Wednesday, June 25, 2014

Hết là đồng chí rồi!

Bản tin của đài phát thanh quốc tế Pháp Radio France International (RFI) dẫn lời thông tấn xã AFP của Pháp viết về cuộc viếng thăm của Quốc Vụ Khanh Dương Khiết Trì đến Hà Nội như sau, “Trước khi tiếp ông Dương Khiết Trì hôm 18 tháng 6 tại Hà Nội, phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh đã chào mừng chuyến viếng thăm của 'đồng chí Trung Quốc' đến Việt Nam... Về phần ông Dương Khiết Trì, quốc vụ khanh phụ trách ngoại vụ, thì tuyên bố ông đến Việt nam để thảo luận 'thẳng thắn' với 'đồng chí' Phạm Bình Minh về vấn đề biển Hoa Nam (tức Biển Ðông).”

Nhưng ngó bộ hai “đồng chí” bây giờ không còn thân thiết nữa. Họ đã có những lời qua tiếng lại với nhau về tranh chấp do giàn khoan khổng lồ to bằng cái sân banh mà Bắc Kinh đã kéo đến đậu ở vùng biển tranh chấp gần bờ biển Việt Nam và có vẻ là cuộc họp chả làm giảm căng thẳng tí nào cả dựa trên những văn bản của cả hai chính phủ tóm tắt lại cuộc họp của hàng 'chóp bu' ở Hà Nội.

Quốc vụ khanh Dương Khiết Trì (mà Bắc Kinh gọi là ủy viên Quốc Vụ Viện) cáo buộc Việt Nam, vốn đã gửi tàu đến khu vực giàn khoan, đã thực hiện “những can thiệp bất hợp pháp” vào các hoạt động của giàn khoan, và bảo với Việt Nam là Trung Quốc sẽ “làm đủ mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.” Ðó là theo một thông cáo của Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh.

Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng của Hà Nội, ngược lại, nói, “Hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm luật pháp quốc tế, Công Ước Liên Hợp Quốc Về Luật Biển năm 1982, tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Ðông (DOC); đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực.” Chưa hết ông Dũng thêm là hành động đó “gây bất bình và làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam.”

Những lời lẽ “thiếu ngoại giao” đó thật là bất thường trong những thông cáo chính thức diễn tả các cuộc thảo luận giữa hai quốc gia cộng sản “anh em,” và phản ảnh lập trường không nhân nhượng kể từ khi Trung Quốc, hồi tháng rồi, gửi giàn khoan vào đậu ở một vị trí 120 dặm ngoài khơi bờ biển Việt nam và gần với đảo Tri Tôn, hòn đảo cực Nam của quần đảo Hoàng Sa, mà cả hai quốc gia cùng dành chủ quyền. Hai thông cáo chính thức cho thấy là cuộc họp đã không vượt khỏi những lý luận đã được lập đi lập lại nhiều lần của cả hai bên.

Ông Dương, nhà ngoại giao cao cấp nhất của Trung Quốc và là một cựu ngoại trưởng, đã gặp ở Hà Nội không những với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, mà còn thủ tướng chính quyền, và tổng bí thư đảng cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng. Ông Dũng nói thẳng vào mặt ông Dương là “hết đồng chí rồi” trong khi ông Minh chụp hình bắt tay mà mặt mày khó chịu không cười nổi.

Chỉ riêng có cuộc gặp gỡ với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng là thấy còn nhiều sáo ngữ “đồng chí anh em.” Tuy vậy, ông Trọng, sau khi hoan nghênh việc ông Dương đến dự họp, cũng phải “nhấn mạnh tính nghiêm trọng và tác động rất tiêu cực của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng biển của Việt Nam từ đầu tháng 5 đến nay đối với nhân dân Việt Nam, cục diện quan hệ Việt-Trung và tình hình khu vực; khẳng định lập trường về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên biển Ðông là không thay đổi và không thể thay đổi.” Nhưng ông cũng chỉ “đề nghị khẩn trương trao đổi để có các giải pháp sớm ổn định tình hình, tạo tiền đề cho các giải pháp cơ bản và lâu dài giải quyết các vấn đề trên biển, xuất phát từ lợi ích đại cục của hai nước, trên cơ sở các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và luật pháp quốc tế, nhất là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.” Ông Dương còn “công thức hơn,” theo thông tấn xã nhà nước đã “chuyển lời thăm hỏi của tổng bí thư, Chủ Tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo khác của đảng và nhà nước Việt Nam; khẳng định đảng, chính phủ Trung Quốc hết sức coi trọng và luôn mong muốn phát triển quan hệ tốt đẹp, ổn định lâu dài với Việt Nam; mong muốn hai bên tiếp tục bàn bạc để làm giảm căng thẳng, giải quyết vấn đề trên biển, nhất trí cần tiếp tục duy trì các hoạt động giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước, cùng nỗ lực giữ gìn cục diện quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định.”

Khác với Bắc Kinh, Hà Nội đã kêu gọi điều đình theo Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển, một lập trường mà Hà Nội đã đưa ra từ khi khởi đầu những tranh chấp lần này. Nhưng nhà ngoại giao số một của Trung Quốc cả quyết là làm gì có tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa. Bản thông cáo của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc không nói gì đến sự khả dĩ có điều đình. Ðó vốn là lập trường căn bản của Bắc Kinh trong mọi vụ việc liên quan đến Biển Ðông. Lý luận của họ là đất của tôi rồi thì còn gì nữa để mà điều đình.

Dĩ nhiên không ai chờ đợi là cuộc viếng thăm của ông Dương sẽ thay đổi cục diện. Ngay trước cuộc họp các chuyên gia đều nói là cả hai sẽ giữ nguyên lập trường.

Hơn thế ông Dương vốn đặc biệt nổi tiếng là một người hoàn toàn và cương quyết bênh vực lập trường là Trung Quốc có chủ quyền trên 90% diện tích Biển Ðông, bất kể các quốc gia mà biển này là sân trước nhà mình. Hồi năm 2010, tại khóa họp thượng đỉnh của Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á (ASEAN) ở Hà Nội, khi Ngoại Trưởng Hillary R. Clinton đưa vấn đề tự do hải hành ở Biển Ðông và nhu cầu cần giải quyết những tranh chấp lãnh thổ qua điều đình. Phản ứng của ông Dương, như lời bà Clinton kể lại trong cuốn “Hard Choices” là đã nói với các thành viên của hội nghị rằng, “Trung Quốc là một nước lớn, lớn hơn tất cả các quốc gia có mặt ở đây.” Bà Clinton cũng ghi thêm là thái độ của ông Dương về sự độc tôn của Trung Quốc đối với các nước láng giềng Á Châu đã làm nhiều người khó chịu.

Hồi ông Ôn Gia Bảo đến thăm Nhật Bản trong tư cách là thủ tướng Trung Quốc năm 2007, ông và Thủ Tướng Shinzo Abe, lúc đó vừa lên nắm quyền, đã đồng ý biến Biển Hoa Ðông thành một khu vực của “hòa bình, hợp tác và hữu nghị.” Hôm tháng 10 năm ngoái, người kế nhiệm ông Ôn, Thủ Tướng Lý Khắc Cường cũng dùng đúng câu đó để chỉ Biển Ðông khi ông gặp các lãnh tụ của Hiệp Hội ASEAN ở Brunei.

Nhưng phải đến Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel mới là người dám nói “huỵch toẹt” vấn đề “Trung Quốc đã gọi Biển Hoa Nam là 'một vùng biển của hòa bình, hữu nghị và hợp tác' và đó là điều mà nó đáng lẽ phải là vậy. Nhưng những tháng gần đây, Trung Quốc đã có những hành động đơn phương tạo bất ổn, khẳng định chủ quyền trên Biển Hoa Nam.”

Trong hoàn cảnh thế này, dầu cho có ai trong hàng lãnh đạo Hà Nội còn muốn làm “đồng chí” với Trung Quốc thì cũng khó lắm thay.

Nghe đâu Bắc Kinh lại đang kéo thêm một giàn khoan nữa vào đậu ở ngay vùng biển ở cửa Vịnh Bắc Việt.

Ðây là một giàn khoan đi mua lại của người khác chứ không phải do chính họ đóng lấy. Hà Nội chưa có phản ứng vì còn chưa rõ vị trí của giàn khoan, nhưng nếu nó lại một lần nữa xâm phạm vào vùng biển của Việt Nam thì sao?

Rải giàn khoan trên các vùng biển của người khác có thể là một lá bài đểu giả nhưng hữu hiệu trong việc khẳng định chủ quyền nhưng hành động như vậy thì khó mà giữ hòa khí với láng giềng.

Hồi sau năm 1975, khi đoàn quân của Hà Nội đã chiếm đóng Sài Gòn, dân miền Nam kể cho nhau nghe câu chuyện mỉa mai cười ra nước mắt: “Thằng bé con vừa đi học về chạy vào kêu với bo,ã 'Bố ơi bố, từ nay bố không phải là bố của con, và con cũng không phải là con của bố nữa. Chúng ta là đồng chí!” Một nhân vật miền Nam cũ kể tiếp câu chuyện, “Ông Phạm Bình Minh bảo ông Dương Khiết Trì, ông ơi ông, từ nay ông không còn là đồng chí của tôi và tôi không còn là đồng chí của ông nữa. Chúng ta là kẻ thù.”

Ước gì chuyện đó là sự thật.

Lê Phan

1 comment:

  1. Bộ ông Phạm Bình Minh cũng không dám nói VN và Tàu cộng không còn là Đồng Chí với nhau nữa, Chúng ta là kẻ thù.

    ReplyDelete