Tuesday, December 2, 2014

Trung Quốc : ngoại giao hai mặt

RFI-Lê Phước
Ngày 02-12-2014 16:38
media
Chủ tịch TQ và phu nhân đứng giữa hai lãnh đạo Mỹ và Nga tại thượng đỉnh APEC Bắc Kinh. Ảnh ngày 10/11/2014-REUTERS/Mikhail Klimentyev

Vị thế của Trung Quốc ngày càng trở nên lớn mạnh trên thế giới, nhất là khi nước này có nền kinh tế phát triển vượt bậc và trở thành đệ nhị cường quốc kinh tế của địa cầu. Nhưng cách cư xử với cộng đồng quốc tế, hay nói cách khác là chính sách ngoại giao, của Bắc Kinh chưa xứng đáng với vị thế đang lên đó.

Đây là nhận định của bài thời luận  trên nhật báo Le Monde : "Hai bộ mặt trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc". Bộ mặt thứ nhất đó là Trung Quốc đã cho thế giới thấy rằng quốc gia này đã trở thành "một nhân tố quan trọng" trên các hồ sơ nổi cộm của thế giới, tức vươn lên so kè với Hoa Kỳ. Bộ mặt này được thể hiện rõ qua ba bức ảnh đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong Thượng đỉnh APEC vừa qua ở Bắc Kinh.

Bức ảnh thứ nhất là hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng trong tư thế đầy vinh dự với tư cách nước chủ nhà cùng với 21 nguyên thủ quốc gia, đặc biệt bên phải của ông Tập là Tổng thống Mỹ Barack Obama còn bên trái là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Bài viết nhắc lại, cách đây 45 năm, khi ấy Liên Xô và Trung Quốc đang ở thế "đôi huynh đệ cộng sản trong thế kẻ thù", và Hoa Kỳ đã là nước "ở giữa". Chính phủ Hoa Kỳ khi ấy đã đề nghị thẳng thừng với Liên Xô từ bỏ dự định sử dụng vũ khí nguyên tử trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Giờ đây, thì Trung Quốc đã ở cái thế là nước có khả năng làm trung gian để dàn hòa cho Hoa Kỳ và Nga.

Bức ảnh thứ hai là cảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc ký kết thỏa thuận về việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đây là một thỏa thuận mang tính lịch sử bởi Trung Quốc và Mỹ là hai nước gây ô nhiễm nhất hành tinh. Mỹ thì chưa từng ký Nghị định thư Kyoto, còn Trung Quốc thì ở trong nghị định thư này chỉ xuất hiện với tư cách là "nước mới nổi". Với việc ký kết nói trên, Trung Quốc muốn khẳng định tầm ảnh hưởng toàn cầu của mình.

Bức ảnh thứ ba là cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Thủ tưởng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề hội nghị APEC. Đây là cuộc gặp lần đầu tiên kể từ khi hai ông lên nắm quyền điều hành ở mỗi nước. Để có được cuộc gặp này, phía Nhật Bản đã có phần nhượng bộ, Thủ tướng Abe cũng đã phải nhiều lần đề nghị với phía Trung Quốc. Cái bắt tay dù chẳng đặng đừng giữa ông Abe và ông Tập Cận Bình cũng tạo hình ảnh một Trung Quốc "ôn hòa" .

Ỷ lớn ăn hiếp nhỏ

Thế nhưng, ngược lại với bộ mặt tốt đẹp nêu trên, bài viết cho rằng, chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã cho thấy nước này lời nói không đi đôi với việc làm, tức là hành động cụ thể chưa tương xứng với vị thế đang lên trên trường quốc tế.

Bài viết nhấn mạnh đến hồ sơ tranh chấp lãnh thổ. Tác giả  nhắc lại : "Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với hầu hết các quốc gia ven biển Hoa Đông và Biển Đông ». Ttrên hồ sơ này, thì Trung Quốc không chấp nhận đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế La Haye. Vì sao ? Vì Trung Quốc ỷ mạnh nên muốn giải quyết tranh chấp trong « sân nhà », muốn đàm phán tay đôi với các nước nhỏ hơn, muốn khẳng định vị thế là « đệ nhất cường quốc Châu Á".

