Trong vài tháng qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần thúc giục quân đội Trung Quốc PLA phải "sẵn sàng để giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh". Vậy Trung Quốc đang muốn chiến tranh với ai?
Ông Tập cũng đã nhiều lần kêu gọi hiện đại hóa quân sự, tăng cường đào tạo và nâng cao khả năng sẵn sàng tác chiến của quân đội bao gồm hải, lục và không quân.
Những lời gọi lặp đi lặp lại đã gây quan ngại cho các nước láng giềng của Trung Quốc từ New Delhi tới Washington. Các câu hỏi trong tâm trí của tất cả láng giềng là: Trung Quốc thúc giục sự chuẩn bị này để làm gì? Vậy lãnh đạo Trung Quốc muốn chuẩn bị cho cái gì? Có phải họ đang chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự, hay chỉ đơn thuần là hướng sự chú ý của dư luận ra bên ngoài?
Để đánh chính quân mình
Một lời giải thích đáng tin cậy là các lãnh đạo Trung Quốc đang thúc đẩy sự sẵn sàng quân sự như là một phần của sách lược chống tham nhũng quốc gia. Những nỗ lực chống tham nhũng trong quân sự đã được đánh dấu từ việc bắt giữ Từ Tài Hậu, một cựu sĩ quan cấp cao. Từ sẽ phải đối mặt với tội tham ô, hối lộ, lạm dụng quỹ nhà nước, lạm dụng quyền lực và được cho là đã thu lợi ít nhất 5,9 triệu USD từ việc bán chức tước trong quân đội.
Tham nhũng trong quân đội Trung Quốc được cho là phổ biến. Nó đã dẫn đến việc các sĩ quan bất tài được thăng chức, đục khoét ngân sách và chia chác các hợp đồng đen. Có lẽ tác hại quan trọng nhất là do quan chức mải mê tham nhũng nên buông lỏng việc đào tạo binh sĩ.
Mặc dù thông báo của Bắc Kinh với giới quân đội là “sẵn sàng chuẩn bị để giành chiến thắng một cuộc chiến tranh" nghe có vẻ hiếu chiến nhưng bản chất lại khác. Bắc Kinh đao to búa lớn cũng chỉ gắng ngăn chặn quân đội thôi tham nhũng và tập trung làm công việc của họ.
Để lo đấu với Mỹ
Một khả năng khác là Bắc Kinh đang muốn thúc đẩy cho quân đội Trung Quốc lên mức ngang cơ với Lầu Năm Góc. Quân đội Mỹ, vốn được triển khai trên toàn thế giới, thường xuyên huấn luyện và đạt đến trình độ cao. Cùng với hệ thống vũ khí hiện đại, Mỹ là lực lượng quân sự số 1 thế giới.
Rất có thể là Trung Quốc muốn quân đội cũng phải đạt được mức độ như Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc không thể nói thẳng ra là muốn đấu với Mỹ nên phải nói tránh là muốn có lực lượng quân đội có “khả năng sẵn sàng” cao.
Đánh ngoài để êm trong
Khả năng thứ 3 là Trung Quốc muốn sẵn sàng động binh để đối phó với các nước láng giềng. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã sử dụng chuyện tranh chấp lãnh thổ trong khu vực Biển Đông, biển Hoa Đông và các vấn đề Đài Loan để chuyển hướng sự chú ý của công chúng khỏi những vấn đề bức xúc trong nước.
Bất bình về chính trị, tình trạng ô nhiễm môi trường, các vụ bê bối thực phẩm, chiếm đoạt đất đai... và quan trọng nhất là tình trạng tham nhũng là những vấn đề đó đã gây ra tình trạng bất ổn dân sự.
Khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, Bắc Kinh lo lắng rằng điều này có thể dẫn đến nhiều điều không hay trong nước. Một cuộc phiêu lưu quân sự để giúp người dân ủng hộ chính phủ có thể là một lựa chọn mà họ muốn xem xét.
Năm 1982, các tướng lĩnh trong chế độ quân sự Argentina đã đánh chiếm quần đảo Falkland do Anh kiểm soát cũng nhằm muốn “đoàn kết nhân dân” quanh chính phủ quân sự. Tiếc cho các tướng là họ thất bại khi đấu với người Anh và chính quyền của họ cũng sụp đổ theo. Phiêu lưu quân sự luôn là con dao 2 lưỡi.
12:45 24-12-2014
- Anh Tú (theo The Week)
No comments:
Post a Comment