Friday, January 16, 2015

Ban hành cả chục ngàn văn bản pháp luật vi hiến như trò hề

01-15-2015 3:49:09 PM  
HÀ NỘI (NV) - “Chỉ trong vòng 10 tháng của năm 2014, đã có gần 10,000 văn bản pháp luật có dấu hiệu vi hiến, trái luật được các bộ ngành, cơ quan địa phương kiểm tra phát hiện.”

Ðấy là thành tích làm ra các lệnh để cai trị dân của chế độ từ trung ương xuống địa phương theo cung cách “rừng nào cọp nấy” được nêu ra trong bản báo cáo của Bộ Tư Pháp, báo Tuổi Trẻ thuật lại hôm Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015, nhân dịp “hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tư pháp năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015.”


Bìa sách “Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014,” có hình anh hề “Công Lý.” (Hình: Tuổi Trẻ)

Trong bản báo cáo này có lời báo động là trong năm vừa qua, “số lượng văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật vẫn gia tăng.”

“Trong 10 tháng đầu năm 2014, các bộ, cơ quan, địa phương đã kiểm tra và phát hiện 9,017 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản (chiếm tỷ lệ 22%). Trong số đó có hơn 1,500 VBQPPL có dấu hiệu vi phạm về thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản.” Tờ Tuổi Trẻ tường thuật báo cáo trong cuộc họp. “Năm 2014, Bộ Tư pháp cũng đã phát hiện 885 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp hiến, hợp pháp.”

Trong cuộc họp này, theo sự tường thuật trên tờ Tuổi Trẻ, ông Hà Hùng Cường, bộ trưởng Tư Pháp của chế độ nhìn nhận nhiều đạo luật đã ban hành nhưng không có văn bản hướng dẫn thi hành trong khi phàn nàn, “Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các thông tư và thông tư liên tịch còn bị báo chí phản ánh sai nhiều.”

Tại mỗi tỉnh thị đều có một “Sở Tư Pháp” nhưng cơ quan này làm gì, không tư vấn để tình trạng mỗi ngày một tệ hại hơn, không thấy ông Hà Hùng Cường nêu ra trong bản tin nói trên. Chỉ thấy ông Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp Ðinh Trung Tụng, kêu rằng, “Việc rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất Văn bản quy phạm pháp luật còn mang tính hình thức, vẫn còn có sự dè dặt, nể nang trong kiểm tra, xử lý văn bản vi phạm.”

Tuy các văn bản “quy phạm pháp luật” đó trái luật, trái Hiến Pháp, ngày 2 tháng 10, 2014, trang mạng của Bộ Tư Pháp, nói rằng dù chúng đã bị “tuýt còi” nhưng lại vẫn “nhởn nhơ” tức không bị thu hồi “vì những lý do gì đó.” Ðây là điều từng được Bộ Tư Pháp than thở từ nhiều năm trước và tình trạng thì báo động ngày một tệ hại hơn.

Theo trang mạng Bộ Tư Pháp, những cơ quan công quyền CSVN ra văn bản trái luật “có vô vàn cách không theo pháp luật.” Hồi tháng 10, 2013, Cục Kiểm Tra Văn Bản của Bộ Tư Pháp CSVN báo cáo rằng trong khoảng thời gian 10 năm, từ 2003 đến 2013, có tới 50,000 văn bản quy phạm pháp luật “trái luật” được ban hành.

Mấy năm qua nhiều nghị định, thông tư, quyết định quái đản bị dư luận “ném đá” tới tấp. Thí dụ, Cục CSGT Ðường Bộ-Ðường Sắt đòi hỏi “quay phim CSGT làm nhiệm vụ phải xin phép,” Bộ Y Tế và Bộ Giao Thông Vận Tải tính ra quyết định “liên tịch” cấm phụ nữ ngực lép lái xe. Không những vận còn đòi người ta phải có vòng ngực “lực sĩ” từ 72cm trở lên và sức khỏe phải bóp nổi một lực gần như lực sĩ nữa. Chưa hết, lại còn đòi cấm người bị bệnh trĩ và những người mắc các chứng bệnh truyền nhiễm chạy xe.

Hồi tháng 2, 2013, người ta còn thấy Bộ Y Tế cấm người có 6 ngón tay hay 6 ngón chân thi lấy bằng lái xe dù những ngón chân hay tay dị tật này không ảnh hưởng gì đến khả năng điều khiển xe cộ.

Hàng trăm blogger tại Việt Nam mở chiến dịch vận động dư luận quốc tế áp lực nhà cầm quyền bãi bỏ điều luật hình sự 258 quy chụp và bỏ tù người dân sử dụng quyền tự do ngôn luận phát biểu hay đưa tin trái với chủ trương đường lối độc tài đảng trị của nhà cầm quyền Hà Nội. Ðiều luật này cũng như một số điều luật khác vi phạm chính bản Hiến Pháp của chế độ và Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị.

Hồi tháng 11, 2014, dư luận sửng sốt về trang bìa của cuốn sách “Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” do nhà xuất bản Lao Ðộng và Xã Hội ấn hành. Trên bìa có hình một người đàn ông trần truồng, trên người chỉ mặc một chiếc quần nhỏ, và hai tay dang rộng... làm cán cân công lý. Duy có khuôn mặt lắp ghép thì rõ “hình thật” là mặt của anh hề có biệt hiệu là “Công Lý.”

Có nhiều lời bình luận trên Internet nói hình ảnh đó “khắc họa” đúng phẩm chất của nền tư pháp tại Việt Nam, chẳng khác gì trò hề. (TN)

No comments:

Post a Comment