Lê Dủ Chân (Danlambao) - Tư tưởng cho rằng quân đội phải trung thành với một thành phần nào đó trong xã hội với mục đích biến quân đội thành một công cụ riêng tư để bảo vệ cho quyền lợi cá nhân, phe nhóm hoặc đảng phái của mình như lời tuyên bố sau đây của ông Nguyễn Phú Trọng "...Chỉ có Đảng Cộng sản VN là tổ chức duy nhất lãnh đạo Quân Đội Nhân Dân VN. Sự lãnh đạo quân đội không thể phân chia cho bất kỳ một cá nhân nào, một lực lượng chính trị nào khác..." là tư tưởng của những kẻ độc tài, phong kiến đặt cá nhân mình, dòng họ của mình, tổ chức, đảng phái của mình lên trên tổ quốc và nhân dân, sỉ nhục đến bản chất cao cả và trách nhiệm thiêng liêng của quân đội một quốc gia...
*
Kính thưa quý vị tướng lãnh, sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (QĐNDVN).
1- Quân Đội Nhân Dân Việt Nam là quân đội của nước Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, là một tập thể con dân Việt Nam được nuôi dưỡng, huấn luyện và trang bị bằng tiền thuế của nhân dân Việt Nam, có nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc và dân tộc Việt Nam trước hai loại giặc đó là giặc ngoại xâm và giặc nội xâm và chỉ chịu trách nhiệm trước tổ quốc và nhân dân Việt Nam.
2- Đảng phái chính trị, cho dù là đảng đang cầm quyền cũng chỉ là một tổ chức chính trị có tính cách giai đoạn đối với sự tồn vong của một quốc gia và chiều dài lịch sử của một dân tộc.
Đảng cộng sản Việt Nam chỉ là một tổ chức của những người theo chủ nghĩa cộng sản, nó không khác gì các đảng phái, mặt trận, hội đoàn khác trong sinh hoạt chính trị của xã hội Việt Nam ta từ trước đến nay, do đó mọi lý luận muốn đồng hóa đảng cộng sản Việt Nam với tổ quốc Việt Nam, với dân tộc Việt Nam chỉ là ngụy biện ngang ngược nhằm phục vụ cho mưu đồ ngàn năm cai trị của đảng cộng sản đối với dân tộc Việt Nam.
3- Sinh mạng quân đội của một quốc gia lệ thuộc vào sự sống còn của quốc gia đó, dân tộc đó, còn nước còn dân còn quân đội.
Trong lúc đó sinh mạng của một đảng phái chính trị chỉ lệ thuộc vào sự tín nhiệm của nhân dân. Dân còn tin thì còn nắm chính quyền, dân hết tin nếu không tự động thoái vị sẽ bị dân thay thế bằng lá phiếu trong chế độ dân chủ hoặc bằng một cuộc cách mạng lật đổ trong chế độ độc tài (như quý vị đã chứng kiến qua sự thay đổi chính quyền trong các nước theo thể chế tự do dân chủ và sự sụp đổ của các chế độ cộng sản, độc tài ở Đông Âu, Bắc Phi và Trung Động trong thế kỷ 20, 21 này).
4- Bản chất của quân đội là bảo quốc an dân trong lúc đó bản chất của một đảng phái chính trị là giành chính quyền để cai trị dân theo đường lối chính sách của mình.
Quân đội của một quốc gia không tham gia chính trị cai trị nhân dân, nhưng có nhiệm vụ chính trị là chống lại bất cứ thế lực nào, dù đến từ bên ngoài (giặc ngoại xâm), hoặc phát xuất từ bên trong (giặc nội xâm) có âm mưu, hành động làm tổn hại đến sự an nguy của tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Do vậy với trách nhiệm chính trị của quân đội phải là lực lượng tiên phong chống ngoại xâm và trừng phạt bất cứ thế lực chính trị đương quyền nào đi ngược lại quyền lợi của quốc gia và dân tộc, bán nước, phản quốc, hại dân.
5- Quân sử của các nước trên thế giới cũng như quân sử của nước Việt Nam ta đã chứng minh rằng một lực lượng quân sự dù do bất cứ cá nhân nào, dòng họ nào, chế độ nào thành lập, một khi lực lượng quân sự đó trở thành quân đội của một quốc gia thì nó là tài sản chung của quốc gia đó, của dân tộc đó cho dù cá nhân, dòng họ, chế độ thành lập ra nó không còn quyền lực hoặc bị khai tử bởi bất cứ lý do gì.
Quân đội đời nhà Lý nước ta là một quân đội anh hùng đã từng đánh Tống bình Chiêm, sau khi nhà Lý không còn, quân đội đó vẫn tiếp tục truyền thống anh hùng, phục vụ tổ quốc dưới đời nhà Trần chống quân Nguyên Mông lập nên những chiến công hiển hách cho dân tộc ta.
