Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok 2014-06-25
Kẻ khóc người cười. Các công an đánh chết người vẫn cười trước tòa hôm nay 3 tháng 4 năm 2014 (ảnh bên trái) gia đình nạn nhân khóc tức tưởi cũng tại tòa (ảnh bên phải)Files photos
Vụ án nạn nhân Ngô Thanh Kiều bị công an Thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên dùng nhục hình đánh chết được dư luận chú ý nhiều. Sau phiên sơ thẩm hồi cuối tháng ba và đầu tháng tư, phiên phúc thẩm được mở ra hôm qua 24 tháng 6, nhưng rồi phải hoãn lại. Lý do vì sao?
Nhân chứng quan trọng không có mặt
Phiên phúc thẩm xử 5 công an đánh chết nạn nhân Ngô Thanh Kiều tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên vào ngày hôm qua 24/6/2014 bị hoãn lại với lý do ông phó Công an Thành phố Tuy Hòa đương chức, Lê Đức Hoàn không có mặt.
Chị Trần thị Tâm, vợ của nạn nhân Ngô Thanh Kiều, nói về điều này:
“Do không có nhân chứng nên yêu cầu hoãn, cả nhà yêu cầu hoãn khi nào có nhân chứng mới xử. Nếu như phiên tòa tới đây mà ông ta cũng không tới nữa thì gia đình cũng không chịu xử đâu. Bắt ông ta phải chịu có tội là bắt người trái pháp luật, chứ không bắt người trái pháp luật thì đâu có sự việc mấy người kia đánh; thành ra phải yêu cầu có ông ta tại phiên tòa này chứ!”
Luật sư Nguyễn An Đôn, người nhận bào chữa cho gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều, cũng nói về việc đình hoãn phiên phúc thẩm lẽ ra phải diễn ra trong ngày hôm qua:
“Hôm qua Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên đã mở phiên phúc thẩm, luật sư bên bị cáo và bị hại đều xin hoãn bởi vì thiếu ông Lê Đức Hoàn và một số nhân chứng quan trọng. Ông Lê Đức Hoàn trong vụ án này là một mấu chốt quan trọng, nguyên nhân xuất phát từ ông này; nên nếu thiếu ông ta thì không thể nào xét xử được vụ án một cách khách quan. Ông Lê Đức Hoàn đã chỉ đạo trực tiếp cho cán bộ cấp dưới đến nhà bắt bị hại Ngô Thanh Kiều trái pháp luật và để cho các bị cáo đánh chết bị hại Ngô Thanh Kiều, cho nên bắt buộc ông này phải có mặt’.
Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên đã mở phiên phúc thẩm, luật sư bên bị cáo và bị hại đều xin hoãn bởi vì thiếu ông Lê Đức Hoàn và một số nhân chứng quan trọng. Ông Lê Đức Hoàn trong vụ án này là một mấu chốt quan trọng, nguyên nhân xuất phát từ ông này; nên nếu thiếu ông ta thì không thể nào xét xử được vụ án một cách khách quanLuật sư Nguyễn An Đôn
Tin cho biết dự kiến ngày xử phúc thẩm mới được định là vào hai ngày 8 và 9 tháng 7 tới đây.
Xin được nhắc lại, nạn nhân Ngô Thanh Kiều bị công an Thành phố Tuy Hòa đến nhà bắt giải về trụ sở. Công an bắt đi vào chiều ngày 13 tháng 5 năm 2012 với lý do điều tra một vụ trộm cắp xảy ra trên địa bàn do ông Lê Đức Hoàn làm trưởng ban chuyên án.
Từ 8 giờ tối cùng ngày, nạn nhân Ngô Thanh Kiều bắt đầu bị còng tay vào ghế và các công an lần lượt làm việc. Anh này không nhận tội nên bị công an dùng dùi cui đánh vào đùi và chân.
Những công an tham gia đánh anh Ngô Thanh Kiều tại trụ sở Công an Thành phố Tuy Hòa gồm có Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Minh Quyền, Đỗ Như Huy, Nguyễn Tấn Quang, Nguyễn Thân Thành Thảo.
Vợ và 2 con gái của anh Kiều, bé Ngô Thị Thanh Thảo (8 tuổi) và Ngô Thị Kim Oanh (2 tuổi). TinVN.VN
Sau đó nạn nhân được giải đến Công an tỉnh Phú Yên, nhưng có dấu hiệu mệt mỏi nên được đưa vào Bệnh xá Công an tỉnh Phú Yên để khám bệnh. Tiếp đó lai được chuyển đến Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Phú Yên và nạn nhân tử vong trên đường khi chưa đến bệnh viện.
