TRUNG THANH - Thứ Sáu, ngày 26/12/2014 - 01:10
(PL)- Công ty thoát nước yêu cầu đóng tiền đấu nối nhưng chủ nhà nói nhà bị sập ngoài ý muốn nên Nhà nước phải lo.
Chuyện rắc rối khá hi hữu về thủ tục đấu nối ống nước thải đã xảy ra ở căn nhà số 3 Hàm Nghi, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 (TP.HCM). Trong khi chờ giải quyết, nước thải sinh hoạt phát sinh tại đây không biết thoát đi đâu.
Nhà sập, cống hư
Ngày 22-12, Sở GTVT TP.HCM nhận được đơn yêu cầu giúp đỡ của chủ căn nhà nói trên. Theo trình bày của ông ĐHV, chủ nhà, năm 2010 nhà ông bị sập do ảnh hưởng của một công trình xây dựng lân cận (Pháp Luật TP.HCM từng đưa tin). Đến đầu năm 2014, gia đình mới sửa chữa và đưa vào sử dụng lại. Tuy nhiên, do hệ thống thoát nước cũ đã bị hỏng nên nước thải trong nhà không thoát được ra cống.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông ĐHV cho biết gia đình đã hai lần làm đơn kiến nghị Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP cho đấu nối vào hệ thống cống chung nhưng không được giải quyết. “Họ đòi chi phí đấu nối tới 23 triệu đồng nhưng tôi nghĩ chuyện nhà sập là rủi ro bất khả kháng, hệ thống cống thoát nước bên ngoài nhà tôi bị hỏng thì Nhà nước phải khắc phục, sao bắt tôi phải đóng tiền” - ông V. trình bày.
Nước thải ở nhà số 3 Hàm Nghi không thoát được, gây ngập nghẹt, ô nhiễm. (Ảnh do chủ nhà cung cấp)
Theo ông V., trong thời gian qua nước thải phát sinh trong quá trình sinh hoạt của gia đình ông thường xuyên bị nghẹt, gây ô nhiễm. “Nhà tôi đã cho người khác thuê kinh doanh. Họ cứ than phiền hoài về việc thoát nước. Nhưng hiện giờ tui rất khó khăn, bỏ ra 23 triệu đồng để đấu nối là quá nhiều” - ông V. nói.
Chúng tôi thắc mắc, nước thải vẫn chưa được đấu nối ra cống thì thoát đi đâu. Ông V. nói thật: “Trước đây, khi nào nước tồn đọng quá nhiều, gia đình phải lấy ống kéo ra cống xả. Bây giờ người thuê nhà cũng làm thế. Mà xả kiểu này người ta gọi là xả lén, nếu bị phạt thì đành chịu”.
Dân phải bỏ tiền
“Việc thực hiện đấu nối phải được đơn vị có chức năng thiết kế và thi công. Sau đó phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước cấp phép thỏa thuận đấu nối. Chi phí thi công đấu nối từ nhà dân ra hệ thống cống chung của TP do người dân chi trả” - Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP trả lời sau khi ông V. có đơn kiến nghị lần thứ nhất.
Đến lần thứ hai, khi chủ nhà trình bày hoàn cảnh khó khăn và hệ thống cống thoát nước bị hư là việc ngoài ý muốn, Công ty Thoát nước Đô thị yêu cầu ông V. liên hệ trực tiếp với Trung tâm Chống ngập TP để được giải quyết. Không đồng tình với hướng giải quyết của Công ty Thoát nước, lần thứ ba ông V. gửi đơn cho cả UBND TP, Sở GTVT TP… nhờ giúp đỡ.
Ngày 25-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết sau khi nhận được đơn của ông V., ông đã chuyển cho phòng Thoát nước của Sở nghiên cứu giải quyết. Theo ông Minh, với quy định chung hiện nay, chi phí đấu nối nước thải từ nhà dân ra hệ thống của TP phải do người dân chi trả. “Tuy nhiên, trường hợp ở đường Hàm Nghi liên quan đến nhà sập, người dân gặp khó khăn nên cũng có thể giải quyết linh hoạt hơn. Chúng tôi sẽ xem xét và sớm trả lời về vụ việc này” - ông Minh nói.
Ai làm sập nhà?
Một cán bộ thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng trong vụ này cần phải xem lại trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong vụ sập nhà. “Tôi nhớ không nhầm các nhà dân ở đường Hàm Nghi bị sập là do sự cố từ một công trình xây dựng cao ốc gần đó. Vì thế phải xem lại trách nhiệm khắc phục hậu quả của chủ đầu tư công trình này. Nếu hệ thống cống thoát nước từ nhà dân ra cống chung bị hư là do công trình cao ốc gây ra, chủ đầu tư công trình này phải chịu trách nhiệm khắc phục” - vị này nhận định.
|
TRUNG THANH
No comments:
Post a Comment