Bà Nguyễn Thị Tuyết, 75 tuổi có hộ khẩu ở Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội đăng ký BHYT tại Bệnh viện Giao thông vận tải. Trong đợt điều trị này, người nhà đã làm giấy xin chuyển về Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương để điều trị lâu dài, đúng với bệnh. Hiện bà Tuyết đang nằm điều trị tại đây được hơn 10 ngày và còn phải kéo dài thêm. 
Lo lắng thẻ BHYT hết hạn vào ngày 31.12.2014 sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị, người nhà bà Tuyết đã lên UBDN phường hỏi về thẻ BHYT mới. Cả nhà thở phào nhẹ nhõm khi nhận được thẻ BHYT năm 2015 vào những ngày giữa tháng 12. Đề phòng những khó khăn trong khâu thủ tục, ngày 24.12, con gái bà Tuyết đã chủ động nộp lại giấy tờ, thẻ BHYT mới và cũ cho bệnh viện. 
Con gái bà Tuyết đang chăm sóc mẹ chia sẻ: “Thời điểm chưa nhận được thẻ BHYT mới gia đình rất lo sẽ gặp những khó khăn khi BHYT hết hạn bởi chi phí cho điều trị sẽ tăng nếu không có thẻ BHYT. Trong quá trình điều trị tại đây, bệnh nhân và người nhà không được giải thích về việc nếu hết giá trị thẻ BHYT mà đang điều trị, người bệnh phải làm gì và có gặp khó khăn gì không.
Trong khi đó tại bệnh viện Bạch Mai, ông Trần Văn Đoán (quê Nghĩa Hưng, Nam Định) nhập khoa Tiêu hóa hôm 19.12, theo dự kiến ban đầu 26.12 ông Đoán sẽ được mổ ung tụy. Tuy nhiên lịch mổ liên tục được dời ngày, mãi tới ngày 27.12 ông Đoán mới được lên bàn mổ. Chính thời gian chờ đợi kéo dài mổ khiến cả ông và người nhà thêm sốt ruột, bởi chỉ vài ngày nữa là sổ BHYT của ông Đoán hết hạn. 
Theo sổ BHYT hộ nghèo của ông Đoán thì vợ chồng ông được BHYT chi trả tới 95% viện phí. Tuy nhiên, ông Đoán nói rằng để được cấp tiếp sổ BHYT hộ nghèo phải đợi đến tháng 8.2015 để các hộ dân trong xóm bình xét, rồi danh sách chuyển lên xã và huyện để được cấp. 
“Năm ngoái, tôi được mọi người bầu. Đến tháng 8 năm nay (2014) thì mọi người trong xóm thấy gia đình tôi không có ai ốm đau nằm viện nên họ chọn cho người khác. Mãi đến tháng 12 chồng tôi mới phát bệnh. Giờ chỉ có cách mua bảo hiểm tự nguyện để nối tiếp vào”, bà Nga than thở.
Cũng tại bệnh viện Bạch Mai, tại khuôn viên khoa tim mạch, các bệnh nhân cũng ngồi bàn với nhau về nỗi lo BHYT hết hạn. Chị Ngô Thị Thanh Thủy là giáo viên mầm non xã Tiên Hiệp (TP Phủ Lý, Hà Nam) băn khoăn khi chỉ vài ngày nữa là BHYT hết hạn, trong khi đó phải cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2.2015 chị mới được cấp lại BHYT mới. “Tôi không rõ phải thanh toán thế nào. Nếu thời gian này, nhỡ may tôi phải mổ tim thì không biết lấy đâu ra tiền để thanh toán. Mổ chi phí mỗi ca mổ tim có phải rẻ đâu, lên tới cả trăm triệu thì lấy đâu tiền mà trả”.
Trước nỗi lo BHYT sắp hết hạn, nhiều gia đình bệnh nhân đã chuẩn bị phương án dự phòng khi không được bảo hiểm chi trả. Bà Nga kể rằng mấy hôm nay phải liên tục gọi điện về nhà, hỏi vay tiền khắp họ hàng hai bên nội ngoại để bù vào phần viện phí không được BHYT hỗ trợ. “Nếu ông nhà tôi được mổ theo dự kiến là ngày 27 thì cũng phải nằm viện thêm ít nhất một tuần nữa điều trị sau mổ. Cả nhà phải chạy vạy hỏi vay nhiều người mới đủ 5 triệu viện phí đóng trước nên giờ hỏi vay thêm ai cũng lắc đầu”, bà Nga - vợ ông Đoán - nói.
Tuy nhiên, nỗi lo của nhiều bệnh nhân và người thân đang điều trị nội trú là không có cơ sở. Bởi, bà Tống Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế - khẳng định, người bệnh có thẻ BHYT hết hạn trong quá trình đang điều trị mà chưa nhận thẻ BHYT mới không ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
Theo lý giải của bà Tống Song Hương, tại Nghị định số 105/2015/NĐ-CP vừa mới ban hành ngày 15.11.2014 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT, từ 1.1.2015 điều khoản chuyển tiếp có quy định: “Trường hợp người có thẻ BHYT đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng thẻ BHYT hết hạn sử dụng thì vẫn được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo chế độ quy định cho đến khi ra viện hoặc hết đợt điều trị ngoại trú. Người tham gia BHYT vào viện điều trị trước ngày 1.1.2015 nhưng ra viện kể từ ngày 1.1.2015 được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định tại Luật BHYT”.
Cũng theo bà Hương, đối tượng trong năm 2014 ở nhóm hộ nghèo sang năm 2015 thoát nghèo mà thẻ BHYT chưa được phát cũng được hưởng quyền lợi như trên. Hiện nay có khoảng 64 triệu dân, chiếm 70% dân số đã tham gia BHYT. Với những trường hợp chưa nhận được thẻ BHYT là do trách nhiệm của từng địa phương. Việc lập danh sách, mua và phát thẻ BHYT là trách nhiệm của từng địa phương. Chính quyền địa phương chậm trễ trong việc giải quyết cho người dân khiến người dân thiệt thòi trong quá trình khám chữa bệnh là lỗi của chính quyền địa phương.