Bài viết cũng phê phán thái độ thiếu hội nhập quốc tế của Trung Quốc trong hồ sơ tài chính và tiền tệ khi cố tình điều khiển đồng nội tệ theo hướng có lợi cho nền kinh tế trong nước. Le Monde kết luận : "Chính sách ngoại giao của Trung Quốc là chính sách hai mặt. Trung Quốc vừa lớn tiếng tuyên bố hội nhập quốc tế trong khi bản thân thì vẫn là một cường quốc kiêu căng chỉ biết có mình".

Đài Loan : phe thân Bắc Kinh thất thế

Nhìn sang bán đảo Đài Loan, một lãnh thổ mà Bắc Kinh luôn xem là thuộc Trung Quốc, nhật báo La Croix đăng bài : "Đài Loan bác bỏ chính sách thân thiện với Bắc Kinh".

Tờ báo nhắc lại thất bại vừa rồi của Quốc Dân Đảng trong cuộc bầu cử địa phương dẫn đến việc Thủ tướng và nội các Đài Loan đã phải từ chức. Quốc Dân Đảng vốn là kẻ thù của Bắc Kinh, nhưng thời gian gần đây, dưới thời của Tổng thống Mã Anh Cửu, đã có chính sách xích lại gần với Hoa Lục.

Ông Mã đắc cử hồi năm 2008 và không ngừng thúc đẩy chính sách đó. Tháng Hai năm nay, lần đầu tiên kể từ sau khi kết thúc cuộc nội chiến năm 1949, Trung Quốc và Đài Loan đã đối thoại với nhau ở cấp chính phủ. Trung Quốc nhanh chóng trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Đài Loan.

Thất bại nói trên cũng là hồi chuông cảnh báo cho những khó khăn mà Quốc Dân Đảng sẽ gặp phải trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016. La Croix nhận định : Quốc Dân Đảng nếu không muốn thất bại có lẽ phải xem xét lại chính sách thân thiện với Trung Quốc. Tâm lý bài Bắc Kinh của người Đài Loan đã có từ lâu, và vừa được củng cố bởi làn sóng xuống đường đòi quyền tự chủ của người Hồng Kông. Tờ báo dẫn lời một giáo sư tại Đài Loan theo đó, các cuộc biểu tình ở Hồng Kong đã làm xấu thêm hình ảnh Bắc Kinh trong mắt người Đài Loan, khiến người Đài Loan càng nghi ngờ về chính sách « một nhà nước hai chế độ » mà Bắc Kinh hô hào bấy lâu nay.

Miến Điện: quân đội vẫn chi phối chính trường

“Tiến trình chuyển tiếp dân chủ tại Miến Điện đang uể oải”, đó là tựa đề bài phân tích của đặc phái viên báo Le Monde tại Rangun, nhận định về thực trạng cải cách ở đất nước đang giữ ghế chủ tịch ASEAN này. Tiến trình cải cách dân chủ của chính quyền dân sự Miến Điện đã không hiệu quả với nhiều hồ sơ còn tồn tại. Trước nhất tờ báo nhấn mạnh đến việc quân đội vẫn còn nắm quyền chi phối trong chính quyền dân sự. T

heo bản hiến pháp sửa đổi được cho là dân chủ hồi năm 2008, thì quân đội vẫn có đặc quyền nắm 25% số ghế trong Quốc hội. Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí tại Miến Điện tiếp tục bị vi phạm. Bài viết cho biết, trong mùa hè vừa qua, có 4 nhà báo của tờ Unity Journal và ông chủ bút đã bị chính quyền Miến Điện kết án 10 năm tù vì đã dám đăng bài tiết lộ sự tồn tại của một nhà máy sản xuất vũ khí hóa học của quân đội. Phản ứng về hồ sơ này, Tổng thống Thein Sein ủng hộ việc xiết chặt tự do khi cho rằng: “Nếu tự do báo chí đe dọa an ninh quốc gia, thì chúng ta phải có biện pháp”.

