(Baodatviet) - Được tái bổ nhiệm làm Thủ tướng, ông Shinzo Abe đã chỉ định bộ trưởng quốc phòng mới cũng nổi tiếng cứng rắn trước mối đe doạ Trung Quốc.
Kinh tế và quốc phòng
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, ông Gen Nakatani, từng phục vụ trong quân đội, đã giữ chức người đứng đầu cơ quan quốc phòng Nhật giai đoạn 2001-2002.
Ông Nakatani được cho là một nhân vật có chung quan điểm với Thủ tướng Abe là cổ suý cho một vai trò an ninh lớn hơn của Nhật Bản. Ông ủng hộ việc Nhật Bản có thể tấn công phủ đầu kẻ thù trong trường hợp sắp bị tấn công.
“Nếu các bạn nghĩ về những gì sẽ xảy ra một khi Mỹ rút đi thì chúng ta phải tính đến khả năng đáp trả. Đó là vì chúng tôi không thể ngồi nhìn và chờ chết” - ông Nakatani từng nói với hãng tin Reuters hồi đầu năm 2014.
Lựa chọn chuyên gia an ninh Nakatani cho vị trí bộ trưởng quốc phòng được xem là giải pháp của ông Abe cho những quan ngại về nguy cơ đến từ hai quốc gia hạt nhân là Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, theo Reuters.
Ngoài ra, lựa chọn trên cũng phù hợp với đường lối an ninh quốc phòng của ông Abe từ trước tới nay, trong đó có việc thay đổi một điều khoản hiến pháp vốn hạn chế khả năng quân đội Nhật từ sau thế chiến thứ hai. Thay đổi này sẽ cho phép quân đội Nhật trợ giúp đồng minh và chiến đấu ở nước ngoài.
Ông Abe đã chọn tân bộ trưởng quốc phòng có lập trường cứng rắn giống mình |
Một động thái quan trọng khác của ông Abe sau khi được tái bổ nhiệm làm Thủ tướng là cam kết thúc đẩy các chính sách kinh tế nhằm xây dựng một nền kinh tế vững mạnh.
Phát biểu tại buổi họp báo sau khi được tái bổ nhiệm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định: “Nhiệm vụ lớn nhất của tôi là thực hiện thành công chính sách Abenomics. Chỉ khi bạn có một nền kinh tế mạnh, bạn mới có một nền ngoại giao mạnh, Đây là 2 mặt của một đồng tiền. Đó là lý do tại sao tôi ưu tiên cho nền kinh tế”.
Với việc tái đắc cử Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe sẽ có cơ hội thúc đẩy các biện pháp đề ra trong chính sách kinh tế "Abenomics" để đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát, tái định hình chính sách an ninh hậu chiến của Nhật Bản và tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân phải ngừng hoạt động kể từ sau sự cố ở Fukushima năm 2011.
Phản ứng ngay lập tức
Những diễn biến nói trên rõ ràng là một tin không vui đối với Trung Quốc. Ngày 24/12, Tân Hoa xã dẫn lời bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh sẽ đối phó với các vấn đề có liên quan theo quy chế ngoại giao.
Trong một bài xã luận, Tân Hoa Xã lên án cái họ gọi là "chủ nghĩa xét lại Shinzo Abe" về vấn đề lịch sử khi ông và hàng loạt chính khách Nhật Bản hàng năm vẫn bày tỏ lòng tôn kính đến ngôi đền Yasukuni, nơi Bắc Kinh và Seoul xem như biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản vì phối thờ 14 tội phạm chiến tranh.
Tân Hoa Xã cáo buộc, Thủ tướng Nhật Bản đã phá bỏ quan điểm hòa bình của đất nước chắc chắn sẽ là trở ngại cho nỗ lực thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực.
Năm 2015 sẽ tròn 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới II, Tân Hoa Xã khuyến cáo ông Shinzo Abe nên tận dụng cơ hội này để tỏ thiện chí với 2 nước láng giềng thay vì tiếp tục những tuyên bố về ý định tìm kiếm cái Tân Hoa Xã gọi là "vinh qua của những năm 1930".
Tờ Chuyên gia của Nga thì dẫn nguồn Tân Hoa Xã nói rằng "Abe và Bộ trưởng quốc phòng mới của mình nên cẩn thận. Cả hai đang ủng hộ việc tăng cường vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, cộng đồng quốc tế cần giám sát chặt chẽ và nhắc nhở họ đừng đi quá xa".
Tần Cương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng ông hy vọng Nhật Bản "nhớ những bài học trong lịch sử, phù hợp với xu thế thời đại, phát triển hòa bình và hợp tác cùng thắng, tôn trọng những mối quan tâm an ninh hợp pháp và hợp lý của láng giềng".
Khải An (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment