Bất mãn với sự phân hóa giàu nghèo và khao khát hiện thực hóa lý tưởng là lý do sâu xa khiến hàng trăm nghìn sinh viên Hong Kong xuống đường biểu tình phản đối chính phủ.
Người biểu tình bao vây khu hành chính Hong Kong hôm 30/11. Ảnh: Reuters
|
Theo Wall Street Journal, rất nhiều sinh viên cho biết lý do họ tham gia biểu tình một mặt là muốn phản đối sự kiểm soát ngày càng chặt chẽ của chính quyền trung ương với Hong Kong, mặt khác là bởi bất mãn với sự phân hóa giàu nghèo hiện nay, cũng như thất vọng về tương lai của bản thân.
Hong Kong được đánh giá là một trong những nơi có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất, cũng là một trong những thành phố có giá nhà đất cao nhất trên thế giới. Trong khi đó, mức tiền lương không tăng trong nhiều năm khiến tầng lớp trung lưu và sinh viên ngày càng bất mãn.
Trong suốt 17 năm từ khi được trao trả về với Trung Quốc, mức lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường tại Hong Kong chỉ tăng khoảng 1% mỗi năm, không thể đuổi kịp tỷ lệ lạm phát, cũng như giá nhà ngày một phi mã. Arnold Chung, một thanh niên 19 tuổi tham gia biểu tình, cho biết anh có lẽ sẽ còn phải sống với bố mẹ trong một thời gian dài nữa bởi giá nhà quá cao.
Đối tượng của sự bất mãn này tập trung vào giới nhà giàu, các tập đoàn lớn cũng như chính quyền đặc khu mà sinh viên coi là chỉ đại diện cho lợi ích của tầng lớp trên. "Hong Kong đang tồn tại vấn đề bất bình đẳng nghiêm trọng, mà giới nhà giàu được coi là đại diện cho tình trạng bất bình đẳng ấy", Giáo sư Jean-Pierre Lehmann thuộc Đại học Hong Kong cho biết.
Theo số liệu của Credit Suisse, năm 2000, 10% người giàu nhất Hong Kong sở hữu 65,6% giá trị tài sản của toàn thành phố. Đến năm 2007, tỷ lệ này tăng lên 69,3% và đến năm 2014 là 77,5%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá Hong Kong là nơi có mức độ tập trung tài sản cao thứ hai trên thế giới.
Giới nhà giàu một thời từng được người dân Hong Kong coi là biểu tượng cho sự thành công và sức ảnh hưởng không ngừng nâng cao của thành phố, nhưng nay đang phải đối diện với làn sóng phê phán mạnh mẽ bởi chính sự giàu có của họ, trong khi những tầng lớp cư dân khác đang bị bỏ lại đằng sau.
"Vấn đề của Hong Kong không phải nằm ở mối quan hệ giữa Hong Kong và Bắc Kinh, mà là bởi thanh niên ở đây đã không còn có chút hy vọng nào", Mã Vân, chủ tịch Tập đoàn Alibaba, bình luận. "Các ông chủ lớn đã chiếm đoạt những gì tốt đẹp nhất".
Không ít người biểu tình cho rằng giới nhà giàu hưởng lợi từ tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc đại lục, vì vậy có chung lợi ích với Bắc Kinh mà xa rời lợi ích của người biểu tình. "Mọi người cho rằng họ kiếm được rất nhiều tiền là bởi sự giúp đỡ của chính phủ Trung Quốc", Giáo sư Trịnh Vũ Thạc thuộc Đại học Thành thị Hong Kong bình luận.
Trước khi cuộc biểu tình nổ ra, lãnh đạo chính quyền trung ương đã triệu tập đại diện của giới doanh nghiệp Hong Kong đến Bắc Kinh, nhằm yêu cầu giới này công khai ủng hộ phương án bầu cử trưởng đặc khu mới. Theo đó, từ năm 2017, chức danh trưởng đặc khu hành chính Hong Kong có thể tiến hành bầu cử. Ứng viên để bầu vào chức danh này giới hạn từ hai đến ba người, do Ủy ban đề cử mang tính giới thiệu, mỗi ứng cử viên ít nhất phải được một nửa trong tổng số các thành viên của ủy ban tán thành.
Hiện thực hóa lý tưởng
Các lãnh đạo sinh viên phát biểu trước người biểu tình. Đứng vị trí thứ hai và thứ năm (từ phải sang trái) là Joshua Wong và Chu Vĩnh Khang, hai thủ lĩnh chủ chốt của phong trào biểu tình Hong Kong. Ảnh: New York Times
|
Quy định mới này chính là ngòi nổ cho cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng qua tại khu trung tâm Hong Kong, bởi giới sinh viên cho rằng phương án bầu cử mới về thực chất không khác gì hình thức bầu cử hiện nay. Theo quy định hiện hành, trưởng đặc khu do 1.200 thành viên của Ủy ban bầu cử bầu ra, với đại diện được chính quyền trung ương lựa chọn từ các hội đoàn thương mại.
