Bệnh viện Bình Dân TP.HCM là một trong những nơi xuất hiện tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực y tế - Ảnh minh họa
Nhiều cơ sở y tế vẫn diễn ra tình trạng tham nhũng với số lượng lớn; nhiều cơ sở y tế tư nhân hoạt động không phép hoặc giấy phép đã hết hạn; tình trạng thực phẩm không an toàn vệ sinh vẫn được bày bán… Đó là những vấn để nổi cộm được ngành thanh tra đưa ra tại Hội Nghị tổng kết công tác thanh tra Y tế (Bộ Y tế) năm 2014 hôm 19.1.
Theo ông Vũ Sỹ Vân, Phó Chánh tra Bộ Y tế, tình trạng tham nhũng diễn ra nổi cộm tại: Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Bình Dân và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương ở TP.HCM.
Ông Vũ Sỹ Vân cho biết, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM đã sử dụng vượt quá số lượng phim được thu từ bệnh nhân là 488.088.150 đồng, làm thất thoát 3.365.086.000 đồng sử dụng phim bị cắt ghép tạo ra phim thừa.
Trong khi đó, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM liên doanh, liên kết đã làm thất thoát của bệnh viện 782.517.104 đồng và tự ý cho thuê mặt bằng, chưa xin ý kiến của TP đã thu về bất chính hơn 6 tỷ đồng.
Ngoài ra, bệnh viện này còn không báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu, mua sắm trang thiết bị y tế bằng nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và nguồn dự án kích cầu là 1.834.400.000 đồng.
Riêng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã ký hợp đồng lao động, báo cáo quyết toán không trung thực. Cụ thể, bệnh viện này đã bố trí các bộ phận cao hơn quy định 5%, ký hợp đồng lao động với 275 người, nhưng có đến 196 lao động chưa đáp ứng đủ điều kiện tuyển dụng.
Doanh thu của bệnh viện này năm 2011, 2012 tăng so với báo cáo quyết toán của bệnh viện lên đến 9.541.686.922 đồng. Năm 2012, bệnh viện này còn chi vượt quỹ tiền lương đến 15.658.352.122 đồng, bệnh viện không có lợi nhuận nhưng vẫn tiến hành trích quỹ khen thưởng, phúc lợi với số tiền gần 10 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số đơn vị y tế ở các tỉnh như: Lai Châu, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Nam Định, Kom Tum, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ và Tiền Giang cũng phát hiện nhiều sai phạm trong lĩnh vực y tế.
Để đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các quy định của Luật phòng chống tham nhũng, ông Vân đề nghị, các địa phương phải thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thủ tục hành chính, đặc biệt quan tâm đến một số lĩnh vực trọng tâm như: an toàn vệ sinh thực phẩm; quản lý thuốc, mỹ phẩm; vắc xin sinh phẩm; vật tư và trang thiết bị y tế; khám, chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế; hành nghề y tế tư nhân; hành nghề dược tư nhân….
Riêng về lĩnh vực dược, theo tranh tra Bộ Y tế, các địa phương đã thanh, kiểm tra 11.496 cơ sở thì đã phát hiện có đến 2.461 cơ sở vi phạm.
Trong số các cơ sở vi phạm trên, ngành y tế đã đình chỉ 156 cơ sở, tiêu hủy 25kg thuốc dược liệu không rõ nguồn gốc, phạt và đình chỉ hàng nghề không phép đối với 93 cơ sở...
Đồng thời, các địa phương cũng đã tịch thu 184 khoản thuốc quá hạn dùng, 18 khoản thuốc phi mậu dịch, 36 khoản thuốc không còn nguyên vẹn bao bì, 66 khoản thuốc không số đăng ký…
Công tác trọng tâm thanh tra của các Sở y tế các tỉnh, thành năm 2015 được thanh tra Bộ Y tế lưu ý trong quản lý nhà nước về hành nghề y, quản lý nhà nước về lĩnh vực dược, quản lý nhà nước về y tế dự phòng và quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
“Trong quản lý nhà nước về hành nghề y, cần quan tâm hệ thống ngoài công lập về nội dung thực hiện chính sách pháp luật bảo hiểm y tế, công tác xã hội hóa y tế. Đối với quản lý nhà nước về lĩnh vực dược cần quan tâm công tác đấu thầu, bảo quản thuốc, chất lượng thuốc, giá thuốc. Đặc biệt, quan tâm mua sắm trang thiết bị y tế”, ông Vân nói
Hồ Quang
No comments:
Post a Comment