Nhìn ra thế giới, quân đội của hầu hết các nước như Pháp, Nhật, Nga, Mỹ, Phi, Đại Hàn, Thái... vẫn tồn tại vĩnh viễn với tổ quốc của họ cho dù chính quyền các nước đó liên tục thay đổi từ tay đảng này qua đảng khác, từ tập đoàn này đến tập đoàn khác nắm giữ.
Tư tưởng cho rằng quân đội phải trung thành với một thành phần nào đó trong xã hội với mục đích biến quân đội thành một công cụ riêng tư để bảo vệ cho quyền lợi cá nhân, phe nhóm hoặc đảng phái của mình như lời tuyên bố sau đây của ông Nguyễn Phú Trọng "...Chỉ có Đảng Cộng sản VN là tổ chức duy nhất lãnh đạo Quân Đội Nhân Dân VN. Sự lãnh đạo quân đội không thể phân chia cho bất kỳ một cá nhân nào, một lực lượng chính trị nào khác..." là tư tưởng của những kẻ độc tài, phong kiến đặt cá nhân mình, dòng họ của mình, tổ chức, đảng phái của mình lên trên tổ quốc và nhân dân, sỉ nhục đến bản chất cao cả và trách nhiệm thiêng liêng của quân đội một quốc gia.
Kính thưa quý vị.
Trong 70 qua, dưới sự kềm kẹp của đảng cộng sản, QĐNDVN đã đánh mất đi bản chất, truyền thống của mình để trở thành một công cụ của đảng cộng sản Việt Nam.
Hoàn cảnh của QĐNDVN không khác gì hoàn cảnh của người dân Việt Nam hôm nay.
Dân được tôn lên làm ông chủ nhưng phải chịu sự lãnh đạo và quản lý của đảng, quân đội là quân đội của dân nhưng phải tuyệt đối trung thành với đảng thay vì trung thành với tổ quốc và nhân dân; Chủ Tịch nước là Tư Lệnh tối cao của QDND nhưng phải chấp hành lệnh của bí thư quân ủy trung ương (đảng trưởng đảng cộng sản); Tư Lệnh quân đoàn, sư đoàn phải nghe lệnh của chính ủy; Tiểu Đoàn trưởng, Đại Đội trưởng phải tuân theo lời của chính trị viên... Đó là một nghịch lý mang tính hài hước mà không có một quân đội văn minh nào trên thế giới có thể chấp nhận. Nhưng oái ăm thay cái "nghịch lý mang tính hài hước" đó vẫn tồn tại đối với QĐNDVN trong 70 năm nay!
Ngày 20-7-2005, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TW “Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam” để khẳng định lại sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Quan hệ giữa chính ủy, chính trị viên với người chỉ huy là quan hệ phối hợp công tác, khác trước đây là quan hệ chỉ huy, phục tùng. Chính ủy, Chính trị viên chịu trách nhiệm trước Đảng và cấp trên về mọi mặt công tác đảng và quân sự, được quyền "quyết định tối hậu".
Qua nghị quyết này các cấp chỉ huy quân đội từ bộ Bộ Trưởng Quốc Phòng cho đến cấp nhỏ nhất là Tiểu Đội trưởng chỉ là những con bù nhìn trước đảng.
Là một quân nhân, quý vị có thấy đó là một sự kềm kẹp không? Sự kềm kẹp này đúng hay sai đối với trách nhiệm của quân đội trong một quốc gia? Mục đích của sự kềm kẹp là gì? Tại sao QĐNDVN phải bị đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của đảng? Nếu như thế thì nhân dân, quốc hội, chính phủ ở đâu và là gì đối với quân đội? QĐND hiện nay là quân đội của nước Việt Nam hay là quân đội riêng của đảng cộng sản Việt Nam? Trong trường hợp đảng vì lợi ích của cá nhân, của phe nhóm đi ngược lại quyền lợi của tổ quốc của nhân dân như trong hoàn cảnh của nước ta hiện nay thì quý vị nghĩ như thế nào? Và sẽ làm gì?
Quân đội có thể có bao nhiêu tổ quốc? Có thể có bao nhiêu dân tộc? Và có thể có bao nhiêu đảng phái?
Tôi tin rằng trong thâm tâm của quý vị đã thấy rõ vấn đề và mong rằng vào một ngày đẹp trời nào đó quý vị sẽ trả lời nhưng câu hỏi thô thiển trên trước quốc dân đồng bào Việt Nam bằng hành động sáng suốt của mình.
Trân trọng kính chào.
No comments:
Post a Comment