Friday, January 16, 2015

Hơn 1,400 vụ cháy nổ ở Sài Gòn trong năm 2014


01-15- 2015 4:54:33 PM
SÀI GÒN (NV) - Hơn 1,400 vụ cháy nổ, phân nửa là nhà dân, làm thương vong 65 người chỉ trong một năm, song giới lãnh đạo sở cảnh sát cứu hỏa né trách nhiệm đổ lỗi do... điện.

Theo Tuổi Trẻ, ngày 15 tháng 1, tại lễ tổng kết về công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ, Sở Cảnh Sát Phòng Cháy và Chữa Cháy Sài Gòn cho biết, trong năm 2014 thành phố xảy ra 1,426 tai nạn liên quan đến cháy, nổ và cứu nạn cứu hộ, làm chết 31 người, bị thương 34 người.


Một vụ cháy nổ hóa chất ở quận 12, thành phố Sài Gòn gây sập nhà, chết người. (Hình: Tuổi Trẻ)

Vụ án vụ cháy nổ hóa chất ở Q.12 - Ảnh: Hữu Khoa
Vụ án vụ cháy nổ hóa chất ở Q.12 - Ảnh: Hữu Khoa

Xe thang chữa cháy tại quán Karaoke Idol trên đường Trần Quốc Thảo. Ảnh: An Nhơn.


Ước tính tài sản bị thiệt hại khoảng 45 tỷ đồng (khoảng $2.2 triệu), trong đó có 40 vụ cháy đang điều tra chưa tính được thiệt hại. Cháy nổ xảy ra nhiều nhất là nhà dân với 654 vụ (chiếm 50.5%).

Nguyên nhân gây cháy được cho là chủ yếu do tai nạn và vi phạm quy định trong sử dụng điện, với 620 vụ và nhà cửa không có lối thoát hiểm.

Ông Lê Tấn Bửu, giám đốc cảnh sát PCCC Sài Gòn cho biết, hiện thành phố Sài Gòn tồn tại nhiều nhà ống, nhà cao tầng (chung cư, trung tâm thương mại, khách sạn)... được xây dựng trước khi luật PCCC ra đời, nên lối thoát nạn không bảo đảm bảo an toàn về PCCC. Do vậy, vài năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ cháy nhà ống gây chết nhiều người.

Tuy nhiên, tờ Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Hữu Tín, phó chủ tịch thành phố Sài Gòn: “Quy định về đảm bảo an toàn PCCC rất chặt chẽ nhưng do việc kiểm tra, xử phạt chưa được rốt ráo, quyết liệt nên các hành vi vi phạm trên thực tế vẫn còn phổ biến. Trách nhiệm này thuộc về cảnh sát PCCC và các quận, huyện. Thành phố đang rà soát lại và sẽ tổ chức họp bàn để chấn chỉnh tình trạng này.”

Ông Trương Lâm Danh, phó trưởng Ban Pháp Chế, Hội Ðồng Thành Phố Sài Gòn cũng nhận xét, để vi phạm an toàn PCCC xảy ra tràn lan và không được chấn chỉnh kịp thời thì phải xem xét trách nhiệm quản lý của cảnh sát PCCC.

“Không thể cứ nói do người dân thiếu ý thức rồi mình không làm gì. Nếu PCCC chủ động kiểm tra, xử phạt nghiêm thì làm sao các nơi vi phạm rành rành như thế tồn tại ngang nhiên được,” ông Danh nói. (Tr.N)

No comments:

Post a Comment