Friday, November 14, 2014

Thủ Tướng CS Việt Nam yêu cầu giữ nguyên trạng Biển Đông

Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp song phương tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Myanmar, ngày 13/11/2014.
Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp song phương tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Myanmar, ngày 13/11/2014.
VOA-14.11.2014
Thủ Tướng CS Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi các bên tranh chấp ở Biển Đông hãy tự chế, đừng xây cất, thay đổi các ghềnh đá và bãi cạn ở Biển Đông. Ông cảnh báo rằng các cuộc tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc, nếu không được xử lý đúng đắn, sẽ gây phương hại tới quan hệ song phương.
Bloomberg đưa tin đêm hôm qua, trích câu trả lời của ông Nguyễn Tấn Dũng cho hãng tin tài chính này nói rằng 'Các nước tranh chấp nên kiềm chế và tránh làm cho tình hình phức tạp thêm tại các ghềnh đá và bãi cạn' ở Biển Đông.
Lời bình luận của người đứng đầu chính phủ Việt Nam được đưa ra sau nhiều tháng căng thẳng liên tục gia tăng trong cuộc tranh chấp biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong một văn bản gửi cho hãng tin Bloomberg ngay sau cuộc họp chính thức với Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm 13 tháng 11 ở Myanmar.
Bản tin của Bloomberg cho biết một mặt Hà Nội đang thương thuyết để xoa dịu tranh chấp tại Biển Đông trong khi công khai phản đối các hành động của Trung Quốc, và cùng lúc, vận động để siết chặt hơn các quan hệ kinh tế và quân sự với Hoa Kỳ và các cường quốc khác, kể cả Ấn Độ và Nhật Bản.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời Tiến sĩ Alexander Vu-ving tức Giáo sư Vũ Hồng Lâm thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại bang Hawaii, Hoa Kỳ, nói rằng “Đặt trong bối cảnh các quan hệ Việt-Trung đang được bình thường hoá trở lại, những lời phát biểu của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng phản ánh một tình hình hết sức khó khăn.”
Theo nhận định của Giáo sư Vũ Hồng Lâm thì trong các quan hệ song phương, Trung Quốc và Việt Nam đã không đạt được tiến bộ nào đáng kể, bất chấp những hội nghị song phương, tái tục những trao đổi, quan hệ Việt-Trung hãy còn rất khó khăn. Và theo lời Tiến sĩ Vũ, thì bên dưới bề ngoài hoà dịu, những sự thù nghịch vẫn còn đó.
Hồi tháng 5, sau khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố Hà Nội “sẽ áp dụng mọi biện pháp hoà bình và cần thiết, theo luật quốc tế, để bảo vệ các quyền hợp pháp của mình tại vùng biển tranh chấp”. Ông Dũng nói Việt Nam đang chuẩn bị hồ sơ với những chứng cớ để có thể thách thức Trung Quốc trước công luận quốc tế.
Thông Tấn Xã Việt Nam tường thuật  rằng tại cuộc họp cấp cao với Tổng Thống Mỹ hôm qua ở Myanmar, Thủ tướng Việt Nam hoan nghênh và 'đánh giá cao lập trường rõ ràng của Hoa Kỳ' về vấn đề Biển Đông, và yêu Hoa Kỳ và các nước khác 'tiếp tục đóng góp một cách hiệu quả vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải'. Ông kêu gọi các bên tranh chấp hãy “thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC), và sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)
Môt vấn đề cũng nằm rất cao trong ưu tiên của Việt Nam, là các cuộc thương thuyết với Washington để đi tới Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, Hà Nội rất mong đẩy mạnh tiến trình này. Các chuyên gia cho rằng nếu đạt được, những lợi ích do TPP mang lại sẽ giúp Việt Nam bớt lệ thuộc hơn vào Trung Quốc.
Trong một bản tin khác về quan hệ Mỹ-Việt, hãng tin Bloomberg nói rằng Việt Nam muốn có sự hiện diện của Mỹ trong khu vực giữa lúc giới lãnh đạo ở Hà Nội đang tăng cường các hoạt động ngoại giao để chống lại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Nguồn: Bloomberg, WSJ, TTXVN

No comments:

Post a Comment