Friday, November 14, 2014

Phúc trình của Việt Nam tại Ủy ban LHQ

Bà Ỷ Lan và ông Võ Văn Ái tại khoá họp lần thứ 53 của Uỷ ban LHQ về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hoá diễn ra từ ngày 10 đến 28-11.2014 tại Genève-Photo courtesy of queme.net
Ỷ Lan, thông tín viên RFA 2014-11-14
Khóa họp lần thứ 53 của Ủy ban LHQ về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa diễn ra tại Điện LHQ Wilson ở Genève từ ngày 10 đến 28.11.2014 để nghe phúc trình của các quốc gia thành viên. Phúc trìnhViệt Nam diễn ra trong hai ngày 10 và 11. Ngày 10, Uỷ ban lắng nghe các Báo cáo phụ khuyết của hai tổ chức Phi Chính phủ là Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên bang Khmers Kamphuchea Krom, và Phúc trình của Phái đoàn Việt Nam đến từ Hà Nội do Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu 18 người đại diện các Bộ Ngoại giao, Giáo dục, Tư pháp, Vụ Nhân quyền thuộc Bộ Công an, Ủy ban Dân tộc, v.v…
Vào buổi trưa, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền cùng với Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam tổ chức buổi Thông tin Chỉ dẫn cho các Chuyên gia LHQ.
Báo cáo và phúc trình chấm dứt vào lúc 13 giờ ngày 11.
Ông Nicolas Agostini, Trưởng phòng đại diện Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền tại LHQ cho biết về bản Báo cáo Chung mới công bố của hai tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn, như sau :
“Báo cáo chung này rất quan trọng vì các tổ chức Phi chính phủ có cơ hội đệ trình cái mà chúng tôi gọi là “Báo Cáo Phản biện” cho Uỷ ban LHQ về Kinh tế, Xã hội và Văn hoá. Uỷ ban LHQ đảm trách việc thực thi một trong hai Công ước quan trọng nhất về Nhân quyền, là Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị, và Công ước quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hoá. Hôm nay Việt Nam đến Phúc trình”.
Ỷ Lan : Thế thì các xã hội dân sự cũng được quyền phát biểu trước Uỷ ban?
Nicolas Agostini : Các tổ chức Phi Chính phủ sử dụng không gian ăn nói ở LHQ Genève vốn không có ở Việt Nam. Chúng tôi có quyền đệ nạp phúc trình hay báo cáo, và cũng có quyền phát biểu trước Uỷ ban LHQ để thúc đẩy các Chuyên gia đưa các vấn đề trầm trọng chất vấn Phái đoàn Việt Nam. Sáng nay, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã trình bày và hồi đáp khá lâu các câu hỏi do các Chuyên gia LHQ đặt ra. Chúng tôi chứng kiến trong cuộc đối thoại với Việt Nam, các thành viên Uỷ ban LHQ đã đưa ra nhiều chất vấn mà hai tổ chức chúng tôi quan tâm qua bản Báo cáo Chung. Điều cho thấy là Uỷ ban LHQ không chỉ lắng nghe tiếng nói của chính quyền Việt Nam, vì họ đã nói lên các điều quan ngại. Đồng thời họ cho Việt Nam thấy họ không ngốc, vì họ đã đưa ra rất nhiều vấn nạn trầm trọng.
Ông Võ Văn Ái cho biết thêm :
“Phúc trình định kỳ của Việt Nam đưa ra một chuỗi quy định, luật pháp, nhưng chẳng hề thông tin về nội dung cùng sự áp dụng hay thực thi các quyền này. Việt Nam đã chậm trễ phúc trình đến 21 năm. Phúc trình chúng tôi nghe hôm nay đầy những lời lẽ cường điệu cho thấy nhà cầm quyền chẳng quan tâm gì đến các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa của người dân. Vì vậy chúng tôi đã đưa ra trước Uỷ ban LHQ 37 Khuyền cáo yêu sách Việt Nam thực hiện. Đặc biệt là phải cấp bách : Bãi bỏ hoặc sửa đổi các điều luật mơ hồ trái chống nhân quyền quốc tế —  Chấm dứt việc đàn áp các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền — Cho phép sự hình thành các xã hội dân sự đích thực, công đoàn tự do, các tổ chức độc lập, và các cộng đồng tôn giáo hoàn toàn tự do, tự quản và —  Xem xét lại các chương trình giáo dục để đào tạo cho học sinh tinh thần phê phán, mở rộng nhãn quan ra thế giới, và thăng tiến nhân quyền phổ quát ».
