Friday, January 16, 2015

FIDH: EU cần tăng áp lực nhân quyền đối với Việt Nam

Ông Giorgetta nói dù Đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam không phải là một cây đũa thần nhưng EU nên khai thác thế mạnh của mình là đòn bẩy kinh tế đối với Hà Nội để giúp xóa bỏ những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Ông Giorgetta nói dù Đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam không phải là một cây đũa thần nhưng EU nên khai thác thế mạnh của mình là đòn bẩy kinh tế đối với Hà Nội để giúp xóa bỏ những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Trà Mi-VOA
16.01.2015
Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền kêu gọi Liên hiệp Châu Âu trong cuộc đối thoại nhân quyền sắp tới phải yêu cầu Việt Nam tức tốc giải quyết tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng.

Cuộc Đối thoại Nhân quyền lần thứ 5 giữa Việt Nam với EU sẽ diễn ra tại Brussels (Bỉ) vào ngày 19/1/15.

Trong thông cáo hôm nay, Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền FIDH gồm hơn 100 tổ chức thành viên, nhấn mạnh thành tích nhân quyền Việt Nam không hề có dấu hiệu cải thiện cho nên EU phải dùng cuộc đối thoại này đưa ra khuyến nghị rõ ràng kèm thời hạn cụ thể để buộc chính phủ Hà Nội  phải thực thi những cải cách.

FIDH nói các khuyến nghị của EU phải bao gồm đề nghị Việt Nam chấm dứt sách nhiễu và bắt bớ tùy tiện các nhà bất đồng chính kiến, giới bảo vệ nhân quyền, các blogger, các tín đồ tôn giáo, cũng như phóng thích ngay lập tức tất cả tù nhân chính trị.

FIDH cũng yêu cầu EU thúc giục Việt Nam thực thi tất cả khuyến nghị do Ủy ban Liên hiệp quốc về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (CESCR) đưa ra hồi giữa tháng 12 năm ngoái bao gồm lời kêu gọi thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia, tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội dân sự và công đoàn được hoạt động độc lập, cải thiện quyền của người lao động, và xóa tệ trạng sử dụng lao động trẻ em.

Tuy nhiên, theo Trưởng bộ phận phụ trách khu vực Châu Á thuộc FIDH tại Thái Lan, điều quan trọng hơn hết phải là khuyến nghị Việt Nam hủy các quy định trong Bộ Luật Hình sự như điều 79, 88, 258, hay 87 thường được Hà Nội dùng để giam cầm công dân chỉ vì các hoạt động bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa.

Ông Andrea Giorgetta nói với VOA Việt ngữ: “Đề nghị chủ yếu đối với Việt Nam phải là dỡ bỏ hoặc sửa đổi các quy định rất mơ hồ trong Bộ Luật Hình sự. Đây cũng là điều mà Hoa Kỳ đang nỗ lực thúc đẩy. Đã tới lúc phải nói rõ với Hà Nội rằng quá đủ rồi, các luật này nhất thiết phải được điều chỉnh phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.”

'Phải tôn trọng luật pháp'

Ông Giorgetta nói dù Đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam không phải là một cây đũa thần nhưng EU nên khai thác thế mạnh của mình là đòn bẩy kinh tế đối với Hà Nội để giúp xóa bỏ những vi phạm nhân quyền trầm trọng tồn tại lâu nay ở Việt Nam và cổ xúy cho một sự thay đổi tích cực hơn.

Tính tới cuối năm ngoái, EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt Nam.

Đại diện FIDH nói Việt Nam có nhiều lợi ích kinh tế trong mối quan hệ với EU và để hưởng được các quyền lợi ấy, Hà Nội phải thể hiện là một thành viên có trách nhiệm trong sân chơi bình đẳng của thế giới, nghĩa là phải tôn trọng luật pháp quốc tế.

Ông Andrea Giorgetta nói: “Việt Nam phải hiểu rõ rằng họ phải chứng tỏ là có cải thiện nhân quyền. Dù rằng nếu họ không làm thì cũng không bị chế tài hay trừng phạt, nhưng những lợi ích họ đạt được trong mối quan hệ với EU tới đâu, ít hay nhiều, kết quả ấy dựa vào nỗ lực cải thiện thành tích nhân quyền của chính họ.”

Theo thống kê của FIDH, trong năm 2014, nhà cầm quyền Hà Nội đã bắt giam hoặc bỏ tù ít nhất 12 nhà hoạt động nhân quyền và blogger.

Việt Nam hiện có khoảng 200 tù nhân chính trị, là quốc gia giam giữ tù nhân lương tâm nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.

Tháng 8 năm ngoái, Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền đã đệ đơn khiếu nại lên Thanh tra của Liên hiệp Châu Âu yêu cầu xem xét việc Ủy ban Châu Âu từ chối không đánh giá tình hình nhân quyền Việt Nam trong các cuộc thương lượng về Thỏa thuận Tự do Mậu dịch giữa EU với Hà Nội.

Lý do được Ủy ban Châu Âu viện dẫn là việc này đã có các cơ chế và chính sách hữu hiệu khác của EU đảm trách chẳng hạn như cuộc Đối thoại Nhân quyền thường kỳ giữa Việt Nam-EU.

Người đứng đầu phụ trách khu vực Châu Á trong Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền cho biết tháng 9 vừa qua Thanh tra của Liên hiệp Châu Âu đã chính thức mở hồ sơ vụ việc và đang trong quá trình xử lý.

Chính phủ Việt Nam nhiều lần khẳng định tuy vẫn còn những điều cần khắc phục, nhưng nhân quyền trong nước luôn được tôn trọng.

Hà Nội gọi các cáo buộc về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam là ‘xuyên tạc’ và ‘thiếu thiện chí.’

No comments:

Post a Comment