Nguyên nhân tử vong được Trung tân Pháp y Phú Yên, sau khi giảo nghiệm tử thi, kết luận là do chấn thương sọ não, chấn thương phần mềm trên cơ địa có viêm phổi.
Phiên sơ thẩm xử 5 công an đánh nạn nhân Ngô Thanh Kiều diễn ra từ ngày 26 tháng 3 đến ngày 3 tháng 4 năm nay. Tòa sơ thẩm tuyên án Nguyễn Thân Thành Thảo 5 năm tù giam, Nguyễn Minh Quyền 2 năm, Phạm Ngọc Mẫn 1 năm 6 tháng tù giam. Hai người được hưởng án treo là Đỗ Như Huy và Nguyễn Tấn Quang.
Đích thân ông Trương Tấn Sang đã chỉ đạo cho Viện trưởng VKSND Tối cao, và ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao xử lý nghiêm vụ này, nhưng không biết tại sao tỉnh Phú Yên không chỉ đạo cho những người làm chứng đặc biệt ông Hoàn đến dự phiên tòa.Luật sư Nguyễn An Đôn
Phó công an thành phố Tuy Hòa mấu chốt quan trọng của vụ án
Dư luận không đồng ý với bản án sơ thẩm, cho rằng mức án tuyên là nhẹ và còn bỏ sót tội phạm. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có ý kiến yêu cầu Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao chỉ đạo xét xử vụ án sao cho đúng pháp luật Việt Nam. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có yêu cầu đối với Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên xem xét lại toàn bộ vụ án này. Một trong những vấn đề xem xét là có để lọt tội phạm là ông Lê Đức Hoàn, phó công an thành phố Tuy Hòa, hay không.
Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên sau đó có kháng nghị bản án sơ thẩm. Theo kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên thì năm bị cáo công an đã phạm tội sử dụng nhục hình thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. Cũng theo kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên thì ông Lê Đức Hoàn có dấu hiệu phạm tội, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng chưa được cấp sơ thẩm điều tra, xét xử. Đề nghị được đưa ra là hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Tuy nhiên tại phiên phúc thẩm ngày 24 tháng 6, ông phó công an thành phố Tuy Hòa, Lê Đức Hoàn không đến dự tòa.
Luật sư Nguyễn An Đôn bày tỏ nghi ngại về việc ông phó Công an Thành phố Tuy Hòa không dự tòa:
“Dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm vụ án này. Đích thân ông Trương Tấn Sang đã chỉ đạo cho Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, và ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao xử lý nghiêm vụ này, nhưng không biết tại sao tỉnh Phú Yên không chỉ đạo cho những người làm chứng đặc biệt ông Hoàn đến dự phiên tòa. Vì lý do gì ông ta vắng mặt, tôi không biết. Tòa nói vắng mặt thì xin hoãn thôi, không biết phương án sẽ thế nào? Theo tôi nghĩ nếu ông Hoàn cố tình không đến tòa, và tòa bắt buộc phải dẫn giải thì rất khó vì tiền lệ hồi giờ chưa có. Ông Lê Đức Hoàn là phó công an thành phố mà cấp dưới dẫn giải thì sao, tiền lệ chưa có nên rất khó! ”
Vợ của nạn nhân Ngô Thanh Kiều thừa nhận chị không tin tưởng gì mấy nhưng cũng phải theo đuổi vụ kiện:
Nói chung cũng chẳng hy vọng gì nhiều, vì ông Lê Đức Hoàn còn chưa ra phiên phúc thẩm, mình đi là để coi thử.
Vụ nạn nhân Ngô Thanh Kiều bị 5 công an dùng nhục hình đến chết như vừa nêu không phải là cá biệt tại Việt Nam. Khắp các vùng miền, từ Hà Nội cho đến tận Cà Mau, báo chí trong nước đều có loan tin nạn nhân chết trong đồn công an một cách bất minh. Gia đình các nạn nhân đều cho biết trước khi bị bắt người nhà của họ khỏe mạnh, bình thường; sau khi vào đồn công an lại tử vong với lý do bệnh đặc biệt hay tự tử.
Những thủ phạm gây nên cái chết cho người dân ngay tại đồn công an nếu phải ra tòa thì chỉ bị án nhẹ như trường hợp viên trung tá công an đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng ở Hà Nội chỉ bị kêu án 4 năm tù. Trong khi đó có trường hợp ba người dân vì ăn cắp 2 con vịt mà bị kết án đến cả hơn chục năm.
Thân nhân của các nạn nhân và nhiều thân hữu của họ tiến hành một chiến dịch lên tiếng đòi hỏi phải chấm dứt tình trạng công an đánh chết dân khi bị mời đến làm việc như lâu nay.
No comments:
Post a Comment