Giáo sư Lâm Hòa Lập thuộc Đại học Trung văn Hong Kong cho rằng Bắc Kinh dựa vào sự hợp tác của giới nhà giàu để quản lý Hong Kong, vì vậy không thể có chuyện chuyển giao quyền kiểm soát Ủy ban bầu cử cho các nhóm thân dân chủ.
Trong khi đó, lãnh đạo phong trào biểu tình sinh viên yêu cầu công dân có quyền trực tiếp đề cử ứng viên. "Công dân trực tiếp đề cử không chỉ là một sự sắp xếp về cơ chế bầu cử, mà còn là một nhu cầu chính trị. Điều này sẽ trao cho mỗi công dân quyền quyết định tương lai của thành phố này", New York Times dẫn lời Chu Vĩnh Khang, một trong những lãnh đạo chủ chốt của phong trào biểu tình, cho biết.
Khi được hỏi về lý do Hội liên hiệp sinh viên Hong Kong (HKFS) là tổ chức đầu tiên phát động phong trào biểu tình, chứ không phải là các chính trị gia lão thành của phe dân chủ, Chu Vĩnh Khang cho biết: "Đó là bởi họ sợ thua, họ đã thua quá nhiều rồi".
Cùng chung quan điểm trên, Phó giáo sư La Vĩnh Sinh của Đại học Lĩnh Nam cho rằng những người của thế hệ trước đều theo chủ nghĩa thực dụng, đấu tranh để giành thêm quyền tự do, trong khi thế hệ thanh niên Hong Kong ngày nay "kiên trì mục tiêu thuần túy lý tưởng hơn".
"Hiện nay có rất nhiều sinh viên ưu tú tham gia biểu tình, vận dụng nhuần nhuyễn các kỹ năng chính trị. Những sinh viên này được xem là phải có thái độ trung dung hơn, nhưng nay lại đứng ra phản kháng. Điều này phản ánh sự phân cực ngày càng sâu sắc trong xã hội Hong Kong", chuyên gia La nhận định.
Trước phong trào biểu tình của sinh viên Hong Kong, phản ứng của chính phủ trung ương tại Bắc Kinh là kiên quyết phản đối. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng tải một loạt bài bình luận cho rằng hành động biểu tình là phạm pháp, vi phạm Luật Cơ bản và không đại diện cho ý nguyện của người dân Hong Kong. Tuy nhiên, những nỗ lực giải tán biểu tình của Bắc Kinh và chính quyền đặc khu không làm nguội đi tình hình. Vào giờ cao điểm sáng hôm qua, hàng trăm người biểu tình nỗ lực bao vây các trụ sở chính quyền, sau khi tràn ra con phố chính Lung Wo, nối phía đông và tây Hong Kong.
Trước cuộc đụng độ mới nhất giữa cảnh sát và người biểu tình, Joshua Wong, một thủ lĩnh trẻ tuổi khác của phong trào biểu tình, tuyên bố tuyệt thực vô thời hạn nhằm kêu gọi nhà chức trách Hong Kong nối lại đối thoại sinh viên và thực hiện cải cách bầu cử. "Đây là trách nhiệm khi sống trong thời buổi phức tạp này. Hôm nay chúng tôi sẵn sàng trả giá, chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm", AFP dẫn thông tin Joshua Wong cùng sinh viên Isabella, 18 tuổi, và học sinh trung học Prince Wong, 17 tuổi, viết trên Facebook trước khi tuyên bố tuyệt thực tại khu vực biểu tình. "Tương lai của chúng ta, chúng ta sẽ giành lại".
Thanh niên này cũng từng lý giải về lý do sinh viên đứng ra phát động phong trào biểu tình là bởi: "Học sinh kiên trì với nguyên tắc và kiên định với lý tưởng. Nếu học sinh không đứng ra phía trước thì ai sẽ đứng ra đây".
Joshua Wong là tiêu điểm của truyền thông quốc tế khi phát động và dẫn đầu phong trào biểu tình của thanh niên sinh viên Hong Kong khi tuổi đời mới 17. "Joshua Wong và những sinh viên cùng thế hệ với cậu ấy đã kết hợp chủ nghĩa lý tưởng với kỹ năng tổ chức, vượt xa chính quyền Hong Kong cũng như các chính trị gia phe dân chủ vốn quá cẩn thận", Giáo sư Trần Doãn Trung thuộc Đại học Lĩnh Nam đánh giá về Wong.
Các nhà quan sát cho rằng cho dù cuộc biểu tình kết thúc ra sao, cục diện chính trị Hong Kong sẽ có những thay đổi cơ bản, với lực lượng thân dân chủ chính là lớp thanh niên có trình độ cao. "Đây sẽ là lực lượng chính trị mà chính quyền trung ương tại Bắc Kinh và giới tài phiệt Hong Kong khó lòng khống chế", Phó giáo La Vinh Sinh bình luận. “Họ là những người trẻ tuổi, đầy sức sống, không chùn bước”.
Thứ ba, 2/12/2014 | 14:36
Đức Dương
Nguồn: vnexpress.net
No comments:
Post a Comment