Ông Schrijver, người Hoà Lan, Báo cáo viên của Uỷ ban LHQ bắt đầu hỏi vì sao Việt Nam mất đến 20 năm để soạn báo cáo ? Vì bận ra những sắc luật ? Hay có gặp khó khăn gì ? Ông đặt một số câu hỏi dựa trên 3 nguyên tắc chỉ đạo để bảo vệ nhân quyền. Đó là, Tự do – Bình đẳng và Công lý. Ông nói :
“Nhân dân Việt Nam có được tự do lập hội không ? ví dụ như Công đoàn tự do ; họ có được tự do sống theo bản sắc văn hoá của họ không ? Việt Nam có tự do ngôn luận và tự do văn hoá không ? Có tự do tôn giáo không ? Người Việt Nam có quyền tiếp cận các cơ chế pháp luật để khiếu nại các sự lạm quyền đối với họ, và nền tư pháp có đủ độc lập để xử các vụ khiếu nại của họ?"
Bà Shin, Chuyên gia LHQ người Đại Hàn, chất vấn Phái đoàn Việt Nam, rằng: “Việt Nam có đạo luật nào cấm kỳ thị vì lý do chính trị, tôn giáo, hay dân tộc không ? Có biện pháp chế tài đối với những ai bị kỳ thị không ? Chế độ “hộ khẩu” có là nguyên nhân gây kỳ thị không” ?
Chuyên gia Atanga, người Cameroon, đặt vấn đề về sự độc lập của Tòa án và nền Tư pháp tại Việt Nam.
Bà Bras Gomez, Chuyên gia người Bồ Đào Nha, lo lắng Việt Nam có tạo đủ không gian cho các xã hội dân sự độc lập được hoạt động hay không ?
Chuyên gia Abashidze, Liên bang Nga, muốn biết vì sao Việt Nam hạn chế quyền đình công của thợ thuyền, vì lý do gì ?
Chuyên gia Kedzia, người Ba Lan, làm Chủ Tọa Ủy ban LHQ, thắc mắc về nạn tham nhũng – theo tin tức nhận được qua Báo cáo, thì những nhà báo và người bảo vệ nhân quyền khi lên tiếng tố cáo tham nhũng liền bị đe doạ hay bắt giam – có đúng không ?  Và một loạt những câu hỏi khác liên quan đến vấn đề Nhà nước cưỡng chiếm dất đai, cưỡng bức dời cư, cưỡng bức trẻ em lao động, v.v…
Vào lúc 18 giờ chiều ngày 10, Ông Chủ toạ Uỷ ban LHQ tuyên bố cho phép Phái đoàn Việt Nam một đêm để chuẩn bị trả lời các câu hỏi.
Sáng hôm 11, Trưởng phái đoàn Nguyễn Chí Dũng trả lời rất lúng túng, khá chung chung, không đi vào trọng tâm các câu hỏi :
“Cám ơn Ngài chủ toạ và Báo cáo viên đã có những câu hỏi hết sức hay đối với cả chúng tôi. Như các quý vị đã biết thì việc thực hiện các quyền mà chúng tôi đã cam kết và đã tham gia vào Công ước thể hiện một cái trách nhiệm của Việt Nam một cách nghiêm túc để thực hiện đầy đủ tất cà cái cam kết này."
“Và trên thực tế thì trong một thời gian nó rất là ngắn, mà chưa phải là dài, mà đạo luật là các đạo luật của chúng tôi cần phải xây dựng và thực hiện để trờ thành một Nhà nước pháp quyền ấy, có những cái mà chúng tôi đang làm và sẽ làm trong thời gian tới. Chứ chưa thể giải quyết ngày một ngày hai, đồng bộ mà hoàn chỉnh tất cả các đạo luật liên quan đến các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội…”.
Nói chung, các nhân viên 18 người trong Phải đoàn Việt Nam hoặc tránh né không trả lời câu hỏi, hoặc phủ nhận suông. Hoặc kê khai dài dòng những sắc luật hay Hiến Pháp như những văn kiện bảo vệ tối thượng nhân quyền tại Việt Nam.
Như trả lời câu hỏi của Ông Mancisidor, Chuyên gia người Tây Ban Nha, đại diện Bộ Ngoại giao hồi đáp về tự do Internet, và sự tố cáo của Ân xá Quốc tế nói về 75 bloggers bị tù giam vì ôn hòa sử dụng Internet :
“Thành viên Uỷ ban có nêu về thông tin do tổ chức Ân Xá Quốc tế đưa ra về 75 bloggers bị tống giam, thì tôi xin khẳng định rằng Việt Nam không có bất cứ ai bị tống giam vì họ là bloggers mà vì những hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân đó, cho dù họ là blogger, nhà báo, luật sư hay là một quan chức chính phủ. Thì nếu như họ bị có những hành vi vi phạm pháp luật thì họ đều bị xét xử theo đúng quy định pháp luật”.
Có nhiều câu hỏi Phái đoàn Việt Nam không hồi đáp, khiến các chuyên gia phải khẩn cầu đặt lại lần thứ hai.
Ông Schrijver, Báo Cáo viên Ủy Ban LHQ cho biết sẽ công bố bản “Kết luận và các Khuyến cáo”, khi khoá họp bế mạc vào ngày 28.11, ông chúc phái đoàn Việt Nam thượng lộ bình an, và nói :
“Hy vọng rằng chúng tôi không phải đợi tới 18 năm để được gặp lại quý ông”.
Ỷ Lan tường trình từ Genève

No comments:

Post a Comment