Về phần bà Aung San Suu Kyi, nữ đối lập chính tại Miến Điện, thì bà khó có thể trở thành tổng thống theo hiến pháp hiện hành do bà đã kết hôn với người nước ngoài. Trong khi đó, rất ít có khả năng quy định này được sửa đổi trước cuộc bầu cử vào năm tới. Tướng Thura Shwe Man, người đang có quyền lực tại Quốc hội và cũng đang dòm ngó ghế tổng thống, đã không ngại cho rằng, việc sửa đổi điều quy định nói trên nếu được làm thì sẽ làm theo cách trưng cầu dân ý.

Bài viết cho biết thêm, bà Aung San Suu Kyi vừa tỏ ra khoan hòa là đã mời các vị dân biểu xuất thân từ quân đội ăn tối để bàn về cải cách, nhưng các vị dân biểu này đã viện cớ bận không đến dự.

Một câu hỏi đặt ra là tiến trình cải cách dân chủ khó khăn đến thế thì tại sao quân đội lại chấp nhận dấn thân vào? La Croix dẫn lời một nhà phân tích : “Mở cửa đất nước chỉ là một chiêu bài mà quân đội sử dụng để hợp pháp hóa những thứ bất hợp pháp. Điều đó cho phép họ giữ được tài sản đã gom góp được trong suốt những năm dưới chế độ quân phiệt. Nói cách khác, họ chỉ thay đổi chiếc áo quân nhân để mặc vào chiếc áo doanh nhân mà thôi”.

Bà Aung San Suu Kyi đã không ít lần bày tỏ thất vọng về cải cách dân chủ ở Miến Điện, và có khi còn không ngại cho rằng tiến trình này “đang ở điểm chết”. Khi công du Miến Điện hồi tháng 11/2014  Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã cho rằng cải cách còn “chưa đầy đủ” và “còn nhiều việc phải làm”.

Moldova : tiếp tục chia rẽ Đông-Tây

Moldova là một nước thuộc Liên Xô cũ. Cũng giống như anh bạn láng giềng Ukraina, nước này vẫn đang trong cảnh đôi dòng giữa một bên là Nga và một bên là Châu Âu. Nhìn về Moldova, nhật báo Libération đăng bài : « Giống như Ukraina, Moldova cũng thử vận Châu Âu ».

Tờ báo đề cập đến cuộc bầu cử quốc hội vừa qua tại Moldova với phần thắng thế thuộc về liên minh các đảng thân Châu Âu với 54 ghế trong khi liên minh đối lập thân Nga chiếm 47 ghế. Đảng Cộng Sản thân Nga được 19,3% phiếu bầu, tức giảm đến 20 điểm so với cuộc bầu cử lần trước, mức thấp nhất kể từ năm 1991 của đảng này. Đảng Xã Hội thân Nga là đảng được nhiều phiếu ủng hộ nhất, với mức 21,4%.

Kết quả nói trên cho thấy Moldova tiếp tục bị chia rẽ giữa hai làn sóng Đông-Tây. Hai phe thân Nga và thân Châu Âu lại tiếp tục so kè trong việc điều hành đất nước. Libération cho rằng, ảnh hưởng của Nga ở Moldova còn rất mạnh, Nga có người và chi phối trong tất cả các đảng phái chính trị của Moldova, trong hệ thống ngân hàng của Moldova, Nga có thể kích động li khai ở Moldova ở bất cứ thời điểm nào.

Trong khi đó, con đường đến phương Tây của Moldova cũng không phải hoàn toàn bằng phẳng. Dù rằng Liên Hiệp Châu Âu đã chấp nhận miễn visa cho người Moldova, đã kí thỏa thuận tự do mậu dịch, Rumani cũng ra sức thúc đẩy con đường hội nhập Châu Âu của Moldova. Thế nhưng, có hai hồ sơ nổi trội mà tờ báo đưa ra đang làm trở ngại cho con đường đó : nguy cơ tiềm tàng về ly khai ủng hộ Nga ở Moldova và tình trạng tham nhũng vô cùng nghiêm trọng ở nước này.

Đồng quan điểm này, La Croix cũng cho là : "Moldova tiếp tục hướng Tây sau cuộc bầu cử Quốc hội". Tờ báo dẫn lời một nhà phân tích chính trị Pháp : "Thường thì phe thân Nga được phiếu cao ở các vùng quê và các vùng đô thị có quan hệ kinh tế chặt chẻ với Nga. Nên nhớ rằng, các công ty Nga sử dụng đến 70% trên tổng số người Moldova đi lao động ở ngoài nước".

