vì tất cả họ đều hỏng như nhau. Có người thì bảo rằng không được cái tốt nhất thì đành chọn cái tốt nhì…Tôi nói rằng không có cái tốt nhất cũng không có cái tốt thứ nhì.
-TS Nguyễn Quang A
“Ý kiến cá nhân của tôi thì sự thật tôi không chọn ai cả, bởi vì tất cả họ đều hỏng như nhau. Có người thì bảo rằng không được cái tốt nhất thì đành chọn cái tốt nhì…Tôi nói rằng không có cái tốt nhất cũng không có cái tốt thứ nhì mà có thể chúng ta sẽ phải chấp nhận cái tồi thứ hai, hay cái tồi thứ ba nếu mà loại những cái tồi nhất ra. Nếu để bày tỏ mong muốn gọi là để đừng có cái tồi tệ nhất thì đối với tôi, nếu mà những đồn đoán về bỏ phiếu tín nhiệm vừa qua của Hội nghị Trung ương Đảng CSVN là đúng, tức là ông Nguyễn Phú Trọng được phiếu tin nhiệm khá thấp và những người thân cận mà ông ấy nhắm hoặc cố gắng thúc đẩy để kế vị ông ấy cũng chỉ được số phiếu rất là thấp. Nếu mà việc đó loại được những người như thế khỏi việc nắm quyền lực và những người khác có thể chẳng phải tốt đẹp gì nhưng mà đỡ xấu hơn những người đó thì như vậy cũng đỡ hơn rồi.”
Đảng Cộng sản đã đề ra kế hoạch đổi mới thể chế và tái cơ cấu nền kinh tế và Chính phủ cũng đề ra các dự án từ hai năm qua nhưng thực sự là tiến độ cải cách rất chậm chưa hiệu quả. Trong tình hình Đại hội Đảng Cộng sản khóa 12 sẽ diễn ra vào sang năm và có thể khởi sự lần đổi mới thứ hai kể từ đầu thập niên 1990. Luật sư Trần Quốc Thuận nhận định về vấn đề này:
“Hiện nay chưa thấy dấu hiệu gì đột biến về sự đổi mới mặc dù đó là đòi hỏi rất lớn, đặc biệt là của giới trí thức nhưng mà ở Việt Nam vấn đề nổi trội lên là chống tham nhũng thì đó là vấn đề gay gắt và ác liệt, chống quan liêu tham nhũng, chống nhóm lợi ích và đặc biệt là chủ quyền biên giới biển đảo thì đó là vấn đề nổi trội và Việt Nam đang có quan tâm. Cho nên hai vấn đề đó làm tốt thì long dân yên tâm còn vấn đề đổi mới thì tôi nghĩ là cần thời gian lâu hơn nữa.”
Cùng về vấn đề Đảng Cộng sản Việt Nam có thể phát động cuộc đổi mới lần thứ hai sau lần đổi mới cuối thập niên 1980 đầu 1990. Trong bối cảnh hiện nay thì một cuộc đổi mới sẽ có thể giúp ích gì cho người dân Việt Nam. TS Nguyễn Quang A nhận định:
“Nếu giả dụ ông Nguyễn Tấn Dũng nắm được quyền lực cao nhất chẳng hạn, tôi nghĩ với tư chất của một chính trị gia thì ông ấy có thể khởi xướng một cuộc đổi mới rất mạnh mẽvà nếu ông ấy khởi xướng một cuộc chuyển đổi dân chủ ở Việt Nam hoặc ít ra có một lộ trình rất rõ ràng thì tôi nghĩ rằng ông sẽ được lịch sử ghi nhận cho nhiều đời sau. Còn nếu ông không làm được việc ấy mà chỉ làm được như ở bên Nga chẳng hạn thì lúc đó lịch sử sẽ đánh giá một cách khác. Tôi nghĩ đấy cũng là một động lực không phải là nhỏ để nếu ông ấy nắm được quyền sẽ ảnh hưởng đến hành động của mình.”
Con đường đổi mới phía trước của Việt Nam hay nói đúng hơn của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ hình thành như thế nào sau Đại hội Đảng khóa 12 vào năm 2016. Theo sự khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đổi mới chính trị không phải là thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng Cộng sản hay Nhà nước…thì các chuyên gia cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đổi mới nhằm duy trì sự tồn tại và quyền lãnh đạo đất nước, chứ không có hy vọng về một sự cải cách dân chủ, người dân có nhân quyền như nhiều người trông đợi.
No comments:
Post a Comment