Việt Nam đến nay vẫn dùng nhiều vũ khí của Liên Xô và Nga
Moscow cản tàu Mỹ và Trung Quốc đồng thời viện trợ quân sự cho Hà Nội chống Bắc Kinh nhưng có sáu sỹ quan Liên Xô tử nạn ở Đà Nẵng năm 1979, theo một bài bằng tiếng Việt trên truyền thông Nga hôm 19/1/2015.
Đài Tiếng Nói nước Nga trong bài của phóng viên Aleksei Lensov có tựa đề 'Cùng chung sức chống cuộc tấn công từ phương Bắc' đã nhắc lại một số chi tiết lịch sử quan trọng nhìn từ phía Moscow về cuộc chiến Việt - Trung năm 1979.
Bài báo nêu ra các con số về lực lượng của Trung Quốc đánh Việt Nam cũng như tiết lộ số quân Liên Xô được điều động đến biên giới Trung Quốc nhằm hỗ trợ cho Việt Nam, nước Đông Nam Á duy nhất là thành viên Khối Hiệp ước Quân sự Warsaw do Moscow chỉ đạo.
'Cản cả Mỹ và Trung Quốc'
Chẳng hạn, tác giả Lensov cho rằng Trung Quốc "mở cuộc tấn công mạnh mẽ nhất từ phía Bắc trong vòng hơn hai thiên niên kỷ, với lực lượng thực hiện lên đến 600.000 người".
Về phía Liên Xô khi đó bài báo viết:
"Để biểu thị sự ủng hộ đối với Việt Nam...Liên Xô đã điều động đến gần biên giới với Trung Quốc 29 sư đoàn bộ binh cơ giới với quân số lên đến 250.000 người."
"Hai sư đoàn không quân cũng được chuyển đến phía Đông, trong đó có một sư đoàn ở Mông Cổ."
Ngoài ra, Liên Xô cũng tăng cường các hoạt động ở Biển Đông để "ngăn Trung Quốc và Mỹ", theo bài báo.
"Ngay từ đầu tháng Hai, khi có các thông tin đầu tiên về ý định của Trung Quốc 'dạy cho Việt Nam bài học', các tàu tuần dương và tàu khu trục của Hải quân Liên Xô đã được phái đến Biển Đông,"
"Ngay sau khi cuộc tấn công xảy ra, ở đó đã tập trung 13 tàu của Liên Xô, đến đầu tháng Ba – số tàu Liên Xô lên đến 30 chiếc. Kết quả sự hiện diện của tàu Liên Xô là Hải quân Trung Quốc với số lượng 300 tàu đã không có cơ hội để tham gia vào cuộc tấn công Việt Nam."
"Đồng thời, thủy thủ Liên Xô đã đối phó với các tàu chiến Mỹ, ngày 25 tháng Hai đã đỗ thành chuỗi ngoài khơi bờ biển Việt Nam với mục đích mà người Mỹ tuyên bố là “để kiểm soát tình hình". Để kìm giữ chúng không tới được khu vực hoạt động chiến sự, tàu ngầm của Liên Xô chặn các ngả đường tiếp cận của tàu Mỹ."
"Tàu Liên Xô đã tạo ra một rào cản trên biển mà tàu Mỹ đã không dám vượt qua và đến ngày 6 tháng 3 thì rút hết khỏi Biển Đông."
Năm 1979, Hoa Kỳ và Trung Quốc lập quan hệ ngoại giao, tạo ra thế cô lập cho Việt Nam
Về không quân, hai bên Liên Xô và Việt Nam có kế hoạch dùng máy bay của Liên Xô đưa quân Việt Nam Campuchia về mặt trận phía Bắc.
Bài báo cũng nói, "rất đáng tiếc là về phía các chuyên gia quân sự Liên Xô đã không tránh khỏi tổn thất. Khi hạ cánh tại Đà Nẵng, máy bay vận tải Liên Xô gặp sự cố, sáu sĩ quan Xô Viết bị hy sinh".
"Máy bay vận tải quân sự của Liên Xô đã chuyển cho Việt Nam nhiều tên lửa Grad, thiết bị cho các đơn vị tình báo điện tử, cùng các phương tiện hỗ trợ chiến đấu khác" trong cuộc chiến Trung Quốc đánh vào sáu tỉnh biên giới của Việt Nam từ 17/2/1979.
Con số khác nhau
Cho đến nay, các sử liệu ở Trung Quốc, Việt Nam và trên thế giới chưa đồng nhất về các con số quân Trung Quốc tham chiến, hoặc sự hiện diện của Liên Xô hay Hoa Kỳ tại khu vực Đông Dương trong thời gian ông Đặng Tiểu Bình ra lệnh 'trừng phạt' Hà Nội năm 1979.
Hồi tháng 2/2011, trong một bản dịch gửi cho BBC, học giả Dương Danh Dy, cựu cán bộ ngoại giao Việt Nam tại Trung Quốc viết về cách nhìn của ông Đặng Tiểu Bình khi đó:
"Khi thăm Mỹ tôi nói cho Việt Nam bài học, nước Mỹ không tán thành. Chúng ta sử dụng hành động tương đối lớn sợ dẫn tới phản ứng lớn của Liên Xô, nước Mỹ một mặt phản đối chúng ta trừng phạt, nhưng mặt khác cũng thông báo cho chúng ta chút tình báo, nói quân đội Liên Xô về căn bản không động đậy, trên mấy ngàn cây số biên giới (Trung Xô) chỉ có 54 sư đoàn không đầy đủ quân số,"
Chiến hạm Đô đốc Tributs của Nga thăm Việt Nam hồi 2012 - hình minh họa
Điều này có vẻ như đã khiến ông Đặng mở cuộc chiến 'Đối Việt tự vệ phản kích chiến' nhanh chóng và sau khi tàn phá sáu tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam thì rút quân về:
"Ba phần tư binh lực Liên Xô bố trí tại châu Âu, nên muốn tấn công Trung Quốc qui mô lớn thì phải chuyển dời trọng điểm chiến lược, ít nhất phải điều 1 triệu quân từ châu Âu về, việc này không kịp vì thời gian hành động của chúng ta không dài."
Tài liệu về tiết lộ của ông Đặng, theo bản dịch của ông Dương Danh Dy chỉ nói Hoa Kỳ có "hỗ trợ Trung Quốc về tin tình báo" chứ không nói gì đến chuyện có hải quân Mỹ "hoạt động kiểm soát tình hình" ở Biển Đông như bài của tác giả Nga nêu trên.
Còn trang Britannica về lịch sử thế giới cho hay sau khi Việt Nam đưa 200 nghìn quân sang Campuchia để hỗ trợ chính quyền Phnom Penh, Trung Quốc tấn công 'trừng phạt' nhanh chóng nhưng tàn khốc dọc biên giới Việt Trung đầu năm 1979, "để đáp trả hành động của Việt Nam tại Campuchia".
"Trong vòng một tháng chiến tranh, người Trung Quốc đã phá hủy nhiều đô thị quan trọng của Việt Nam và gây ra tàn phá nghiêm trọng vùng chiến tuyến nhưng họ cũng chịu tổn thất rất nặng từ phía người Việt Nam bảo vệ đất nước", Britannica viết.
Con số quân Trung Quốc thiệt mạng trong cuộc chiến này hiện vẫn còn là đề tài tranh luận.
No comments:
Post a Comment