Hai tờ báo nói thêm, tương lai của Moldova còn bị ảnh hưởng bởi tình hình tại Ukraina. Libération dẫn lời chuyên gia nhận định : "Nếu tình hình Ukraina tiếp tục phức tạp, thì Moldova sẽ còn tiếp tục sống lây lất trong vùng tối mặt cho chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua của phe thân Châu Âu".

Ukraina : thợ mỏ trong thời chiến

Nhìn sang Ukraina, đất nước đang chìm trong cuộc chiến giữa hai phe thân Nga và thân Châu Âu, nhật báo Le Figaro có bài phóng sự về cuộc sống của những người thợ mỏ khu vực Donetsk vùng Donbass : “Donbass, thợ mỏ thời chiến”.

Bài phóng sự được thực hiện tại mỏ than Thchelouskinsev nằm ở ngoại ô Donetsk. Mỏ than này là thuộc loại mỏ than có tuổi đời lớn nhất ở Ukraina, được khai thác đã hơn 100 năm. Trước lối vào của mỏ than hiện còn có tượng của Các Mác và Lê-Nin, cho thấy sự ảnh hưởng của cái thời Liên Xô vẫn còn hiện diện.

Tờ báo cho rằng, xung đột giữa phe thân Nga và phe dân tộc chủ nghĩa ở Ukraina còn là câu chuyện của “bản sắc”. Người theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa của Ukraina thì xây dựng bản sắc của mình dựa trên những truyền thống nông dân và nông nghiệp, trong khi đó người vùng Donbass thân Nga và nói tiếng Nga thì hãnh diện về “di sản công nghiệp và khai thác mỏ” mà thời Liên Xô để lại.

Đội bóng chính của Donetsk còn mang tên là Shakhtar, tức “Thợ Mỏ”. Thậm chí, người quản lý khu mỏ nói trên còn không ngại cho phóng viên của Le Figaro biết : “Là thợ mỏ, có nghĩa là thuộc về tầng lớp tinh hoa”.  Bàn về điều kiện lao động ở mỏ than Thchelouskinsev, Le Figaro cho biết, thợ mỏ mỗi ngày phải đi khai thác than ở độ sâu gần 900m trong lòng đất, trong điều kiện khó khăn và ẩm thấp, nguy hiểm bao trùm, tử thần rình rập. Ấy thế mà, trong khi thợ mỏ làm việc trong lòng đất, thì trên mặt đất, chiến sự vẫn nổ ra, quân đội chính phủ Kiev và quân ly khai vẫn đánh nhau ác liệt, nào là roquette,  súng cối,  trực thăng, bom đạn…Bài viết thuật lại câu chuyện khi công nhân đang làm việc dưới lòng đất, thì được lệnh là hệ thống thông hơi bên trên đã bị bom đánh sập, nên phải vội vã chạy ra khỏi lòng đất bằng chiếc thang máy cũ kĩ.

Trong điều kiện làm việc nguy hiểm như vậy, nhưng thợ mỏ Donetsk vẫn phải làm việc để cố gắng cung cấp 1000 tấn than mỗi ngày. Than ở đây được đưa đi sử dụng ở tất cả các nhà máy điện trên lãnh thổ Ukraina, và hiện tại rất quan trọng để đảm bảo điện cho Donetsk khi mùa đông tới và nhiệt độ có thể âm tới mấy chục độ C.

Có khi chiến sự ác liệt quá thì việc khai thác mỏ cũng bị tạm ngưng, nhưng ngay khi có thể là các thợ mỏ lại chui vào lòng đất dù bom đạn tiếp tục rơi ở bên trên mặt đất. Khi một ngày làm việc kết thúc, các thợ mỏ vùng Dobass lại lo lắng là không biết ngày hôm sau có làm việc được hay không.

Bài phóng sự kết thúc bằng lời của người quản lý mỏ than Thchelouskinsev : “Tôi không biết người ta bắn nhau là gì cái gì. Nhưng có một điều tôi biết chắc, đó là bom đạn của quân đội chính phủ Kiev sẽ khiến cho chính phủ này mất uy tín ở đây”.

No comments:

Post a Comment