(Baodatviet) - Ngày 19/12, báo chí Trung Quốc đưa tin nước này sẽ tiến hành xây dựng thêm hệ thống quan sát ngoài khơi mới.
Hệ thống quan sát dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020, được quan chức Cục Hải dương Trung Quốc đánh giá “là nền tảng bảo vệ cho lợi ích hàng hải của Bắc Kinh”.
Theo đó, mạng lưới sẽ kiểm soát các vùng nước ven biển, khu vực ngoài khơi và gần địa cực. Song song đó, Trung Quốc còn xây dựng nhiều trạm cảnh báo sóng thần và thực hiện hàng loạt hoạt động quan sát dưới đại dương, theo Reuters.
Động thái này được cho là sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực. Nhiều quốc gia láng giềng, gồm Nhật Bản, Philippines và Việt Nam, đã bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc tăng cường quân đội và gia tăng các hành động hiếu chiến trên biển.Tờ báo cho biết mạng lưới sẽ giúp Trung Quốc thấy rõ tiềm năng tài nguyên tại những vùng biển của nước này nhưng không tiết lộ chi phí xây đựng.
Tàu hải giám Haijian 66 của Trung Quốc đối đầu với tàu Kiso của lực lượng tuần duyên Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư năm 2012.
|
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, khu vực được cho là giàu tài nguyên và có trữ lượng dầu khí lớn, bất chấp sự phản đối từ các nước láng giềng và dư luận thế giới.
Trên biển Hoa Đông, Trung Quốc có tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Các tàu tuần tra và chiến đấu cơ hai nước luôn theo dõi lẫn nhau ở gần quần đảo không người này, làm dấy lên lo ngại xảy ra va chạm, có thể leo thang thành đụng độ quy mô lớn.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 12/12, theo Đài TNHK, Trung tâm Thông tin Kanwa, cơ quan tin tức có trụ sở tại Canada, đưa tin Trung Quốc có thể đã bí mật thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông mà không tuyên bố công khai để tránh bị phản đối.
Báo Want China Times của Đài Loan, 10/12 dẫn nguồn tin trên cho biết Chính phủ Trung Quốc đã lên kế hoạch thiết lập 2 ADIZ ở Biển Hoa Đông và Biển Đông sau sự cố đảo Hải Nam hồi năm 2001, khi một chiến đấu cơ J-811 của Trung Quốc va chạm với một máy bay do thám của Mỹ trên không, khiến 1 phi công Trung Quốc thiệt mạng.
Khả năng Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông cũng được nhiều quan chức, chuyên gia quốc tế chỉ ra.Hồi tháng 10/2014, nguồn tin của đài Tiếng nói nước Nga cho biết, một khi có căn cứ quân sự ở Biển Đông, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thiết lập một ADIZ.
Phó Tổng giám đốc Cơ quan Hàng không Dân dụng Philippines John Andrews đã từng lên tiếng cảnh báo Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực và Bắc Kinh có thể thiết lập một ADIZ mới trên biển Đông.
Gần đây nhất, ngày 7/12, Trung Quốc đã ra tuyên bố tái khước từ vụ kiện do Philippines khởi xướng lên Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc liên quan đến vấn đề biển Đông.
Trước đó, tháng 11, tổng thống Mỹ Barack Obama đã tìm cách trấn an các đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương về sự thay đổi chiến lược đối với khu vực. Ông cam kết tiếp tục những nỗ lực tăng cường quan hệ an ninh với các quốc gia, trong đó có Nhật Bản và Việt Nam.
Washington tháng trước còn kêu gọi Bắc Kinh ngừng dự án cải tạo, bồi đắp đất ở quần đảo Trường Sa sau khi các báo cáo phân tích hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo trên một bãi cạn với diện tích đủ lớn cho một đường băng.
Trung Quốc lại ngang ngược cho rằng nước này có "chủ quyền không tranh cãi" với quần đảo Trường Sa và nói Mỹ đưa ra "những lời nhận xét vô trách nhiệm".
Ngày 11/6, Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) công bố tuyên bố về tình trạng vi phạm leo thang tại biển Đông, đồng thời sẵn sàng giúp đỡ, ủng hộ mọi hành động của Việt Nam nhằm giải quyết tranh chấp với Trung Quốc.
Thái Linh (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment