Friday, December 19, 2014

Bộ trưởng thuê nhà 2 triệu/tháng phù hợp lương: Thu làm gì?

(Baodatviet) - Trong cấu thành mức giá 2 triệu đó, Bộ Xây dựng tính toán dựa trên cơ sở nào và số tiền đó sẽ được thu để làm gì?

Theo quy định mới của Luật nhà ở, nhà công vụ cho thuê sẽ có khung tính giá nhà nước cho thuê đối với nhà công vụ. Mức giá được áp dụng là 14.000 – 18.000 đ/m2/tháng.

Như vậy, một người thuê căn hộ 150m2 (tiêu chuẩn với Bộ trưởng) thì cũng tốn 2 triệu đồng/tháng. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, cách tính này phù hợp so với mức lương 14 triệu đồng của Bộ trưởng.

Một lãnh đạo Cục quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, trên thực tế việc tính giá cho thuê nhà ở công vụ cũng còn khá phức tạp. Nếu thuê giá cao quá thì cán bộ công chức không đủ điều kiện, họ ra ngoài thuê chứ không ở nhà công vụ. Nhưng nếu thấp quá thì phải quản lý thế nào, quy định đối tượng ra sao, mức giá tính toán trên cơ sở nào?

Một trong những nhà công vụ trên địa bàn Hà Nội
Một trong những nhà công vụ trên địa bàn Hà Nội

Theo tính toán, với một ngôi nhà khoảng 150m2, có giá thuê ngoài thị trường sẽ vào khoảng 7-8 triệu/tháng. Bộ Xây dựng thu 2 triệu/tháng là thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường nhưng lại cao hơn chi phí để duy trì tòa nhà.

Vị này băn khoăn không biết trong cơ cấu thu 2 triệu/tháng, Bộ Xây dựng đưa ra cách tính này dựa trên cơ sở nào và số tiền đó để chi vào việc gì.

Vì nếu thu đủ theo giá thị trường, cũng đồng nghĩa với việc thu cao và phải đẻ ra thêm một bộ máy để vận hành, quản lý, bảo dưỡng tòa nhà này. Tức là lãnh đạo sẽ phải trả tiền để nuôi thêm một bộ máy như vậy là bất hợp lý. Nếu vậy, thì thay vì nhà nước bỏ ra một đống tiền mua nhà rồi lại cho cán bộ thuê trong thời gian công tác tốt nhất nên thực hiện chính sách khoán cho "rảnh tay".

Đẽo chân cho vừa giày...

Chính sách khoán nhà công vụ không phải bây giờ mới bàn tới, thực chất quy định này đã có từ năm 2007. Người đầu tiên và cũng là người duy nhất thực hiện chính sách này là ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Ông Thuận ủng hộ chính sách khoán nhà công vụ vào lương nhưng với điều kiện lương đó phải được tính đúng, tính đủ.

"Không cần thiết phải đưa ra một mức lương 14 hay 17 triệu cho một lãnh đạo cấp cao để bày tỏ sự mẫn cán, chứng minh là người đầy tớ của người dân. Đưa ra một mức lương mẫu mực như vậy là không cần thiết. Giải pháp tối ưu là trả lương theo cơ chế thị trường, trả thẳng lương Bộ trưởng 100-200 triệu đồng/tháng và phải chấp nhận không có chế độ gì hết.

Như vậy, mỗi năm lương Bộ trưởng cũng được 1,2 tỷ, 5 năm hết nhiệm kỳ cũng có 6-7 tỷ, trừ chi phí, chi tiêu cũng tiết kiệm được tiền tỷ. Ai cũng được lời từ chính sách khoán chứ không thiệt chút nào", ông Thuận tính toán.

Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng đưa ra mức lương thấp rồi vẽ chính sách uốn éo, quanh co để lừa dối dư luận.

"Nói tính giá thuê 2 triệu đồng /tháng là phù hợp với mức lương 14 triệu của Bộ trưởng, chẳng khác nào cố đẽo chân cho vừa giày", ông Thuận bức xúc.

Là người từng đảm nhiệm công việc phụ trách kế hoạch chi tiêu tài chính của văn phòng, ông Thuận nhận thấy có nhiều bất cập trong cơ cấu chi tiêu công. Điển hình là bảng kế hoạch xăng của cán bộ, công chức có khi lên tới hàng ngàn cây số/tháng mà không biết cán bộ đã đi những đâu.

Khi đi thực tế, ông đã rút ra kết luận "cuộc sống công chức sướng nhất là được đi du lịch mà không mất tiền. Mang cái tiếng đi giám sát địa phương nhưng làm việc một ngày còn một ngày đi du lịch. Xăng nhà nước chịu, xe nhà nước cho, rượu địa phương mời..."

Theo thông báo mới đây của Bộ Tài chính, mỗi năm chi phí cho một xe công tiêu tốn khoảng 280 triệu/xe, Bộ này cũng kết luận, hàng ngàn tỉ lãng phí chi cho xe công hàng năm. Tức là chính sách quản lý tài sản công đang thể hiện nhiều bất cập. Ông Thuận cũng cho biết, khi thực hiện chính sách đi xe khoán, ông chỉ sử dụng hết khoảng 2/3 số tiền mức khoán, sau 6 năm khi về hưu ông cũng tiết kiệm được cả trăm triệu từ việc đi xe ôm đi làm để sửa nhà.

Tương tự với chính sách thuê nhà công vụ hiện nay, ông Thuận cho rằng, cách tính giá thuê nhà mấy triệu/tháng là không có cơ sở, là quản lý nửa vời và đi ngược với cơ chế thị trường hiện nay.

Bộ trưởng thuê nhà 2 triệu/tháng: Đẽo chân cho vừa giày...

Nêu quan điểm cá nhân, TS Lê Hồng Sơn (Bộ Tư pháp) cũng cho biết, những lình xình trong công tác quản lý nhà ở công vụ thời gian qua cho thấy đang ẩn chứa nhiều vấn đề đó là sự mất chuẩn, lệch chuẩn, buông lỏng quản lý của cơ quan, người có trách nhiệm.

Đây cũng là một biểu hiện của cơ hội, thực dụng, lợi ích cá nhân, tham nhũng, lãng phí đang có chiều hướng phát triển trong một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức có chức, có quyền.

"Nhà công vụ cũng được xây dựng từ ngân sách nhà nước, từ tiển thuế của dân. Đó là tài sản nhà nước.

Quan trọng là cần phải có cơ chế rõ ràng, minh bạch và kiên quyết không để biến tướng, không để lạm dụng, không để tham nhũng, lãng phí diễn biến trong vấn đề này" - ông Sơn kết luận.

Vũ Lan

No comments:

Post a Comment