Friday, November 14, 2014

'VN có vẻ đang làm sạch khối ngân hàng'

Thị trường bị sốc vì vụ bắt ông Hà Văn Thắm
BBC-1 giờ trước
Đánh giá mới nhất của hai tờ báo nước ngoài tuần này cho thấy Việt Nam có vẻ đang tăng cường nỗ lực làm sạch hệ thống ngân hàng.
Tạp chí Anh The Economist ngày 15/11 đặt vấn đề: “Với các ông chủ ngân hàng Việt Nam, nhà tù đang trở thành nơi sinh hoạt bất tiện.”
Sự kiện mới nhất là vụ bắt giữ ông Hà Văn Thắm hôm 24/10.
Cùng với vụ bắt tạm giam bốn tháng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đình chỉ chức vụ chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương đối với ông Hà Văn Thắm.
Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương, một trong 37 ngân hàng tư nhân ở Việt Nam, cũng miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Thắm.
Trước đó hồi tháng Sáu, một trong những người từng giàu nhất Việt Nam, ông Nguyễn Đức Kiên, bị án tù 30 năm.
Nhiều cán bộ tại ngân hàng lớn nhất Việt Nam, Agribank, đã mất chức, và một người còn nhận án tử hình.

Nợ xấu

Theo The Economist, các ngân hàng Việt Nam “rõ ràng mắc bệnh quản lý kém và giám sát yếu”.
“Bốn ngân hàng nhà nước mạnh tay cho vay với các doanh nghiệp nhà nước quản lý kém, trong khi các ngân hàng tư nhân (chiếm đa số các khoản cho vay) thì đổ tiền cho giới xây dựng, dẫn đến bong bóng bất động sản đã nổ vào năm 2010.”
Một luật sư từ văn phòng luật nước ngoài ở Tp HCM được báo này dẫn lời nói “Chuyện thường xảy ra là nhân viên phê duyệt các khoản vay hoặc giám đốc ngân hàng nhận hối lộ để giải quyết cho vay."
Đầu năm nay, cơ quan đánh giá Moody’s ước tính nợ xấu ở Việt Nam là 15%, cao hơn nhiều so với con số 4.7% do Ngân hàng Nhà nước đưa ra.
Tạp chí The Economist chỉ ra rằng dù con số thật là gì, thì nợ xấu đang dần biến khỏi sổ sách ngân hàng nhờ Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC), được chính phủ thành lập năm 2013.
Có vẻ như VAMC mua lại nợ xấu dựa trên giá trị sổ sách của ngân hàng, vốn cao hơn giá trị thật.
VAMC cho biết đã mua lại khoản nợ trị giá 2.5 tỉ đôla và hy vọng con số này lên tới 5 tỉ đôla vào cuối năm.
Đổi phương pháp
Theo trang tin của Mỹ Bloomberg, từ khi VAMC ra đời, tỉ lệ nợ xấu đã giảm từ 17% năm 2012 xuống còn 5.4%.
Cũng theo Bloomberg ngày 13/11, VAMC sẽ bắt đầu áp dụng thí điểm mua nợ theo giá thị trường chứ không còn dựa vào giá trị sổ sách và hoàn toàn chuyển sang mô hình này vào năm 2016.
Trả lời Bloomberg, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC nói phương pháp mới sẽ “giúp thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu và khuyến khích tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng”.
“Tôi tin rằng, VAMC sẽ có thể mua và bán nợ xấu với tiến độ nhanh hơn trong năm tới khi đã có hơn 1 năm kinh nghiệm.”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cho biết 95% các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua có tài sản đảm bảo là bất động sản.
Bà Phan Thị Chinh, Phó Tổng giám đốc ngân hàng BIDV, nhận xét việc chuyển sang cơ chế mua nợ theo giá thị trường sẽ giúp đẩy mạnh quá trình xử lý nợ xấu.
“Tuy nhiên, điều này phải đi kèm với một phương thức thanh toán tốt hơn, chẳng hạn như tiền mặt, chứ không phải chỉ là phát hành trái phiếu cho các ngân hàng như hiện nay,” bà nói.
Các diễn biến mới nhất dường như cho thấy Việt Nam đang cố gắng cải thiện lòng tin của thị trường vào hệ thống ngân hàng.
Nói với The Economist, ông Eugene Tarzimanov từ Moody’s, nói các vụ bắt giữ gần đây là “dấu hiệu tích cực rằng giới quản lý và nhà chức trách nghiêm túc” muốn làm sạch ngân hàng.
Nhưng ngược lại, The Economist nói, nhiều người Việt Nam lại chỉ xem các vụ bắt giữ là “cuộc tranh đấu quyền lực giữa một thủ tướng cải cách và một chủ tịch nước cùng tổng bí thư bảo thủ hơn”.
Ít ai biết sự thực là thế nào. Nhưng điều rõ ràng, theo The Economist, “nếu thiếu khu vực ngân hàng lành mạnh, Việt Nam sẽ khó quay lại thời kỳ tăng trưởng 7-8% đã từng có trước khủng hoảng”.

No comments:

Post a Comment